Cách tiếp cận mới
Gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50 về “Nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI” và Nghị quyết số 52 về “Chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, thể hiện cách tiếp cận theo hướng đổi mới, sáng tạo trong xây dựng thể chế kinh tế để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế trong thời đại kinh tế số.
Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị định hướng: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hoà với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao…
Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thoả đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nâng cấp, hoàn thiện quy định của pháp luật về công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị xác định: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp. Cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo...”;
“Xác định nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số”;
“Hoàn thiện pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng”.
Những chỉ dẫn của hai Nghị quyết của Bộ Chính trị cần được quán triệt trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế, hiện nay là sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Chứng khoán.
Hoàn thiện thể chế
GS.TSKH Nguyễn Mại,
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bắt đầu thực hiện ở nước ta, có nhiều mô hình kinh doanh mới xuất hiện nhưng chưa có pháp luật điều chỉnh, điển hình là mô hình gọi xe công nghệ, FinTech, AI…
Ở chiều ngược lại, cách mạng công nghệ khiến một số ngành nghề biến mất. Do do, Chính phủ cần có cách tiếp cận thích hợp để không lấy luật pháp hiện hành điều chỉnh hành vi mới và không căn cứ vào luật pháp hiện hành để coi hành vi mới là vi phạm luật pháp, vì cả hai cách xử lý đó đều cản trở đổi mới và sáng tạo.
Cách tiếp cận khoa học là “cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo” (Nghị quyết 52 Bộ Chính trị). Khi chưa có luật thì Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ ban hành Nghị định để điều chỉnh các hành vi kinh doanh mới vừa du nhập vào nước ta, từ thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để xây dựng luật pháp.
Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần quy định cách tiếp cận mới để kịp thời xử lý các hành vi kinh doanh mới của nền kinh tế số, vừa không xảy ra “khoảng trống pháp lý”, vừa tạo thuận lợi cho hành vi kinh doanh mới được thực hiện và phát triển.
Các tiếp cận mới đòi hỏi thể chế kinh tế của nước ta phải “phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hoà với các cam kết quốc tế” (Nghị quyết 50). Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chưa tiếp cận như vậy, điển hình là ưu đãi đầu tư, bảo hộ đầu tư và tình trạng lạm dụng “giấy phép con”.
Cụ thể, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư với tiêu chuẩn quá cao, chưa phù hợp với thực tiễn. Đó là, “dự án thành lập mới và mở rộng Trung tâm R&D có vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng (258 triệu USD) trở lên”.
Trung tâm R&D của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam phổ biến có vốn đầu tư từ 5 - 10 triệu USD, chỉ duy nhất của Samsung (đang xây dựng) có vốn đầu tư 500 triệu USD, nhưng bao gồm cả trung tâm thương mại.
Yếu tố quan trọng nhất của R&D là nhân lực chất lượng cao và hướng phát triển tiếp cận xu hướng công nghệ mới, chứ không phải là câu chuyện vốn.
Hay quy định “dự án có vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng (1,3 tỷ USD) trở lên và giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời gian 3 năm” mới thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Thực tế, đầu tư vào AI, FinTech, Blokchain, Robot, chỉ cần 10 - 100 triệu USD. Do đó, cần sửa đổi các tiêu chí về vốn đầu tư để khuyến khích mạnh mẽ nhà đầu tư và doanh nghiệp thực hiện các dự án công nghệ tương lai.
Các biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút FDI, được các nhà đầu tư nước ngoài coi là điều kiện tiên quyết khi lựa chọn Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư; cũng là đòi hỏi của các nhà đầu tư trong nước, nhất là khi tham gia các dự án đối tác công - tư (PPP).
Các biện pháp bảo đảm đầu tư là những biện pháp được quy định nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư trong suốt quá trình đầu tư; chính là cam kết về trách nhiệm của nhà nước tiếp nhận đầu tư đối với quyền lợi của nhà đầu tư.
Điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật đã được quy định tại Điều 13, Luật Đầu tư 2014.
Tuy nhiên, quy định này mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi đầu tư, trong khi nhà đầu tư đòi hỏi nhiều hơn thế, bao gồm: bảo đảm quyền sở hữu tài sản, bảo đảm chuyển tài sản và lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, bảo đảm đầu tư đối với hoạt động đầu tư kinh doanh. Luật Đầu tư (sửa đổi) cần quy định đầy đủ và minh bạch để có thể thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược.
Trên thực tế, tình trạng lạm dụng “giấy phép con” khá phổ biến, gây phiền hà, nhũng nhiễu nhà đầu tư và doanh nghiệp, mặc dù đã được Chính phủ chỉ đạo rốt ráo, nhưng chưa có chuyển biến tích cực.
Điều đó đòi hỏi phải áp dụng cách tiếp cận mới, theo một trong hai hướng: một là, ban hành danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện kèm theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp với quy định “các cơ quan nhà nước không được sửa đổi, ban hành ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới”; hai là, Quốc hội giao cho Chính phủ ban hành danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện với quy định “Chính phủ phải được sự đồng ý của Quốc hội mới được sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện”.
Cũng cần có cơ chế kiểm soát và chế tài xử lý những cá nhân đứng đầu cơ quan nhà nước tự ý ban hành và đòi hỏi nhà đầu tư và doanh nghiệp phải xin “giấy phép con”.
Đối với kinh doanh dịch vụ đòi nợ, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chuyển từ danh mục kinh doanh có điều kiện sang danh mục cấm kinh doanh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là cách tiếp cận theo hướng “những gì nhà nước không quản lý được thì cấm”. Bởi vì việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ không phải là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn các hành vi bạo lực, tội phạm.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không cần phải đầu tư vào hạ tầng tốn kém để thu thập quá nhiều dữ liệu không cần thiết, mà trả tiền mua lượng dữ liệu họ cần từ các doanh nghiệp công nghệ đã phát triển kho dữ liệu khổng lồ và công cụ điện toán đám mây phân tích dữ liệu.
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP chỉ được thực hiện đối với những khoản nợ có đủ căn cứ là khoản nợ hợp pháp và đã quá hạn thanh toán. Cần quy định những điều kiện đầy đủ, minh bạch đối với hoạt động của doanh nghiệp và người đi đòi nợ thuê, xử lý nghiêm khắc, kịp thời các hành vi trái pháp luật để bảo vệ công dân.
Vấn đề được cả nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước quan tâm nhất đối với Luật Chứng khoán (sửa đổi) là tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại).
Theo dự thảo, ngoại trừ các trường hợp có quy định riêng, room ngoại tại các doanh nghiệp niêm yết là 100%.
Trên thực tế, từ khi ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép các công ty không thuộc các ngành kinh doanh có điều kiện có thể chủ động xin nới room lên 100%, đến nay chỉ có hơn 40 doanh nghiệp thực hiện quy định đó, do phần lớn doanh nghiệp có giá trị giao dịch đủ lớn, tăng trưởng ổn định, được nhà đầu tư ngoại ưa thích hiện đã kín room.
Trong bối cảnh vĩ mô nước ta khá ổn định, số doanh nghiệp quy mô lớn gia tăng, kinh doanh có hiệu quả làm cho dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam tăng nhanh hơn, nút thắt về nới room cần được tháo gỡ để khơi thông dòng vốn ngoại chảy vào thị trường.
Bảo vệ cổ đông nhỏ trong công ty cổ phần là sửa đổi quan trọng trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này, bởi vì quy định hiện hành: “Cổ đông phải có 10% cổ phần trở lên mới có quyền đề cử người vào hội đồng quản trị” đã làm cho các cổ đông nhỏ không được bình đẳng với cổ đông lớn.
Nhiều nước trên thế giới coi việc bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ là biện pháp bảo đảm dân chủ trong quản trị doanh nghiệp, có tác động huy động nguồn lực trong dân tham gia mua cố phiếu, trái phiếu doanh nghiệp như một kênh đầu tư, thay vì chỉ gửi tiết kiệm ở ngân hàng.
Cũng cần quy định tỷ lệ hợp lý, đề phòng tình trạng lợi dụng việc góp cổ phần để gây rối, hoặc doanh nghiệp đối thủ mua một vài phần trăm cổ phần để hình thành nhóm lợi ích đối lập với hội đồng quản trị doanh nghiệp.
Tuy vậy, không nên giảm đột ngột từ 10% xuống 1%, mà hợp lý hơn là 3% hoặc 5% cổ phần.
Điều chỉnh tỷ lệ cổ phần theo hướng bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là xu hướng tích cực đối với thị trường tài chính Việt Nam để giảm bớt sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng (hiện khoảng 70% nhu cầu tín dụng của nền kinh tế nước ta được thực hiện qua ngân hàng), làm lành mạnh thị trường vốn.
Một thực trạng đáng buồn là tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu minh bạch trong các luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh.
Thực trạng này gây khó khăn cho doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, làm nhiều hồ sơ tốn chi phí không cần thiết, tiếp nhiều đoàn thanh tra, rủi ro lớn khi được coi là “vi phạm pháp luật”; đồng thời cũng làm cho cơ quan nhà nước lúng túng trong xử lý thủ tục hành chính, không dám chịu trách nhiệm, dồn lên cấp trên và cấp cao nhất là Thủ tướng Chính phủ; không thống nhất giữa các địa phương.
Các doanh nghiệp kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ rà soát tất cả các luật pháp có liên quan đến Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để khắc phục cơ bản thực trạng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu minh bạch, thiếu nhất quán của hệ thống luật pháp.
Doanh nghiệp trong nền kinh tế số
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra yêu cầu đối với doanh nghiệp phải nắm bắt và thực hiện quá trình chuyển đổi số để thích nghi với bối cảnh mới của thị trường trong nước và thị trường thế giới.
Việc chuyển đổi số tăng cường sự gắn kết giữa Chính phủ với người dân, giữa doanh nghiệp với khách hàng, xây dựng Chính phủ điện tử, tăng tốc độ phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, tạo thêm giá trị cho doanh nghiệp.
Xét ở góc độ vi mô, dữ liệu được coi là nhiên liệu của nền kinh tế số, cứ mỗi phút lại có những khối lượng dữ liệu lớn được sản sinh ra từ các nền tảng xã hội, từ các cảm biến, từ hàng tỷ điện thoại thông minh trong tay người dùng toàn cầu. Ước tính năm 2020, thế giới sẽ có khoảng 50 tỷ thiết bị Internet vạn vật (IoT), cung cấp những khối lượng dữ liệu khổng lồ về thời tiết, địa điểm, hình ảnh, âm thanh...
Những tiến bộ vượt bậc về công nghệ xử lý các tập dữ liệu lớn, về điện toán nhận thức, được sự trợ giúp của công nghệ đám mây làm cho con người có khả năng khai phá dữ liệu lớn chưa từng có, phục vụ cho sản xuất - kinh doanh, học tập, giải trí...
Câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp Việt Nam, mà đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa làm thế nào khai thác được dữ liệu, biến dữ liệu thành tài sản của doanh nghiệp, phục vụ tốt nhất cho khách hàng?
Khảo sát mới nhất của Bộ Công thương về tính sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 trong sản xuất công nghiệp cho biết, đã có một số doanh nghiệp tiên phong (dầu khí, điện năng…) sẵn sàng ứng phó với sự thay đổi của công nghệ, nhưng có 82% doanh nghiệp mới nhập cuộc. Trong đó, 21% doanh nghiệp có các hoạt động chuẩn bị ban đầu, 61% còn đứng ngoài cuộc.
Doanh nghiệp thương mại và dịch vụ được đánh giá có trình độ tiếp cận công nghệ số và tính sẵn sàng cao hơn. Doanh nghiệp trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, logistics, du lịch, bảo hiểm đã và đang ứng dụng nhanh công nghệ số trong hiện đại hoá quy trình kinh doanh.
Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong khuôn khổ “Sáng kiến chuyển đổi số - DTI”, 7 công nghệ đang và sẽ thay đổi nền sản xuất của thế giới, bao gồm: trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự lái, phân tích dữ liệu lớn và điện toán đám mây, công nghệ in 3D, IoT và các thiết bị kết nối, robot và mạng xã hội.
Các công nghệ này hiện đang được các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu và bắt đầu ứng dụng .
Các tập đoàn kinh tế lớn như Viettel, Vietnam Airlines, Vingroup... có điều kiện hình thành cơ sở dữ liệu ở dạng dữ liệu gộp chia theo độ tuổi, trình độ học vấn, vùng miền từ hàng chục triệu người, với những thông tin quý giá về xu hướng mua sắm, giúp doanh nghiệp có các hàng hóa và dịch vụ tốt nhất thỏa mãn nhu cầu từng nhóm khách hàng.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không cần phải đầu tư vào hạ tầng tốn kém để thu thập quá nhiều dữ liệu không cần thiết, mà trả tiền mua lượng dữ liệu họ cần từ các doanh nghiệp công nghệ đã phát triển kho dữ liệu khổng lồ và công cụ điện toán đám mây phân tích dữ liệu.
Thách thức lớn nhất về dữ liệu đối với doanh nghiệp không phải là có thu thập được đủ dữ liệu hay không, mà là dữ liệu đang được thu thập và quản lý ở các bộ phận khác nhau, không để xảy ra tình trạng hộp kín (silos), làm cho nguồn dữ liệu quý giá không được kết nối và chia sẻ với nhau để doanh nghiệp vận hành có hiệu quả.
Đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp cần tranh thủ thời cơ mới của đất nước khi sắp bước vào thập niên thứ ba của thiên niên kỷ mới, đóng vai trò chủ yếu trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng hiện đại thích ứng với nền kinh tế số và toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế để hiện thực hóa khát vọng của dân tộc Việt Nam vươn lên nhanh hơn theo hướng đổi mới, sáng tạo, tiến kịp trình độ phát triển của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.