Ngành gỗ nội thất… đi lệch

(ĐTCK) Mặc dù có dư địa lớn ở cả thị trường trong và ngoài nước với nhiều thế mạnh, nhưng hiện ngành gỗ nội thất mới đi “một chân” - chủ yếu tập trung “hướng ngoại”.
Ngành gỗ nội thất… đi lệch

Thị trường đang hướng ngoại

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, tăng 22% so với kim ngạch năm 2018 (năm 2017: 7,4 tỷ USD; 2018: 8,5 tỷ USD).

Năm nền kinh tế có kim ngạch nhập khẩu đồ gỗ Việt Nam lớn nhất bao gồm: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc.

Trong đó Mỹ có giá trị kim ngạch nhập khẩu đồ gỗ Việt Nam năm 2019 đạt 5,1 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, chiếm khoảng 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các mặt hàng gỗ của Việt Nam trong cùng năm.

Kế đến là Nhật Bản, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào thị trường này đã vượt trên 1,3 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2018. Trung Quốc tiếp tục giữ vững vị trí thứ ba trong số các thị trường nhập khẩu hàng đầu của ngành gỗ Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này năm 2019 đạt 1,2 tỷ USD, tăng 227 triệu USD so với kim ngạch năm 2018.

EU 28 đứng thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu gỗ của Việt Nam với kim ngạch 864,6 triệu USD năm 2019, tăng 10% so với năm 2018. Hàn Quốc là thị trường đứng thứ 5 về kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam. Năm 2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vào Hàn Quốc đạt gần 802 triệu USD, giảm mạnh 15% so với kim ngạch năm 2018.

Xu hướng thay đổi kim ngạch tại các thị trường chính cho thấy tăng trưởng tại thị trường Mỹ rất mạnh, vượt xa so với các thị trường xuất khẩu khác. Kim ngạch xuất khẩu vào Nhật Bản, Trung Quốc, EU 28 và Hàn Quốc duy trì mức cao, với 3 thị trường đầu có tốc độ tăng trưởng dương. Riêng Hàn Quốc có kim ngạch giảm. Các mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn bao gồm: đồ nội thất, dăm gỗ, ghế và các loại ván.

Đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất tiếp tục là nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu. Lượng xuất khẩu năm 2019 đạt trên 122 triệu chiếc với giá trị kim ngạch đạt 4,8 tỷ USD (năm 2017 đạt kim ngạch 3,8 tỷ USD; năm 2018 đạt kim ngạch 4,0 tỷ USD; năm 2019).

Theo chia sẻ của đại diện các nhà sản xuất, không chỉ đầu ra, lượng nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam cũng chủ yếu nhập từ thị trường nước ngoài (năm 2017 kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam là 2,177 tỷ USD; năm 2018 là 2,342 tỷ USD và năm 2019 là 2,549 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2018).

Trung Quốc, các nước thuộc châu Phi, Mỹ, EU và Thái Lan là các nguồn cung gỗ lớn của Việt Nam. Trong đó, nguồn cung từ Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 661,277 triệu USD năm 2019. Ngoài ra, còn có thị trường Lào, Campuchia, Hàn Quốc. Trong khi đó, Việt Nam dù có đủ điều kiện đất rừng để phát triển nguồn nguyên liệu nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu  của ngành gỗ.

Cần lấy lại cân bằng

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Tôn Quyền, Cố vấn Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, không chỉ gỗ, những nguyên phụ liệu lớn nhất như keo, giấy nhám, bu lông ốc vít, bản lề…, cho đồ gỗ nội thất, chúng ta đều phải nhập chủ yếu từ thị trường Trung Quốc.

“Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ nội địa đang buông lỏng, cho dù chúng tôi đã có nhiều văn bản kêu gọi hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng. Nhu cầu của gần 100 triệu dân nội địa là rất lớn, nhưng cơ quan quản lý cũng chưa có văn bản hay chính sách gì khuyến khích thị trường gỗ nội địa phát triển. Đồng thời, doanh nghiệp làm đồ gỗ nội thất tiêu thụ ở thị trường trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các làng nghề, nên rất khó phát triển chuyên nghiệp trên quy mô lớn. Trong khi chúng ta tập trung xuất khẩu, nhưng có đến 99% hàng hóa chỉ đi đến cảng, còn lại là do nhà nhập khẩu muốn làm thế nào tùy họ, tức là chưa đưa hàng đến tận gốc nên lợi nhuận chưa cao, chưa triệt để. Việc này cũng khiến chúng ta phụ thuộc lớn vào nhà nhập khẩu, vì họ chỉ cần chậm hoặc dừng nhập là tác động đến thị trường ngay lập tức”, ông Quyền trăn trở trong cuộc trao đổi với phóng viên.

Tiết lộ với Báo Đầu tư Bất động sản, ông Đỗ Xuân Lập, Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ Gỗ Tiến Đạt cũng cho biết, do các sản phẩm phụ trợ cho ngành gỗ nội thất, chúng ta đang nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc nên luôn bị động trong sản xuất. Trận dịch Covid-19 đang diễn ra là một bài học cho ngành gỗ vì lệ thuộc vào một thị trường nhập khẩu nguyên liệu chính.

Ở góc độ khác, đưa ra cảnh báo khi trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Woodsland cho biết: “Chúng tôi cảm thấy bị ảnh hưởng nhiều hơn cả ở mặt hàng ván ép. Khi xuất khẩu gỗ ván ép đi Mỹ tăng trưởng một cách bất thường và mọi người nhìn thấy có một số dấu hiệu trong việc gian lận thương mại. Một phần gỗ ván ép được nhập từ Trung Quốc về Việt Nam sau đó xuất đi Mỹ. Việc này tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng và làm cho một số nhà nhập khẩu ở Mỹ lo lắng, vì nếu không cẩn thận họ cũng sẽ bị lôi vào vòng kiện tụng. Nếu cứ để tình trạng này diễn ra, nguy cơ mặt hàng gỗ bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt do gian lận thương mại là rất lớn”.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, hơn lúc nào hết, trong khi thị trường địa ốc đang trầm lắng cộng với dịch Covid-19 gây khó khăn cho ngành gỗ nội thất xuất khẩu thì cũng là cơ hội để phát triển ngành gỗ nội thất trong nước.

“Chúng tôi đang soạn thảo văn bản gửi Chính phủ đề nghị hỗ trợ ngành gỗ nội thất về công nghiệp phụ trợ, thị trường nhập nguyên liệu khác như Malaysia. Các mặt hàng như bu lông, ốc vít… có thể sản xuất trong nước”, ông Quyền nói và cho biết thêm, để chủ động sản xuất thì cần phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ trong nước. Đơn cử, nguyên liệu làm keo chính là từ hoạt động hóa dầu mà có. Giấy nhám, bu lông ốc vít không phải khó, chỉ cần có chính sách ưu đãi là có doanh nghiệp làm được ngay… Một điều quan trọng nữa là các doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết lại với nhau. Hiện nay, hầu như mỗi doanh nghiệp đi một đường, tìm một thị trường riêng…, điều này rất mất thời gian, công sức, tốn kém. Do đó, một vài doanh nghiệp lớn nên tập trung lại lo việc này và phân phối lại cho các doanh nghiệp khách thì sẽ tốt hơn.

Đại diện Công ty cổ phần gỗ An Cường cũng cho rằng, các doanh nghiệp nên có chiến lược phát triển, tận dụng thị trường nội địa. Tuy nhiên, nên mang tính tập trung, chuyên môn hóa cao. Chẳng hạn, mỗi doanh nghiệp chỉ nên tập trung vào một vào sản phẩm chủ lực và liên kết lại với nhau để tạo ra chuỗi phát triển bền vững.

“Mỹ là thị trường lớn nhất nhưng ngành gỗ nội thất không nên ‘bỏ trứng vào một giỏ’. Vì khi thị trường đó chỉ rung lắc nhẹ là toàn ngành sẽ bị ảnh hưởng lớn. Do đó, cần tìm thêm nhiều thị trường mới, việc thực hiện các hiệp định thương mại thế hệ mới tới đây sẽ là cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam trong tương lai”, ông Đỗ Xuân Lập, Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ Gỗ Tiến Đạt nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nhất Nam
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục