Bà Nguyễn Thu Trà, Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) khẳng định, sẽ hoàn thuế đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời đối với hồ sơ đủ điều kiện.
Bà giải thích thế nào về việc 7 tháng mới hoàn thuế VAT đạt 39% dự toán, chỉ bằng 85% so với cùng kỳ năm 2022?
Trong 7 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã hoàn được 71.825 tỷ đồng tiền thuế VAT (chủ yếu cho hàng hóa xuất khẩu). Mặc dù chỉ đạt 39% dự toán và thấp hơn cùng kỳ năm 2022, nhưng tôi khẳng định, công tác hoàn thuế bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 470/CĐ-TTg (ngày 26/5/2023) về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Tỷ lệ hoàn thuế không bằng năm 2022 là do trong 7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chỉ đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Thuế VAT chủ yếu được hoàn cho hàng hóa xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu giảm thì số tiền hoàn thuế giảm cũng là đương nhiên.
Nghị quyết 01/NQ-CP (ngày 6/1/2023) về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm nay khoảng 6% so với năm 2022, vì thế dự trù kinh phí hoàn thuế VAT lên đến 186.000 tỷ đồng. Nhưng do diễn biến trên thị trường thế giới không thuận, khiến kim ngạch xuất khẩu không những không tăng, mà còn giảm, khiến số thuế thực hoàn thấp hơn nhiều so với dự toán.
Bà khẳng định việc hoàn thuế đúng, đủ, kịp thời cho doanh nghiệp?
Ngành thuế đã điện tử hóa hầu hết khâu quản lý, trong đó có hoàn thuế. Chúng tôi đã triển khai hoàn thuế điện tử với gần 80% số hồ sơ hoàn thuế VAT thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau, nên việc giải quyết hoàn thuế rất nhanh chóng, chỉ trong vòng 6 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn của doanh nghiệp là việc hoàn thuế hoàn tất.
Việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế nhanh chóng, kịp thời theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế đã tạo điều kiện giúp doanh nghiệp quay vòng vốn nhanh, nâng cao hiệu quả trong sử dụng vốn, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa.
Nhưng nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng vẫn lên tiếng về việc hoàn thuế chậm, thưa bà?
Đúng là vẫn còn tình trạng chậm, muộn trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT, gây bức xúc cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu phải kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo các đơn vị phải hướng dẫn doanh nghiệp, thực hiện hoàn thuế VAT đối với hồ sơ hoàn thuế đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Tôi xin nhấn mạnh, hoàn thuế kịp thời, nhưng phải bảo đảm đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật. Chính vì vậy, Tổng cục Thuế yêu cầu thủ trưởng cơ quan thuế các địa phương phải khẩn trương thực hiện ngay, không chậm trễ việc chỉ đạo tổ chức thực hiện hoàn thuế đúng thẩm quyền, đúng pháp luật quy định, không để tồn đọng kéo dài, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm bố trí đầy đủ nguồn lực, đôn đốc các đơn vị trực thuộc khẩn trương hoàn thành việc kiểm tra hoàn thuế đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế đã tiếp nhận và được phân loại thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau (tiền kiểm), giải quyết hồ sơ hoàn thuế đúng thời hạn, nhưng phải bảo đảm đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật thuế và pháp luật quản lý thuế.
Vậy vì sao vẫn còn không ít doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, lâm sản chưa hài lòng với công tác hoàn thuế, thưa bà?
Trên thực tế, trước tháng 6/2023, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và một số doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm làm từ gỗ phản ứng nhiều nhất về việc hoàn thuế VAT, mặc dù trong 5 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã giải quyết 4.760 hồ sơ hoàn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu nhóm mặt hàng này, với số tiền đã hoàn là 19.100 tỷ đồng. Doanh nghiệp tự hủy 215 hồ sơ đề nghị hoàn với số tiền 1.514 tỷ đồng do sau khi gửi hồ sơ đề nghị hoàn, doanh nghiệp tự rà soát đối chiếu với quy định về hoàn thuế, nhận thấy hồ sơ bị thiếu, kê khai sai, cần điều chỉnh số liệu, cần thời gian để xem xét lại hồ sơ, sổ sách chứng từ.
Tính đến cuối tháng 5/2023, chỉ có 199 hồ sơ hoàn thuế mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, tương ứng số tiền 1.119 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 4,18% so với tổng số hồ sơ đã được hoàn thuế) chưa được hoàn do nhiều nguyên nhân như hồ sơ đang trong thời gian giải quyết theo quy định; hồ sơ đã được chuyển sang cơ quan công an để điều tra, xác minh; doanh nghiệp xin tạm dừng, hoãn thời gian kiểm tra trước khi hoàn thuế; doanh nghiệp chưa cung cấp đủ hồ sơ, tài liệu, số liệu do đang chờ kết quả xác minh... Trên thực tế, cơ quan thuế từ chối đề nghị hoàn 44 hồ sơ, tương ứng số tiền đề nghị hoàn 310 tỷ đồng do hồ sơ đề nghị hoàn không đủ thủ tục.
Tôi cũng xin cung cấp thêm thông tin, từ đầu năm 2022 đến nay, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ của khoảng 10 doanh nghiệp trực tiếp đề nghị hoàn thuế VAT mặt hàng gỗ và sản phẩm làm từ gỗ, dăm gỗ, viên nén gỗ sang cơ quan công an để phối hợp điều tra, xác minh (không kể các doanh nghiệp trung gian bán hàng cho doanh nghiệp hoàn thuế nêu trên), do có dấu hiệu sử dụng hóa đơn khống để hoàn thuế, doanh nghiệp mua hàng của doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế.
Hoạt động xuất khẩu đang chuyển biến mạnh, theo đó khối lượng tiền hoàn thuế sẽ tăng mạnh trong 5 tháng cuối năm nay. Thưa bà, làm cách nào để hoàn đúng, hoàn đủ, hoàn kịp thời tiền thuế VAT cho doanh nghiệp?
Tổng cục Thuế chỉ đạo, đối với hồ sơ hoàn thuế đã kiểm tra, xác định số thuế đủ điều kiện thì ban hành ngay quyết định hoàn thuế, đảm bảo đúng thời hạn quy định. Đối với hồ sơ đang kiểm tra, xác minh thì phải thông báo cho doanh nghiệp về tiến độ giải quyết hồ sơ, dự kiến thời gian hoàn thuế. Đối với số thuế đã có kết quả kiểm tra, xác minh thì khẩn trương giải quyết hoàn thuế mà không phải chờ xác minh toàn bộ mới giải quyết hoàn thuế. Trường hợp hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã chuyển cơ quan điều tra, cơ quan thuế phải có thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và căn cứ kết luận của cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Cùng với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoàn thuế, cơ quan thuế tăng cường thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế đối với trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau (hậu kiểm) nhằm kịp thời phát hiện việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn, trục lợi trong hoàn thuế nhằm chiếm đoạt ngân sách nhà nước.