Hoàn thiện thể chế để chuyển đổi nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
“Thể chế” là từ khóa được nhiều đại biểu Quốc hội nhắc đến khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.
TS. Nguyễn Quốc Trường, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) TS. Nguyễn Quốc Trường, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

TS. Nguyễn Quốc Trường, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, thể chế, nói chính xác là hoàn thiện thể chế để chuyển đổi nền kinh tế, cũng là cụm từ xuyên suốt trong Báo cáo Việt Nam 2045 bắt đầu được soạn thảo.

Thưa ông, sau một thời gian thực hiện Báo cáo Việt Nam 2035, nhiều mục tiêu vẫn chưa đạt được. Có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần kiên trì thực hiện, ít nhất là đến năm 2035, thay vì đặt ra các mục tiêu mới với thời hạn dài hơn. Quan điểm của ông thế nào?

Việt Nam có khát vọng mạnh mẽ là đến năm 2035 sẽ trở thành nước công nghiệp hiện đại, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ. Để có định hướng thực hiện khát vọng này, tháng 7/2014, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đưa ra sáng kiến xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035.

Báo cáo Việt Nam 2035 được thông qua năm 2016, trong đó khuyến nghị Việt Nam thực hiện 6 chuyển đổi quan trọng để trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao. Thời gian qua, hệ thống pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều tập trung vào các mục tiêu trên. Đây là những nhiệm vụ dài hạn, cần phải kiên trì, kiên định, quyết tâm thực hiện, thì mới đạt được mục tiêu, khát vọng đã đặt ra.

Năm 2035 kỷ niệm 60 năm thống nhất đất nước, chúng ta cần khơi dậy khát vọng xây dựng một đất nước công nghiệp, hiện đại với chất lượng cuộc sống cao hơn. Khát vọng đó được thực hiện thông qua chương trình cải cách thể chế và các chính sách hỗ trợ dựa trên 3 trụ cột chính: thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.

Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030, đến năm 2035 và năm 2045 vẫn tiếp tục thực hiện và thực hiện quyết liệt hơn nữa 3 trụ cột này. Nhưng thời điểm hiện nay, bối cảnh trong và ngoài nước đã khác rất xa so với thời điểm thông qua Báo cáo Việt Nam 2035, nên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, chuyên gia trong và ngoài nước xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045. Báo cáo Việt Nam 2045 cũng là một trong những tài liệu quan trọng để xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030 trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Thế giới thay đổi quá nhanh trong những năm vừa qua là một trong những lý do cần phải xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045. Ông có thể phân tích cụ thể hơn?

Phải khẳng định rằng, Báo cáo Việt Nam 2035 đã đánh giá tương đối toàn diện, đầy đủ, sát với tình hình, bối cảnh trong và ngoài nước tại thời điểm xây dựng và công bố, từ đó đặt ra tầm nhìn, mục tiêu trọng yếu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 - 2035. Việt Nam đang tiếp tục phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đã đặt ra.

Tuy nhiên, những năm vừa qua, thế giới có rất nhiều biến động, nhiều điều không thể tiên lượng. Khởi đầu là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc; tiếp đến là đại dịch Covid-19; mâu thuẫn chính trị, quân sự thế giới ngày càng phức tạp, đặc biệt là cuộc xung đột tại Ukraine; biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan...

Với sự phát triển thần kỳ của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường toàn cầu ngày càng trầm trọng, Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới buộc phải chuyển đổi nền sản xuất sang kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế dựa vào tri thức, thực hiện phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050... Vì vậy, cần phải có một báo cáo mới nhằm xác định lại các mục tiêu, định hướng, giải pháp mạnh mẽ hơn. Đó là Báo cáo Việt Nam 2045.

Báo cáo Việt Nam 2045 đặt ra những định hướng mới khác thế nào so với Báo cáo Việt Nam 2035, thưa ông?

Báo cáo Việt Nam 2045 tập trung vào chuyển đổi: chuyển đổi số, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, chuyển đổi về không gian phát triển, dịch chuyển lao động để nâng cao năng suất lao động... Muốn chuyển đổi được, phải xây dựng, hoàn thiện thể chế (cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật).

Mặc dù thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên tục được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, xây dựng mới nhằm hoàn thiện, nhưng thể chế vẫn là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, đã được các chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội liên tục đề cập. Vì vậy, những từ khóa trong Báo cáo Việt Nam 2045 là “chuyển đổi” và “thể chế”, để thực hiện khát vọng đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước - Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thưa ông, cơ chế, chính sách là cần, nhưng chưa đủ, quan trọng nhất vẫn là thực thi chính sách?

Việt Nam muốn phát triển, thì không còn con đường nào khác là phải chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế số, sản xuất xanh, kinh tế tri thức, giảm phát thải nhà kính và thực hiện Net Zero... Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm chuyển đổi, nhưng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp về tín dụng, thuế khóa, đất đai, ưu đãi tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ hiện đại để thực hiện chuyển đổi thì chưa có, hoặc nếu có thì vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng. Nghĩa là, thể chế chưa đầy đủ, đồng bộ để thực hiện chuyển đổi nền kinh tế nhanh hơn, mạnh hơn.

Nền kinh tế không thể chuyển đổi nhanh, hiệu quả khi thể chế không thay đổi kịp thời và đi trước một bước. Báo cáo Việt Nam 2045 tập trung trí tuệ của các viện nghiên cứu, định chế tài chính, chuyên gia kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước, hy vọng sẽ có những kiến nghị giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xử lý vấn đề này.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục