Hòa Phát (HPG) dự kiến sản lượng tiêu thụ tăng lên gần 4 triệu tấn năm 2019

(ĐTCK)  Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư và giới phân tích diễn ra chiều nay (4/12), Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết, sau 11 tháng năm 2018, doanh thu của Tập đoàn đạt hơn 50.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 8.100 tỷ đồng.
Hòa Phát (HPG) dự kiến sản lượng tiêu thụ tăng lên gần 4 triệu tấn năm 2019

Tại buổi gặp, đại diện quỹ PENM, cổ đông lớn tham gia vào HĐQT HPG cho biết, quỹ PENM III bán chưa nhiều vì còn đến hơn 2 năm nữa mới đến thời hạn đóng quỹ, chứ không phải bây giờ và năm sau.

Trong quá khứ, khi một quỹ PENM thoái vốn thì một quỹ mới thành lập sau đó sẽ mua vào. Và hiện nay, PENM cũng đang huy động một quỹ mới và có định hướng đầu tư lâu dài vào HPG.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn cho biết, với chiến tranh thương mại thì doanh nghiệp phải thích ứng và phải luôn ở trong tư thế đối phó một tích cực nhất dù có chiến tranh thương mại hay không.

Với dự án Dung Quất, ông Long cho biết, việc tấn công thị trường miền Nam không phải là chiến lược. Năm 2019, HPG đặt kế hoạch tiêu thụ sản lượng lên gần triệu 4 triệu tấn, tăng trưởng mạnh so với sản lượng 2,3 triệu tấn ước đạt được trong năm nay.

Năm 2019, HPG thực hiện nhiều biện pháp về thị trường để đảm bảo tăng sản lượng. Trong đó, xuất khẩu dự kiến chiếm 10% sản lương của HPG đến các thị trường Đông Nam Á là trọng yếu. Hiện nay, Tập đoàn vẫn xuất được thép đi Mỹ và Canada dù thuế xuất cao đến 25%.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về việc đến tháng 3/2020 thuế tự vệ của Việt Nam kết thúc, ông Trần Đình Long cho biết, trong thời điểm thuế cao vẫn xuất khẩu được sang Mỹ nên Hòa Phát tự tin có thể cạnh tranh được. Trong khi đó, về xu thế, Việt Nam cũng khó có thể nằm ngoài quy luật mà các nước đều áp thuế với thép nhập khẩu.

Với dự án tôn mạ, HPG cho biết, đang trong giai đoạn lắp máy, hơi chậm so với kế hoạch.

Với dự án Dung Quất, Hòa Phát có thể chủ động linh hoạt điều chỉnh công suất của từng loại thép tùy theo nhu cầu thị trường. Các nhà máy Trung Quốc đã có xu hướng chuyển nhà máy từ thành phố lớn ra ven biển, điều đó chứng tỏ lựa chọn địa điểm đầu tư của Hòa Phát tại Dung Quất là đúng hướng.

Yếu tố ảnh hưởng nhất đến Hòa Phát, theo ông Long là chu kỳ của ngành thép thế giới và sự phát triển của nền kinh tế thế giới, trong đó trọng số lớn là thị trường Trung Quốc. Trong trường hợp Trung Quốc vẫn đẩy mạnh đầu tư, xây dựng tăng trưởng kinh tế thì ngành thép sẽ thuận lợi.

Bên cạnh đó phải kể đến yếu tố ảnh hưởng lớn nữa là sự phát triển của thị trường bất đông sản, hạ tầng cơ sở của Việt Nam.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục