Hòa Bình xin đầu tư khẩn cấp tuyến tránh đèo Thung Khe trên Quốc lộ 6

0:00 / 0:00
0:00
Quốc lộ 6 qua đèo Thung Khe trên địa phận tỉnh Hòa Bình dài khoảng 22 km là đoạn đường rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông.
Một đoạn đèo Thung Khe, Quốc lộ 6. Một đoạn đèo Thung Khe, Quốc lộ 6.

UBND tỉnh Hòa Bình vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các bộ: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xem xét bổ sung Dự án xây dựng tuyến tránh đèo Thung Khe trên Quốc lộ 6 vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để thực hiện khẩn cấp dự án; đồng thời giao cho tỉnh này là cơ quan quản lý thực hiện dự án để phát huy tối đa những điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện dự án và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Qua nghiên cứu và khảo sát, UBND tỉnh Hòa Bình đã sơ bộ xác định quy mô tuyến tránh dự kiến với tổng chiều dài khoảng 22 km (điểm đầu tại khu vực xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, kết nối với đường tỉnh 450, điểm cuối giao với đường tỉnh 432 gần khu vực xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu). Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến khoảng 1.682 tỷ đồng trong đó chi phí xây dựng là 1.179 tỷ đồng, chi phí GPMB và chi phí khác là 503 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Hòa Bình, Quốc lộ 6 là tuyến đường độc đạo nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc, trong đó, đoạn qua đèo Thung Khe trên địa phận tỉnh Hòa Bình có chiều dài khoảng 18 km (từ Km113 - Km131) là đoạn đường rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông do nền đường còn hẹp, có nhiều đoạn quanh co, độ dốc lớn.

Đoạn tuyến này được nâng cấp cải tạo từ năm 2005 thuộc Dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 6 Hòa Bình - Sơn La với quy mô kỹ thuật là đường cấp 3 miền núi (đối với một số đoạn đèo dốc thiết kế khó khăn chỉ châm trước về tiêu chuẩn bán kính đường cong). Trên đoạn tuyến có tổng cộng 106 đường cong, với vận tốc thiết kế chỉ đạt 60km/h, vận tốc thực tế khai thác là 40km/h.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu lưu thông trên tuyến Quốc lộ 6 nói chung và khu vực đèo Thung Khe nói riêng tăng cao, biến nơi đây trở thành điểm đen về an toàn giao thông với nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù Bộ GTVT đã đầu tư, cải tạo các điểm đen, giảm thiểu các vị trí nguy cơ mất an toàn giao thông và 2 xây dựng bổ sung một số đường cứu nạn, tuy nhiên đến nay tình hình tai nạn giao thông tại đèo Thung Khe vẫn chưa được xử lý triệt để.

Cụ thể, khu vực đèo Thung Khe trên Quốc lộ 6 dài khoảng 22 km có địa hình rất hiểm trở một bên là núi đá, một bên là vực sâu nguy hiểm; chịu ảnh hưởng của thời tiết hết sức khắc nghiệt, thường xuyên có sương mù bao phủ làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của các phương tiện giao thông, đồng thời dễ gây trơn trượt tại các vị trí có độ dốc lớn.

Mặt khác, do đây là tuyến đường độc đạo kết nối thủ đô Hà Nội và các tỉnh khu vực Tây Bắc, do đó mật độ phương tiện giao thông là rất cao. Trên đoạn tuyến, các phương tiện vận tải thường phải nối nhau thành hàng dài, di chuyển chậm; tại những đoạn cua gấp, khuất tầm nhìn thường xảy ra va chạm, tai nạn giao thông. Mặc dù tuân thủ biển hạn chế tốc độ thấp đến 40 Km/h và cấm vượt nhưng vận tốc thực tế khai thác luôn thấp hơn do sương mù, nền đường hẹp, các phương tiện vận tải thường nối nhau thành hàng dài, di chuyển chậm nhưng ở những đoạn cua gấp, khuất tầm nhìn, dễ dẫn đến va chạm, tai nạn giao thông.

Theo thống kê của UBND tỉnh Hòa Bình từ năm 2017 đến năm 2020 trong đoạn tuyến này đã xảy ra 71 vụ TNGT, hậu quả làm chết 8 người, bị thương 82 người, hư hỏng 142 phương tiện. Quốc lộ 6 thuộc nhóm quốc lộ chính yếu khu vực phía Bắc, việc đầu tư cấp bách đoạn tránh đèo Thung Khe sẽ giải quyết hầu hết các vấn đề liên quan đến hiện trạng khó khăn thuộc nút thắt còn tồn tại của Quốc lộ 6.

Do đó việc đầu tư xây dựng tuyến tránh Đèo Thung Khe trên Quốc lộ 6 đoạn qua tỉnh Hòa Bình là hết sức cần thiết và cấp bách. Khi tuyến tránh đèo Thung Khe được đầu tư xây dựng sẽ góp phần hạn chế được tình hình tai nạn giao thông xảy ra tại khu vực này; bảo đảm tính mạng, tài sản người tham gia giao thông cũng như tính mạng người dân sinh sống tại khu vực đèo Thung Khe, Quốc lộ 6.

Bên cạnh đó, Dự án cũng sẽ giúp kết nối thuận lợi giữa thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc, tạo điều kiện phát huy thế mạnh và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh Tây Bắc nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng.

Xuất phát từ thực tế về nhu cầu bảo đảm tính mạng, tài sản người tham gia giao thông cũng như tính mạng người dân sinh sống khu vực đèo Thung Khe, Quốc lộ 6, vào năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT rà soát, ưu tiên tổng hợp vào danh mục các dự án của Bộ quản lý để bố trí thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 theo quy định tại Thông báo kết luận số 18/TB-VPCP ngày 25/1/2021. UBND tỉnh Hòa Bình đã chủ động trong công tác phối hợp cùng Bộ GTVT, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thống nhất được phương án, giải pháp thực hiện do còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác định nguồn lực đầu tư.

“Trong thời gian tới, nếu 3 không xây dựng tuyến tránh đèo Thung Khe, Quốc lộ 6 thì nguy cơ ách tắc, tai nạn giao thông tăng cả về số vụ và số người thương vong là không tránh khỏi”, ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục