Hoàn tất phương án đầu tư xây dựng Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương

Phương án đầu tư xây dựng Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương nối TP.HCM lên Tây Nguyên dài 200 km, quy mô 4 làn xe vừa được hoàn tất để tiến hành kêu gọi vốn đầu tư theo hình thức BOT.
Tuyến cao tốc lên Tây Nguyên sẽ kết nối hoàn chỉnh với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Biên Hòa - Vũng Tàu Tuyến cao tốc lên Tây Nguyên sẽ kết nối hoàn chỉnh với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Biên Hòa - Vũng Tàu

Theo đề xuất của đơn vị lập dự án - Ban Quản lý dự án 1 (Bộ Giao thông - Vận tải), tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có điểm đầu (Km0) tại Km1829 +850, Quốc lộ 1 - trùng với Km54+794 cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa phận xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại Km199 +717 trùng với Km208 +250 đường cao tốc Liên Khương - Prenn (tỉnh Lâm Đồng).

Tuyến cao tốc đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên này có tổng chiều dài 200,3 km, đi qua địa phận Đồng Nai và Lâm Đồng, bao gồm cả 140 m trùng với đoạn thuộc đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

“Dự án sẽ kết nối hoàn chỉnh với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Biên Hòa - Vũng Tàu góp phần tạo ra mối liên kết thuận tiện giữa các tỉnh vùng động lực kinh tế phía Nam với các tỉnh Tây Nguyên”, ông Hoàng Đình Phúc, Tổng  giám đốc Ban Quản lý dự án 1 cho biết.

Bên cạnh đó, khi Dự án hoàn thành tuyến đường từ Dầu Giây lên Đà Lạt quanh co sẽ được thay thế bằng đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc 80 - 120 km/giờ, rút ngắn thời gian hành trình từ TP.HCM lên Đà Lạt từ 6 - 7 tiếng hiện nay xuống còn khoảng 3 giờ chạy xe.

Theo quy hoạch, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương được quy hoạch 6 làn xe, tuy nhiên để phù hợp với nguồn vốn đầu tư, cũng như yêu cầu về lưu lượng xe, Ban Quản lý dự án 1 đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải cho phép phân kỳ theo các giai đoạn.

Cụ thể, trong giai đoạn I, Dự án sẽ đầu tư hoàn chỉnh xây dựng đường cao tốc 4 làn xe hạn chế, chiều rộng mặt đường 13,75 - 17 m đoạn từ Dầu Giây đến Liên Khương để có thể đưa vào khai thác trước năm 2020, với hai phương án vận hành đầu tư. Trong đó, phương án 1 - đầu tư cả đoạn tuyến Dầu Giây - Liên Khương, trong đó đoạn Dầu Giây - Tân Phú và Bảo Lộc - Liên Khương thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT; đoạn Tân Phú - Bảo Lộc dự kiến kêu gọi vốn ODA hỗ trợ và vận hành thu phí toàn tuyến.

Phương án 2, đơn vị tư vấn đề nghị thực hiện đầu tư từng đoạn, trong đó đoạn 1 thực hiện đầu tư đoạn Dầu Giây - Tân Phú theo hình thức BOT; đoạn 2 thực hiện kêu gọi đầu tư đoạn Tân Phú - Liên Khương theo hình thức BOT, Nhà nước góp bằng vốn ODA, hoặc vốn ngân sách để thực hiện đầu tư đoạn Tân Phú - Bảo Lộc; xem xét ưu tiên nhà đầu tư bên cung cấp ODA thực hiện đoạn Bảo Lộc - Liên Khương, nhà đầu tư vận hành thu phí từ Tân Phú đến Liên Khương.

Tính toán của đơn vị tư vấn cho thấy, tổng mức đầu tư phân kỳ giai đoạn 4 làn xe cho toàn tuyến là 37.189 tỷ đồng, trong đó đoạn Dầu Giây - Tân Phú (Km0 - Km74) có tổng mức đầu tư 8.975 tỷ đồng, đoạn Tân Phú - Bảo Lộc (Km74 - Km115) là 15.058 tỷ đồng; đoạn Bảo Lộc - Liên Khương (Km115 đến cuối tuyến) là 13.155 tỷ đồng.

Với phương án đầu tư nói trên, đoạn Dầu Giây - Tân Phú sẽ có thời gian hoàn vốn 26 năm; đoạn Bảo Lộc - Liên Khương có thời gian hoàn vốn 29 năm; đoạn Tân Phú - Bảo Lộc có thời gian hoàn vốn khoảng 26 năm.

Nếu được Bộ Giao thông - Vận tải thông qua, Dự án sẽ được khởi công vào năm 2015 và hoàn thành vào năm 2020.

Được biết, để Dự án đem lại hiệu quả tài chính đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, Ban Quản lý dự án 1 đề nghị áp dụng một số chính sách ưu đãi, như miễn giảm thuế tài nguyên, phí môi trường; cho phép sử dụng quỹ đất dọc theo hành lang tuyến.

“Đây là khoảng thời gian và cơ chế hoàn vốn khá phù hợp đối với một dự án đường cao tốc, đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn tham gia đầu tư theo hình thức BOT hoặc PPP”, một chuyên gia giao thông nhận xét.

Anh Minh
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục