Hoa mắt với những thương hiệu nội thất “nhân bản vô tính”

(ĐTCK) Những thương hiệu gỗ nội thất na ná nhau đang tràn ngập thị trường đẩy người tiêu dùng vào “ma trận” của mẫu mã, chất lượng...
Việc nhái thương hiệu, sản phẩm của các công ty nội thất lớn khá phổ biến Việc nhái thương hiệu, sản phẩm của các công ty nội thất lớn khá phổ biến

Loạn thương hiệu, sản phẩm

Thị trường nội thất Việt Nam hiện có nhiều tên tuổi lớn như thương hiệu gỗ An Cường, Xhome, Hòa Phát… Mỗi thương hiệu có một thế mạnh, đặc thù về sản phẩm riêng. Tuy nhiên, đó cũng là lý do khiến họ bị nhiều cá nhân, doanh nghiệp nhái “quyết liệt” nhất.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, trên thị trường nội thất hiện nay xuất hiện không ít các doanh nghiệp có thương hiệu, nhận diện sản phẩm trùng nhau. Điển hình như thương hiệu thi công thiết kế nội thất có tiếng như Xhome (Công ty cổ phần Nội thất thông minh Xhome Việt Nam, có địa chỉ trang web là xhome.com.vn) cũng có hai doanh nghiệp đồ gỗ nội thất “na ná” thương hiệu này. Đó là Công ty cổ phần Nội thất thông minh Xhome Hà Nội và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Lạc Gia Phát có tên miền là: xhome.vn.

Ngay cả Công ty cổ phần Nội thất Hòa Phát, công ty con của “ông lớn” Tập đoàn Hòa Phát cũng bị lợi dụng thương hiệu để bán hàng. Hiện nay, trên các trang mạng có đến 7 địa chỉ trang website có liên quan đến cụm từ “nội thất Hòa Phát”. Đơn cử, http://noithathoaphatvn.net/; http://noithathoaphat.com.vn/; http://hoaphat.com/; https://hoaphat.net.vn/l; https://noithathoaphat.net/; https://noithathoaphat.pro/; https://www.banthohoaphat.com.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết, hiện nay đơn vị này chỉ có 2 website chính thức là: hoaphat.com.vn và hoaphat.com của Công ty cổ phần Nội thất Hòa Phát. Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều tên miền lợi dụng thương hiệu Hòa Phát để bán hàng.

Tương tự, đại diện thương hiệu gỗ An Cường cũng cho biết, 20 năm nay họ đã bị nhái thương hiệu, nhái sản phẩm.

“Không ít các trường hợp người tiêu dùng bị lừa, phản ánh đến An Cường về chất lượng sản phẩm, nhưng khi đi kiểm định thì không phải sản phẩm của chúng tôi mà là đơn vị khác. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, thương hiệu của công ty”, ông Ngụy Thanh Vĩ, đại diện thương hiệu gỗ An Cường cho hay.

“Sống chung với lũ”

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết: “Thiệt hại cũng vô cùng, rất khó đánh giá vì nó ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của Công ty. Bởi dù người tiêu dùng nhầm lẫn, mua phải sản phẩm nhái và gặp vấn đề lỗi thì người ta tìm đến các trung tâm bảo hành chính hãng ‘bắt đền’, rồi đưa thông tin lên mạng xã hội… khiến chúng tôi bị mang tiếng về mặt thương hiệu”.

Theo vị đại diện này, Công ty từng gặp nhiều phiền phức vì những trường hợp như vậy. Năm 2019,  Công ty đã phải kiến nghị xử lý một doanh nghiệp lợi dụng thương hiệu của Hòa Phát để kinh doanh hàng nội thất, cụ thể là bàn thờ Hòa Phát, trong khi Hòa Phát không sản xuất, phân phối loại sản phẩm này. Do đó, Hòa Phát đã phải đưa ra các thông tin khuyến cáo trên các website, fanpage chính thức của Tập đoàn, công ty để cảnh báo cho người tiêu dùng tránh bị lừa.

Đại diện Xhome.com.vn cho biết cũng đã nhiều lần liên hệ đến đơn vị giả mạo yêu cầu gỡ bỏ hoặc thay tên miền nhưng bên vi phạm không hợp tác. Xhome cũng đã tiến hành làm thủ tục khởi kiện lên tòa án, tuy nhiên việc giải quyết các thủ tục pháp lý dân sự ở Việt Nam tốn khá nhiều thời gian, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn bảo vệ thương hiệu.

Theo vị này, Xhome.com.vn còn bị quét data khách hàng trên fanpage, website Xhome để gọi điện trực tiếp tư vấn là cách phổ biến nhất mà các đơn vị và cá nhân mạo danh hoạt động suốt những năm qua. Đó là lý do khi đội ngũ của Xhome liên hệ thì luôn nhận được phản hồi đã có nhân viên khác gọi từ trước và thậm chí đã ký kết hợp đồng mua bán với nhân viên đó. Các công ty này còn cho nhân viên mang hợp đồng tới tận nhà khách hàng để ký, khác hoàn toàn với quy trình của Xhome là xử lý tại trụ sở chính và khách hàng đều đến trực tiếp showroom. Đây cũng là chiêu trò mà các thương hiệu lớn “vấp phải” khi bị một đơn vị khác lấy cắp data khách hàng mở trên các phương tiện truyền thông công cộng.

Bên cạnh đó, nhờ “nhái” tên và địa chỉ giống với “phiên bản thật” cộng thêm việc các thương hiệu lớn đã có hình ảnh trụ sở và showroom rõ ràng nên hầu hết khách hàng sẽ không “phòng thủ”, tạo điều kiện cho các công ty giả mạo này tung hoành trên thị trường, mang tới những sản phẩm kém chất lượng với những bản thiết kế thi công chắp vá.

Theo chia sẻ của nhiều nhà phân phối sản phẩm nội thất uy tín, hầu hết các khách hàng bị lừa mua sản phẩm nội thất nhái các thương hiệu lớn đều được trải nghiệm một kịch bản quen thuộc: Một người tự xưng là đại diện đội tư vấn của một thương hiệu nội thất A nào đó xin điện thoại liên hệ để trực tiếp tư vấn và đến ký hợp đồng tại nhà, sau đó đưa ra các chương trình ưu đãi, khuyến mại để thuyết phục khách hàng đặt bút ký ngay thời điểm đó. Theo phản xạ, khách hàng sẽ không nghi ngờ gì vì đã được tư vấn giới thiệu là nhân viên của thương hiệu nội thất lớn.

Vì vậy để tránh thiệt hại, nhiều thương hiệu nội thất lớn như: Hòa Phát, An Cường hay Xhome… đã có nhiều biện pháp ngăn chặn việc nhái nhãn hiệu, sản phẩm. Họ đã đưa ra các khuyến cáo, khi tiếp nhận các thông tin quảng cáo, chào mời dịch vụ, người tiêu dùng nên thận trọng với hình thức mời mua hàng, thông báo thông tin qua điện thoại, tin nhắn, đặc biệt là từ số điện thoại di động với thông tin doanh nghiệp mập mờ, không chính xác. Trong mọi tình huống, khách hàng cần kiểm tra lại thông tin do đối tượng cung cấp để đảm bảo tính chính xác.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại các trang được cho là giả mạo đã nêu trên vẫn tồn tại trên mạng, thậm chí còn đa dạng hơn về sản phẩm, mẫu mã.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, ông Ngụy Thanh Vĩ ngậm ngùi cho biết: “Phải chấp nhận sống chung với lũ thôi. Việc nhái thương hiệu, sản phẩm của các công ty nội thất uy tín vẫn diễn ra hàng ngày hàng giờ, nhưng rất khó xử lý. Nếu có tiến hành ngăn chặn cũng mất nhiều thời gian, nhân lực, tài chính, vì phải thành lập đội pháp chế, để rà soát, đối chiếu, kiểm định, liên hệ các cơ quan chức năng, thậm chí khởi kiện…. Do đó, đành chấp nhận việc thương hiệu bị nhái như một điều hiển nhiên và mình chỉ còn cách là làm tốt hơn các sản phẩm và đẩy mạnh nhận diện thương hiệu của Công ty”.

Ở góc độ khác, trao đổi với phóng viên, đại diện các công ty nội thất cũng cho rằng, các cơ quan chức năng quản lý cần có chế tài, pháp chế mạnh trong việc kiểm tra, rà soát về nguồn gốc, chất lượng, thương hiệu của các mặt hàng sản phẩm đồ gỗ nội thất trên thị trường hiện nay. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm những đơn vị nhái sản phẩm, thương hiệu, làm giả để trục lợi bất chính. Có như vậy, môi trường kinh doanh ở Việt Nam nói chung và thị trường đồ nội thất nói riêng mới lành mạnh, quyền lợi của người tiêu dùng mới được đáp ứng xứng đáng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nhất Nam ​
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục