Nợ công tăng làm gia tăng mối lo về khả năng trả nợ của ngân sách, nhất là trong bối cảnh nghĩa vụ trả nợ đang tăng. Như nhìn nhận của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), những năm gần đây, khoản nợ gốc và lãi vay mà ngân sách nhà nước phải trả đã tăng nhanh: Nếu như năm 2010 chỉ khoảng 100.000 tỷ đồng, thì đến năm 2017 ước lên đến 250.000 tỷ đồng…
Theo góc nhìn của một số chuyên gia cũng như đại biểu Quốc hội, nợ công tăng không xấu, nhưng đầu tư công không hiệu quả lại là điều đáng ngại vì tác động tiêu cực kép: Tăng áp lực trả nợ tiền gốc và tiền lãi cho ngân sách nhà nước, phải trả bù lỗ cho các doanh nghiệp, các dự án đầu tư không hiệu quả, điển hình như 12 doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư không hiệu quả, làm thất thoát vốn đầu tư.…
Từ thực tế trên, với đặc thù của một nền kinh tế trẻ, năng động và đang trong giai đoạn tăng trưởng khá cao, trong khi nguồn vốn từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển các lĩnh vực của nền kinh tế còn hạn chế, nếu vì kiểm soát nợ công tăng nhanh mà cứng nhắc cắt giảm lượng vốn đầu tư của Nhà nước thì không hợp lý. Do đó, lời giải hợp lý đối với bài toán nợ công tăng và đang ở mức cao như hiện nay là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Ðầu tiên là cần giảm áp lực trả nợ cho ngân sách thông qua giảm dần bội chi ngân sách nhà nước. Vấn đề này đã được cụ thể hóa tại kế hoạch tài chính 3 năm. Theo đó, năm 2018, bội chi ngân sách nhà nước là 3,7%; năm 2019 giảm xuống 3,6% và năm 2020 giảm còn 3,4%. Ðạt được mục tiêu này là một thách thức, nhưng với nhiều giải pháp mới tại Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), nỗ lực giảm bội chi ngân sách được kỳ vọng sẽ đạt được những bước tiến đáng kể.
Giải pháp tiếp theo là phải từng bước cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên, để có thêm nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển, qua đó vừa tạo thêm nguồn để trả nợ, vừa tránh gây sức ép lên tăng nợ công. Ðịnh hướng này đã mang lại kết quả bước đầu khi những năm gần đây, chi thường xuyên chiếm tới 70% trong tổng chi ngân sách, nhưng năm nay dự kiến rút xuống 64,9%, thời gian tới tiếp tục giảm xuống dưới 64%.
Giải pháp quan trọng hơn cả là cần quyết liệt trong nâng cao hiệu quả đầu tư công, để có thêm nguồn trả nợ, bởi như góc nhìn của Phó thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội mới đây, Chính phủ và Thủ tướng đã tính toán rất kỹ và thấy rằng, trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ. Do đó, điều quan trọng là siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, tăng cường công khai, minh bạch và tăng trách nhiệm giải trình, nhất là đối với người đứng đầu trong thu-chi ngân sách, sử dụng vốn vay...
Việc triển khai có hiệu quả Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) với một loạt quy định mới được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển sắc nét trong nâng cao hiệu quả đầu tư công, qua đó hóa giải nhiều “điểm nóng” trong bức tranh đầu tư công hiện tại.