Hoàn nhập dự phòng mong được ưu đãi thuế

(ĐTCK-online) Theo quy định của Luật Thuế TNDN thì "thu nhập khác" như thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ đầu tư chứng khoán, thu nhập nhận được từ nước ngoài… không được hưởng ưu đãi thuế.
Điều kiện quá chặt chẽ về ưu đãi thuế cho DN mới thành lập sẽ không tạo động lực khuyến khích cho đầu tư Điều kiện quá chặt chẽ về ưu đãi thuế cho DN mới thành lập sẽ không tạo động lực khuyến khích cho đầu tư

Tại buổi làm việc hôm 9/9 của Tiểu ban Thuế nhằm chuẩn bị nội dung cho Diễn đàn doanh nghiệp cuối năm nay, một loạt quy định liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được các chuyên gia cho rằng bất hợp lý. Nếu những đề xuất này được xem xét sửa đổi, sẽ có không ít DN niêm yết, công ty đại chúng được hưởng lợi.

Theo quy định của Luật Thuế TNDN thì "thu nhập khác" như thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ đầu tư chứng khoán, thu nhập nhận được từ nước ngoài… không được hưởng ưu đãi thuế.

 Đại diện Nhóm công tác thuế, bà Đinh Quỳnh Vân cho rằng, một số khoản thu nhập khác như thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi trả chậm, thu nhập từ hoạt động bán ngoại tệ, hoàn nhập dự phòng hoặc các khoản nợ đã xóa nay đòi được, lại không được hưởng ưu đãi thuế như hoạt động kinh doanh chính là không hợp lý.

Bởi vì các thu nhập này liên quan chặt chẽ và là một phần của hoạt động kinh doanh chính. Chẳng hạn, lãi bán hàng trả chậm không thể không liên quan đến hoạt động kinh doanh của DN, khi đây là hình thức bán hàng rất phổ biến. Lãi tiền gửi thực chất là tiền lãi ngân hàng trả cho các khoản tiền của DN chưa sử dụng ngay. Việc bóc tách chi phí cho các khoản thu nhập này là không khả thi, bởi làm sao có thể xác định được chi phí cho việc bán hàng trả chậm. DN có thể vay tiền ngân hàng để hoạt động trong khi chưa thu được tiền, nhưng làm sao biết được chi phí trả lãi cho khoản doanh thu chưa thu được là bao nhiêu và chi phí lãi cho hoạt động kinh doanh thông thường là bao nhiêu?

Tương tự, thu nhập từ chênh lệch tỷ giá hối đoái và hoạt động bán ngoại tệ phải là một phần của hoạt động kinh doanh, đặc biệt là tổ chức có thu nhập hoặc chi phí bằng ngoại tệ hoặc vay ngoại tệ để đầu tư. Các khoản thu nhập này phát sinh do nhận doanh thu/vay bằng ngoại tệ và hoặc chi trả bằng ngoại tệ. Như vậy, nó phải là một phần của doanh thu từ hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, đối với hoàn nhập các khoản dự phòng, bà Vân khẳng định, đây thực chất là một khoản thu nhập từ hoạt động kinh doanh. Về mặt kế toán, hoàn nhập các khoản dự phòng sẽ được ghi nhận là giảm trừ chi phí trong kỳ, chứ không ghi vào "thu nhập khác". Về mặt bản chất, các khoản dự phòng là trích trước vào chi phí cho khoản lỗ tiềm tàng. Khi thu hồi được hoặc nguy cơ bị lỗ giảm thì sẽ hoàn nhập lại các khoản dự phòng bằng cách giảm chi phí phát sinh trong năm và dẫn đến tăng thu nhập chịu thuế.

Theo ý kiến của Nhóm công tác thuế, các khoản thu nhập nêu trên nên được coi là thu nhập từ hoạt động sản xuất - kinh doanh và được hưởng theo thuế suất chung của DN. Như vậy, sẽ đúng với bản chất của các khoản này, đồng thời đơn giản hơn trong việc xác định nghĩa vụ thuế.

Một nội dung khác liên quan đến ưu đãi thuế TNDN được cho là không hợp lý. Theo quy định, công ty TNHH mới thành lập mà người có số vốn góp cao nhất đã đầu tư vào các dự án khác đang hoạt động thì công ty mới thành lập sẽ không được hưởng ưu đãi thuế dành cho DN thành lập mới.

Theo xu hướng trên thế giới, các công ty thường được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - con, xu hướng này đang được nhiều NĐT Việt Nam quan tâm và thực hiện. Với mô hình này, NĐT cá nhân và tổ chức sẽ đầu tư trực tiếp vào công ty mẹ. Sau đó, công ty mẹ sẽ đầu tư vào các công ty con (nắm giữ trên 51% vốn cổ phần) và công ty liên kết (nắm giữ cổ phần không chi phối). Với quy định này thì tất cả công ty con và một số công ty liên kết mà công ty mẹ đầu tư đều không được hưởng ưu đãi thuế do công ty mẹ là cổ đông nắm số vốn lớn nhất trong các công ty này.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Chính phủ cần khuyến khích đầu tư mở rộng sản xuất, điều kiện quá chặt chẽ về ưu đãi thuế cho DN mới thành lập sẽ không tạo động lực khuyến khích đầu tư.

Liên quan đến thuế TNDN áp dụng cho các khoản đầu tư ra nước ngoài cũng có những điểm được cho là bất hợp lý.

Khi một công ty Việt Nam nhận được thu nhập từ đầu tư vào một công ty Việt Nam khác, phần thu nhập này không bị đánh thuế TNDN. Nhưng thu nhập của một công ty Việt Nam thu được từ đầu tư nước ngoài lại bị đánh thuế.

DN Việt Nam được phép khấu trừ số thuế đã trả ở nước ngoài, song quy định hiện nay không rõ ràng ở chỗ, khi nào thì khoản thu nhập này sẽ bị đánh thuế - khi khoản thu nhập này chuyển về Việt Nam hay tại thời điểm phát sinh.

Cơ quan thuế có văn bản hướng dẫn các khoản thu nhập này sẽ phải kê khai vào năm tiếp theo sau khi phát sinh thu nhập, nhưng cũng văn bản này yêu cầu DN phải nộp quyết định về phân chia lợi nhuận ở nước ngoài.

Trên thực tế, DN có thể giữ lại thu nhập để tái đầu tư và có thể không phân phối lợi nhuận hàng năm. Hầu hết các nước chỉ đánh thuế khi khoản thu nhập này được chia và chuyển về cho chủ đầu tư. Đối với khoản đầu tư vào DN trong nước, thu nhập (hay cổ tức) chỉ được ghi nhận khi được chi trả, chứ không phải khi phát sinh khoản thu nhập đó.

Nếu thu nhập nhận được từ đầu tư ra nước ngoài bị đánh thuế, nhưng thu nhập từ đầu tư vào công ty trong nước lại không bị đánh thuế thì sẽ làm nản lòng DN Việt Nam muốn mở rộng phạm vi hoạt động ra nước ngoài. Chính vì vậy, Nhóm công tác thuế cho biết, sẽ kiến nghị Bộ Tài chính xem xét ưu đãi thuế cho những đầu tư ra nước ngoài, như miễn thuế hoàn toàn hoặc với mức thuế suất thấp hay thu nhập nước ngoài chỉ bị đánh thuế khi chuyển lợi nhuận về Việt Nam (tái đầu tư ra nước ngoài không bị đánh thuế ở Việt Nam).

Thuỷ Nguyễn
Thuỷ Nguyễn

Tin cùng chuyên mục