Khắc phục chậm hoàn thuế

0:00 / 0:00
0:00
Tại nhiều cuộc họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng, Thủ tướng Chính phủ luôn nhắc ngành thuế phải hoàn đúng, hoàn đủ, hoàn kịp thời thuế GTGT.
Khắc phục chậm hoàn thuế

Không thể phủ nhận tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã có chuyển biến trong những tháng gần đây, nhưng hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm sản và sản phẩm chế biến lâm vào cảnh “cơm treo, mèo nhịn”, bởi tiền thuế đã nộp bị “ngâm” trong ngân sách, trong khi những đơn vị này lại thiếu vốn hoạt động.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, ngành thuế đã ban hành khoảng 10.000 quyết định hoàn thuế, nhưng số thuế GTGT thực hoàn mới đạt 39% kế hoạch và chỉ bằng khoảng 85% so với cùng kỳ năm 2022.

Vì sao, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận được tiền hoàn thuế, hơn thế còn bị cơ quan thuế từ chối hoàn thuế GTGT, cho dù lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu đích thân cục trưởng cục thuế các địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác này, không để tồn đọng kéo dài, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp? Đặc biệt là tại nhiều cuộc họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng, Thủ tướng Chính phủ luôn nhắc ngành thuế phải hoàn đúng, hoàn đủ, hoàn kịp thời thuế GTGT.

Thậm chí trước đó, vào cuối tháng 5 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá, đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay việc hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế GTGT. Ngay sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành công điện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã chỉ đạo ngành thuế kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật.

Tiền hoàn thuế GTGT thực chất là tiền thuế mà doanh nghiệp đã nộp khi mua hàng hóa trong nước để chế biến hàng xuất khẩu. Có nghĩa, doanh nghiệp đã ứng tiền cho ngân sách nhà nước “cầm giúp”, nên sau khi doanh nghiệp đáp ứng được các quy định, Nhà nước (mà đại diện là cơ quan thuế) phải có trách nhiệm hoàn trả.

Trong khi hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, nguồn tài chính eo hẹp, lãi suất ngân hàng còn cao hơn tỷ suất lợi nhuận thu được từ xuất khẩu, thì hẳn nhiên, nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành hàng sẽ “đứng ngồi không yên” nếu chưa được hoàn thuế.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên là do, theo quy định, muốn được hoàn thuế, doanh nghiệp xuất khẩu phải có đầy đủ hóa đơn mua hàng đầu vào. Thế nhưng, một số doanh nghiệp không thể đáp ứng đầy đủ quy định do bên bán (là người sản xuất ra nông, lâm sản) không có hóa đơn. Số khác không đáp ứng đầy đủ quy định còn do đã mua hàng của doanh nghiệp cấp 1; doanh nghiệp cấp 1 mua lại hàng của doanh nghiệp cấp 2, cấp 3... trong đó có những doanh nghiệp bán hàng đã giải thể, bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh.

Ở đây, không loại trừ trường hợp nhiều doanh nghiệp cấp 2, cấp 3 (thậm chí cả doanh nghiệp cấp 1) là doanh nghiệp “ma”, thành lập không vì mục đích sản xuất, kinh doanh, mà chủ yếu để mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Đó là chưa kể, trong 7 tháng đầu năm nay, có 113.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có những doanh nghiệp “im hơi, lặng tiếng” rời sân chơi do cơ quan quản lý thắt chặt việc hoàn thuế.

Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng sau khi xác minh, cơ quan thuế xác nhận đa phần doanh nghiệp xuất khẩu tuân thủ đầy đủ quy định về hóa đơn, chứng từ, chỉ có số ít doanh nghiệp “ma” cố tình xin hoàn thuế để chiếm đoạt ngân sách nhà nước. Nhưng theo pháp luật hiện hành, cơ quan thuế không có quyền điều tra, khởi tố vụ án, nên khi có nghi vấn, cơ quan thuế phải gửi hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra. Trong khi cơ quan công an chưa thể tiến hành điều tra ngay, thì dĩ nhiên, những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc cũng phải chờ.

Trách nhiệm của ngành thuế không chỉ là thu đúng, thu đủ, kịp thời tiền thuế, mà còn phải chịu trách nhiệm chống trốn thuế, chống gian lận thuế, đặc biệt là chống việc chiếm đoạt ngân sách nhà nước thông qua hoàn thuế GTGT. Nếu không điều tra, xác minh kỹ, để ngân sách nhà nước bị chiếm đoạt, thì cán bộ thuế sẽ bị quy trách nhiệm.

Nhưng trên bình diện tổng thể, các cơ quan quản lý cũng không thể vì một số ít doanh nghiệp cố tình chiếm đoạt tiền hoàn thuế, mà để hàng loạt doanh nghiệp khác phải chờ, trong đó có những doanh nghiệp rất khó khăn.

Thực tế trên đòi hỏi phải sớm nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý thuế mới, theo đó có thể cho phép cơ quan thuế có quyền điều tra ban đầu với đối tượng nghi trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế. Ngoài ra, cũng cần xem xét, bổ sung quy định ngân sách nhà nước có thể phải trả cho doanh nghiệp tiền lãi vay ngân hàng đối với số tiền bị hoàn thuế chậm.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục