Hóa giải áp lực lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực nhập khẩu lạm phát trở thành hiện hữu ngay từ quý đầu năm 2022, khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2022 tăng 1,92%, tạo ra thách thức lớn với mục tiêu kiểm soát CPI cả năm dưới 4%, dù lạm phát cơ bản vẫn ở mức thấp, lạm phát do cầu kéo chưa có biểu hiện rõ rệt.
Nhập khẩu lạm phát là nguy cơ hiện hữu Nhập khẩu lạm phát là nguy cơ hiện hữu

Áp lực lạm phát chi phí đẩy gia tăng

Năm 2021, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,12% so với năm 2020 (chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 2,44%; lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 0,55%; thủy sản khai thác, nuôi trồng tăng 1,33%). Chỉ số tương ứng của quý I/2022 là tăng 1,89% so với quý trước và tăng 0,58% so với cùng kỳ năm trước (chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 1,04% và giảm 0,59%; lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 0,57% và tăng 1,36%; thủy sản khai thác, nuôi trồng tăng 4,69% và tăng 4,22%).

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp năm 2021 tăng 2,91% so với năm 2020 (chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng tăng 15,4%; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,63%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,16%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,45%). Chỉ số này quý I/2022 tiếp tục tăng 1,09% so với quý trước và tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất của quý I so với cùng kỳ năm trước kể từ năm 2015 (chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng tăng 4,86% và tăng 18,69%; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,87% và tăng 3,84%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,89% và tăng 4,92%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,93% và tăng 1,91%).

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế
TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế

Chỉ số giá sản xuất dịch vụ năm 2021 tăng 0,95% so với năm 2020 (dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 0,11%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 1,2%; thông tin và truyền thông giảm 0,06%; giáo dục và đào tạo tăng 2,47%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 0,46%; nghệ thuật vui chơi, giải trí tăng 0,51%). Sang quý I/2022, chỉ số này tăng 0,79% so với quý trước và tăng 1,98% so với cùng kỳ năm trước (dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 2,79% và tăng 3,08%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 2,01% và tăng 3,38%; thông tin và truyền thông tăng 0,08% và tăng 0,56%; giáo dục và đào tạo tăng 0,11% và tăng 0,6%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 0,08% và tăng 0,76%; nghệ thuật vui chơi, giải trí tăng 0,11% và tăng 0,39%).

Như vậy, chỉ số giá sản xuất không gây sức ép lên lạm phát năm 2021, song sức ép lên lạm phát năm 2022 ngày càng lớn. Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất năm 2021 tăng 5,51% so với năm 2020 (chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,22%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,42%; dùng cho xây dựng tăng 6,4%). Quý I/2022, chỉ số này tăng 1,49% so với quý trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,21% và tăng 9,1%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,47% và tăng 5,52%; dùng cho xây dựng tăng 1,67% và tăng 8,26%), nhưng đều chưa phản ánh đầy đủ vào giá bán sản phẩm cuối cùng.

Đáng lưu ý, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020 (khu vực kinh tế trong nước đạt 114,07 tỷ USD, tăng 21,8%; khu vực FDI tăng 29,1%); chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 5,49% so với năm 2020 (chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 10,66%; nhóm nhiên liệu tăng 40,56%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 3,76%), song hiện tượng nhập khẩu lạm phát chưa xuất hiện trong năm qua.

Sang quý I/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng tiếp 15,9% so với cùng kỳ năm trước (khu vực kinh tế trong nước tăng 13,7%, khu vực FDI tăng 17,1%); chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 2,7% so với quý trước và tăng 10,98% so với cùng kỳ năm trước (chỉ số giá nhập khẩu nhóm nông sản, thực phẩm tăng 4,11% và tăng 10,95%; nhóm nhiên liệu tăng 5,7% và tăng 37,43%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 2,48% và tăng 9,84%). Đặc biệt, chỉ số giá nhập khẩu quý I/2022 của một số mặt hàng như khí đốt hóa lỏng tăng 44,95% so với cùng kỳ năm trước, xăng dầu các loại tăng 40,44%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 27,73%, sắt thép tăng 43,87%, phân bón các loại tăng 42,68%..., khiến áp lực nhập khẩu lạm phát trở nên hiện hữu ngay từ quý đầu năm 2022.

Người tiêu dùng bắt đầu cảm nhận rõ sức ép lạm phát

Người tiêu dùng bắt đầu cảm nhận rõ sức ép lạm phát

Áp lực lạm phát do cầu kéo còn thấp

Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.789.500 tỷ đồng, giảm 3,8% so với năm 2020, nếu loại trừ yếu tố giá thì tỷ lệ giảm là 6,2% (năm 2020 giảm 3%).

Trong khi tổng cầu tiêu dùng sụt giảm thì tổng đầu tư vẫn tăng. Năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội (giá hiện hành) đạt 2.891.900 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2020 (vốn khu vực nhà nước chiếm 24,7% tổng vốn và giảm 2,9%, khu vực ngoài nhà nước chiếm 59,5% và tăng 7,2%, khu vực FDI chiếm 15,8% và giảm 1,1%). Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 1.839.200 tỷ đồng, vượt 9% so với dự toán (chi thường xuyên vượt 2,3% và chi đầu tư phát triển vượt 6,4%, chi trả nợ lãi thấp hơn dự toán 3,8%).

Đáng chú ý, trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020 (khu vực kinh tế trong nước tăng 13,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực FDI, kể cả dầu thô tăng 21,1%). Bên cạnh đó, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa tăng 2,86% (chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 7,28%; nhóm nhiên liệu tăng 25,46%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 1,46%).

Rõ ràng, tổng cầu tiêu dùng trong nước không những không tăng mà còn giảm chính là yếu tố quyết định lạm phát thấp suốt năm 2020 và 2021, bất chấp lạm phát toàn cầu liên tục leo thang.

Sức ép từ giá nguyên nhiên liệu tăng lên lạm phát năm 2022 là rất lớn

Sức ép từ giá nguyên nhiên liệu tăng lên lạm phát năm 2022 là rất lớn

Đến quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước và nếu loại trừ yếu tố giá thì tỷ lệ tăng là 1,6% - thấp hơn mức tăng 2% của cùng kỳ.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2022 (giá hiện hành) tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước (vốn khu vực nhà nước tăng 9,3%, khu vực ngoài nhà nước tăng 9,1% và khu vực FDI tăng 7,9%).

Tổng chi ngân sách nhà nước đến 15/3/2022 đạt 278.800 tỷ đồng, bằng 15,6% dự toán năm (chi thường xuyên bằng 18,4%; chi đầu tư phát triển bằng 9%; chi trả nợ, lãi bằng 25,3%).

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2022 đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước (khu vực kinh tế trong nước đạt 23,27 tỷ USD, tăng 22%; khu vực FDI tăng 10%), trong khi chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý I/2022 tiếp tục tăng 2,47% so với quý trước và tăng 7,51% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, lạm phát do cầu kéo chỉ gây áp lực khi tổng cầu tiêu dùng trong nước thực sự phục hồi đi đôi với nới lỏng chi ngân sách nhà nước.

Áp lực lạm phát tiền tệ chưa xuất hiện

Năm 2021, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 8,93% so với năm 2020 và huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,44%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế lên đến 13,95%. Ngân hàng Nhà nước điều hành ổn định các mức lãi suất để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ. Lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đến cuối năm 2021 ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3 - 3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2 - 5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,5 - 6,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1 - 6,8% đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục cắt giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh thuộc lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm.

Chỉ số giá nhập khẩu quý I/2022 của một số mặt hàng như khí đốt hóa lỏng tăng 44,95%, xăng dầu các loại tăng 40,44%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 27,73%, sắt thép tăng 43,87%, phân bón các loại tăng 42,68%... so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù lãi suất có xu hướng giảm nhẹ và tổng tín dụng cho nền kinh tế duy trì tốt, song lạm phát cơ bản tháng 12/2021 chỉ tăng 0,67% so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với năm 2020. Chính sách tiền tệ ổn định được duy trì sang quý I/2022 khi lạm phát cơ bản tháng 3/2022 chỉ tăng 1,09% và lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,81% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tính đến 21/3/2022, chính sách tiền tệ có dấu hiệu nới lỏng hơn khi tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,49%) và huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 2,15% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 0,54%), còn tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,47%).

Bên cạnh đó, nhu cầu mua ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu tăng làm chỉ số giá USD tháng 12/2021 tăng 0,84% so với tháng liền trước, song vẫn giảm 0,58% so với tháng 12/2020 và bình quân năm 2021 giảm 0,97% so với năm 2020. Tương tự, chỉ số giá USD tháng 3/2022 tăng 0,64% so với tháng 2/2022 song vẫn giảm 0,43% so với cùng kỳ năm 2021 và bình quân quý I/2022 tiếp tục giảm 0,67%. Nói cách khác, VND đã lên giá so với USD trong năm 2021 và cả quý I/2022.

Hóa giải áp lực lạm phát

Lạm phát năm 2021 ở Việt Nam không phải là lạm phát chi phí đẩy, mà các yếu tố tăng chi phí, kể cả nhập khẩu lạm phát có thể được chuyển sang năm 2022 và phần nào đã thể hiện ngay trong quý I. Lạm phát năm 2021 cũng không phải là lạm phát tiền tệ do chính sách lãi suất, chính sách tỷ giá hối đoái và chính sách tín dụng vẫn vận động theo hướng bảo vệ giá trị VND đi đôi với kiểm soát cung tiền.

Kiềm chế nhập khẩu lạm phát trở thành trọng tâm năm 2022 không chỉ với công cụ ổn định tỷ giá hối đoái như năm 2021, mà còn cần phối hợp với các công cụ khác.

Lạm phát năm 2021 là lạm phát cầu kéo, chỉ có điều không phải kéo lên mà là kéo xuống do sự chi phối của tổng cầu tiêu dùng trong nước sụt giảm, trong khi tổng cầu đầu tư và chi ngân sách nhà nước chỉ tăng nhẹ. Yếu tố đặc biệt của tổng cầu là xuất khẩu tăng vọt về giá trị và tăng tương đối cao về giá, nhưng hầu như không có tác động kéo lạm phát đi lên.

Lạm phát cơ cấu có dấu hiệu xuất hiện và sẽ tác động tới lạm phát năm 2022 khi CPI năm 2021 tăng thấp song giá tài sản như chứng khoán, vàng và bất động sản lại tăng cao (chỉ số giá vàng tháng 3/2022 tăng 4,51% so với tháng 2 và tăng 9,36% so với cùng kỳ năm 2021, còn bình quân quý I/2022 tăng 3,52%).

Thêm vào đó, lạm phát tâm lý đã xuất hiện từ cuối năm 2021 rất có thể sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 dưới 4%, nhất là khi tổng cầu tiêu dùng phục hồi kéo CPI đi lên.

Theo đó, chương trình hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trị giá 350.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua mới đây rất cần phương thức hướng dòng tiền vào những lĩnh vực góp phần giảm áp lực lạm phát chi phí đẩy, chẳng hạn giảm thuế giá trị gia tăng, giảm lãi suất cho vay..., đồng thời đảm bảo tính linh hoạt để tổng cầu tiêu dùng trong nước phục hồi không làm cho lạm phát do cầu kéo vượt tầm kiểm soát.

Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ trên cần đúng đối tượng nhằm giảm thiểu áp lực lạm phát cơ cấu do hình thành “bong bóng” tài sản. Lạm phát tiền tệ năm 2022 có khả năng được kiểm soát tốt khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán hợp lý đi đôi với ổn định cả chính sách lãi suất lẫn chính sách tỷ giá hối đoái.

Thực tế, nguy cơ lạm phát quay trở lại trong năm 2022 đã xuất hiện. Tuy nhiên, lạm phát tiền tệ chưa phải là nguyên nhân chính khi lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục) vẫn ở mức thấp. Tương tự, lạm phát do cầu kéo chưa có biểu hiện rõ rệt do tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phục hồi chậm.

Nguy cơ hiện hữu chính là nhập khẩu lạm phát, nhất là tác động của giá nguyên nhiên liệu nhập khẩu khi lạm phát toàn cầu năm 2022 được dự báo ở mức cao sau khi giá dầu thô đầu tháng 3 đã vượt xa ngưỡng 100 USD/thùng và giá hàng loạt nguyên vật liệu cũng như lương thực, thực phẩm tăng mạnh do ảnh hưởng của biến động địa chính trị.

Nhiều dấu hiệu cho thấy, chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá năm 2022 sẽ cao hơn nhiều so với năm 2021, khiến cho mức CPI bình quân cả năm thấp như năm 2021 khó có thể duy trì. Kiềm chế nhập khẩu lạm phát trở thành trọng tâm năm 2022 không chỉ với công cụ ổn định tỷ giá hối đoái như năm 2021 mà còn cần phối hợp với các công cụ khác như quản lý hàng hóa nhập khẩu (quản lý về lượng, thời điểm, giá, phương tiện thanh toán, thị trường, dự trữ, hình thức hợp đồng...), sản xuất thay thế nhập khẩu và đặc biệt là thuế, kể cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu và thậm chí cả thuế bảo vệ môi trường.

TS. Vũ Đình Ánh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2022

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục