
Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol (Anh Quốc)
![]() |
Thương chiến sẽ gây ra nhiều tác động, trong đó những tác động chính có thể kể đến là: làm tăng lạm phát ở những nước bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đẩy lạm phát toàn cầu lên; gây tổn thất với lợi nhuận doanh nghiệp nếu họ không thể chuyển toàn bộ chi phí thuế quan lên người tiêu dùng; gây xáo trộn chuỗi cung ứng và việc làm ở những nước bị ảnh hưởng xấu; tác động của các chính sách đáp trả ngoài phạm vi thương mại (như Trung Quốc đang làm) gây tổn hại cho các công ty đa quốc gia.
Trong giai đoạn đầu, Việt Nam có thể hưởng lợi từ tiến trình này. Tuy nhiên, sau đó, Việt Nam khó có thể tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Điều mà Việt Nam cần làm là tránh đáp trả trực tiếp, vì nó chỉ làm vấn đề trở nên tệ hơn như trong ước tính của Viện Brookings, Mỹ sẽ bị ảnh hưởng ít hơn, còn đối tác đáp trả nhỏ hơn sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn. Tiếp đó, Việt Nam cần có chính sách ngoại giao khôn khéo và tìm kiếm các lợi ích ngoài thương mại để thuyết phục Mỹ rằng, có một đối tác chiến lược toàn diện như Việt Nam vẫn có lợi nhiều hơn là tạo ra thêm một đối thủ khác trong “thương chiến 2.0”.
Ông Lê Chí Phúc - Tổng giám đốc SGI Capital
![]() |
Tâm điểm thị trường tài chính thế giới tháng qua là khả năng áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Một trong những trọng tâm chính sách thời Trump 2.0 là sắp xếp lại hoạt động thương mại và sản xuất toàn cầu, bởi ông Trump cho rằng, nhiều quốc gia đã được đặc quyền tiếp cận và hưởng lợi lớn từ người tiêu dùng Mỹ, mà không đền đáp lại cho nước Mỹ tương xứng.
Trung Quốc đã bị áp thêm 10% thuế quan, các quốc gia xuất khẩu nhiều vào Mỹ là Canada và Mexico đang được tạm hoãn mức áp thuế 25% một tháng để đàm phán. Chúng tôi đã đề cập mục tiêu cuối cùng của ông Trump là giảm thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại và thúc đẩy sản xuất trong nước. Để đạt được 3 mục tiêu này, nhiều khả năng tất cả các hàng nhập khẩu vào Mỹ đều sẽ chịu một mức thuế, cao hay thấp phụ thuộc vào tương quan lợi ích và khả năng đàm phán của mỗi quốc gia. Là nước xuất siêu lớn thứ ba vào Mỹ kể từ thời Trump 1.0, Việt Nam sẽ khó tránh khỏi việc bị áp thuế.
Mức độ áp thuế nhập khẩu và các yêu sách của Mỹ cụ thể là gì sẽ quyết định ảnh hưởng lên kinh tế các nước xuất khẩu. Trong lần Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc thời Trump 1.0, tỷ giá CNY/USD ngay lập tức giảm 10%, giúp trung hòa phần lớn ảnh hưởng của thuế quan. Đồng nội tệ của Canada và Mexico vừa qua cũng mất giá mạnh khi ông Trump công bố mức thuế mới lên hàng nhập khẩu.
Ảnh hưởng lên kinh tế mỗi quốc gia sẽ khác nhau, tùy theo mức thuế cụ thể và quy mô xuất khẩu vào Mỹ/GDP. Nền kinh tế rất mở của Việt Nam hiện đứng đầu về mức độ phụ thuộc vào xuất khẩu, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất.
![]() |
Việt Nam cần mở rộng xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, ASEAN và tăng cường nội địa hóa sản xuất để nâng cao tự chủ kinh tế |
Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc nhất vào thị trường Mỹ sẽ nhạy cảm và chịu ảnh hưởng lớn nếu bị chính quyền Trump áp thuế nhập khẩu. Bởi vậy, chủ động chuẩn bị trước các kịch bản bị áp thuế và có sẵn đối sách ứng phó sẽ giúp giảm sốc cho doanh nghiệp xuất khẩu và toàn bộ nền kinh tế chung, hơn là kỳ vọng Việt Nam với quan hệ đối tác chiến lược hiện nay sẽ tránh được thuế quan.
Chúng tôi cho rằng, rủi ro Việt Nam bị áp thuế nhập khẩu vào Mỹ là hiện hữu. Mô hình kinh tế mở dựa vào tăng trưởng xuất khẩu trong 30 năm qua của chúng ta đang đứng trước thử thách khi Mỹ thay đổi toàn diện chính sách thương mại và đối ngoại. Quyết tâm và năng lực ứng phó của Chính phủ cũng như sự năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua các khó khăn và tiếp tục phát triển trong nhiều năm tới.
Tuy vậy, trong ngắn hạn, ảnh hưởng từ bên ngoài có thể dẫn tới những thay đổi về kinh tế và biến động lớn trên thị trường chứng khoán, từ đó tạo ra cả rủi ro và cơ hội trong năm 2025. Rủi ro và biến động lớn luôn tạo ra các cơ hội lớn, cho những ai sẵn sàng.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam
![]() |
Năm 2025, rủi ro về thuế quan đối với Việt Nam có thể chưa tăng cao, nhưng trong tương lai thì khó tránh khỏi. Doanh nghiệp nội địa đang có tỷ lệ xuất khẩu sang Mỹ cao là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm thủy sản, dệt may, nông lâm nghiệp, còn thép, nhôm chiếm tỷ trọng nhỏ.
Để giải bài toán thuế quan của Mỹ chỉ có hai con đường.
Thứ nhất, doanh nghiệp tìm kiếm thị trường khác ngoài Mỹ, mở rộng xuất khẩu. Hiện nay, xuất khẩu sang Mỹ có giá bán không còn tốt và dễ dàng, nhưng đi tìm thị trường khác, doanh nghiệp phải chấp nhận hiệu quả sinh lời giảm, do áp lực cạnh tranh ở thị trường mới về giá bán với các đối thủ hiện có ở thị trường đó. Mở rộng thị trường là cách giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro tác động chính sách thuế quan của Mỹ. Các doanh nghiệp nên tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để nắm lấy cơ hội tiến sâu vào các thị trường khác.
Thứ hai, giảm thâm hụt thương mại với thị trường Mỹ, điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt. Trong tương lai sẽ phải mua hàng hóa của Mỹ nhiều hơn, giảm mặt bằng thuế nhập khẩu để người tiêu dùng có thể mua hàng của Mỹ với chi phí tốt hơn.
Xét về điểm lợi, căng thẳng thương chiến của Mỹ với các quốc gia sẽ có các đòn trả đũa của các nước như Trung Quốc, Nga… Mỹ đang đối phó với những quốc gia trong nền sản xuất công nghiệp lớn tiêu thụ cho toàn cầu, họ phải đi tìm nước sản xuất bù trừ, thay thế và đó là cơ hội cho Việt Nam. Người dân Mỹ không tiêu thụ hàng của Trung Quốc, Mexico, Nga do thuế quan, mà mua hàng Việt Nam sẽ đẩy mức thâm hụt thương mại lên. Để giảm thâm hụt thương mại, Việt Nam cần mua thêm hàng hoá của Mỹ.
Đối với thu hút FDI, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ cân nhắc liệu Việt Nam có nằm trong danh sách thuế quan của Mỹ hay không. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh Việt Nam cân bằng và đủ an toàn, đủ hấp dẫn trong thuế suất, cơ chế hỗ trợ, đây là có cơ hội tốt trong thu hút vốn FDI.
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank
![]() |
Trong nửa đầu năm 2025, thị trường chứng khoán dễ bị ảnh hưởng về mặt thông tin, chính sách thuế hay những yếu tố liên quan đến tỷ giá.
Những yếu tố liên quan đến thị trường xuất khẩu, đặc biệt mặt hàng Việt Nam có thể chịu thuế chung với toàn cầu, hoặc những mặt hàng Mexico, Canada và Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế, có thể sẽ gây ảnh hưởng về thông tin, tác động tới giá cổ phiếu.
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và tạo nền tảng tăng trưởng ở mức 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030, một số chỉ tiêu dự kiến sẽ tăng trưởng rất cao là xuất khẩu hàng hóa (tăng 12%), thặng dư thương mại (30 tỷ USD), IIP (9,5%)...
Trong năm 2024, xuất khẩu hàng hóa đã vượt xa chỉ tiêu đề ra, nên mục tiêu giai đoạn 2025 - 2030 có khả năng đạt được. Tuy nhiên, những chính sách thuế quan của ông Trump có thể là thách thức cho mục tiêu này. Thuế quan của Mỹ đang đánh vào những nước mà Mỹ có thâm hụt thương mại nhiều nhất, gồm Mexico, Canada và Trung Quốc.
Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi phần nào trong cuộc chiến thương mại, bởi khi ông Trump đánh thuế, Mỹ vẫn sẽ phải nhập hàng hóa từ một khu vực khác. Thặng dư thương mại được đặt mục tiêu là 30 tỷ USD trong năm 2025, cao hơn 24,8 tỷ USD trong năm ngoái. Đây là một con số khá thách thức, nhưng vẫn có thể đạt được.
Tiến sĩ Hà Thị Cẩm Vân - Đại học RMIT Việt Nam
![]() |
Mỹ chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và thặng dư thương mại với Mỹ năm 2024 là 104,6 tỷ USD (tăng 25,6% so với năm 2023).
Việt Nam hiện là nơi sản xuất lớn của các công ty Mỹ như Apple, Google, Nike, Intel và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính sách thương mại của chính quyền Trump nhiệm kỳ 2 nhấn mạnh vai trò của thuế quan trong việc giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy sản xuất nội địa Mỹ. Nếu chính quyền Trump coi Việt Nam như là nơi các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thì Việt Nam sẽ là mục tiêu ngay sau Trung Quốc trong chiến lược thương mại nhiệm kỳ Trump 2.0, đẩy thuế nhập khẩu các mặt hàng “Made in Vietnam” vào Mỹ tăng cao.
Ngoài ra, ông Trump đe dọa sẽ áp thuế suất lên đến 20% trên tất cả các hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Thuế suất cao làm tăng giá bán hàng hóa từ Việt Nam, giảm sức cạnh tranh tại thị trường Mỹ và khả năng duy trì thị phần. Kết quả là kim ngạch xuất khẩu giảm, có nguy cơ dẫn đến thâm hụt hoặc suy giảm thặng dư cán cân thương mại.
Các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực bao gồm đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào Mỹ bằng cách mở rộng xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, ASEAN và tăng cường nội địa hóa sản xuất để nâng cao tự chủ kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cần duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và ổn định kinh tế bằng cách theo dõi tỷ giá, kiểm soát lạm phát, điều chỉnh lãi suất phù hợp để ổn định dòng vốn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Cường -Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kết cấu thép đầu tư và xây lắp Thuận Phát
![]() |
Trong bối cảnh thương chiến leo thang và chuỗi cung ứng có xu hướng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, tôi cho rằng, ngành bất động sản khu công nghiệp sẽ có cả cơ hội và rủi ro tiềm ẩn.
Cụ thể, dòng vốn FDI sẽ dần gia tăng tại Việt Nam khi các doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp quốc tế có nhà máy tại Trung Quốc sẽ chuyển sang các nước như Việt Nam để tránh thuế khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Điều đó góp phần tăng giá thuê và giá mua đất công nghiệp, đặc biệt là ở các khu vực có hạ tầng tốt như Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, cũng như cơ hội phát triển bất động sản vệ tinh quanh khu công nghiệp. Mặt khác, Trung Quốc sẽ tăng cường xuất khẩu các nguyên vật liệu xây dựng giá rẻ (sắt thép, đá, thiết bị vệ sinh…) sang các thị trường khác, dẫn đến chi phí xây dựng có xu hướng giảm trong ngắn hạn. Các doanh nghiệp có nguồn quỹ bất động sản công nghiệp lớn dùng để cho thuê sẽ hưởng lợi từ các sự dịch chuyển trên.
Tuy nhiên, sự dịch chuyển này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức cho Việt Nam. Thách thức rõ ràng nhất chính là áp lực cạnh tranh từ các nước ASEAN khác cũng đang thu hút FDI bằng các chính sách ưu đãi. Điển hình như Singapore là quốc gia thu hút vốn FDI lớn nhất khu vực khi cung cấp các ưu đãi lớn và môi trường đầu tư thuận lợi. Khi lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh, Việt Nam cần tạo ra các chính sách mới cùng hành lang pháp lý rộng mở, thuận lợi để có thể tiếp cận nguồn vốn FDI một cách hiệu quả. Ngoài ra, nếu có nhiều hàng hóa giá rẻ của các doanh nghiệp FDI đến từ Trung Quốc xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ, trong trường hợp thương chiến leo thang, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống bán phá giá, thuế quan từ cả Mỹ và EU.