Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ và đóng góp lớn vào sự phục hồi ấy là khu vực doanh nghiệp. Nhưng đồng hành với doanh nghiệp chính là sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ, với một trong những quyết sách hàng đầu là Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023. Chương trình này đã hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Không phải tới năm nay, khi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 được thực hiện, doanh nghiệp mới có sự đồng hành ủng hộ của Chính phủ. Luôn luôn là như vậy, và đặc biệt là trong 2 năm 2020-2021, khi doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như người lao động, người dân bị ảnh hưởng.
Những chính sách đó đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng để kinh tế Việt Nam có được tăng trưởng dương trong những năm qua, còn khu vực doanh nghiệp dù vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng có thể “bền gan, quyết chí” vượt qua những thử thách chưa từng có tiền lệ.
Năm nay, khi Chính phủ, với sự ủng hộ của Quốc hội, thực thi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, nền kinh tế đã phục hồi rất mạnh mẽ, mà một trong những bằng chứng là tăng trưởng GDP quý III ước đạt 13,67%, còn 9 tháng là 8,83%. Chương trình này là gói chính sách có quy mô lớn từ trước tới nay, hỗ trợ cả ở phía cung và phía cầu, vì vậy, khi được thực thi, đã hỗ trợ rất lớn cho cả nền kinh tế nói chung, khu vực doanh nghiệp nói riêng.
Trong gói hỗ trợ của Chính phủ, có rất nhiều khoản hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, như miễn, giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất… Theo số liệu tổng hợp của chúng tôi, tính đến cuối tháng 9/2022, đã miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng trên 39.422 tỷ đồng; đã gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất trên 97.895 tỷ đồng…
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình còn được hỗ trợ lãi suất 2%, với tổng số tiền đã giải ngân hỗ trợ đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ đồng, với dư nợ được hỗ trợ lãi suất khoảng 9.800 tỷ đồng… Đây là những hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Ngoài ra, còn các khoản hỗ trợ về an sinh xã hội, như hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động… Đến nay, các chính sách hỗ trợ này vẫn tiếp tục được thực hiện và giải ngân tốt.
Những hỗ trợ trên, theo đánh giá của chúng tôi, vừa có ý nghĩa về tinh thần, bởi doanh nghiệp tin tưởng rằng, luôn có sự đồng hành của Chính phủ để yên tâm xây dựng các kế hoạch đầu tư, kinh doanh, duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất - kinh doanh; vừa có ý nghĩa về mặt tài chính, giúp tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.
Sức khỏe của doanh nghiệp chính là sức khỏe của nền kinh tế. Trong ảnh: Dây chuyền lắp ráp ô tô của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải |
Khi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế được duy trì, thì đó cũng chính là sự hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp?
Đúng như vậy, kinh tế phục hồi sẽ tạo động lực cho các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Nhìn lại kinh tế Việt Nam 9 tháng qua, có thể thấy, cả 3 khu vực kinh tế đều duy trì đà tăng trưởng tích cực. Ngoài khu vực nông nghiệp - lâu nay vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế, khu vực công nghiệp - xây dựng là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19, thì khu vực dịch vụ đã có sự tăng tốc đáng kể, với tốc độ tăng trưởng lên tới 10,57%.
Hơn 2 năm Covid-19, dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động. Tại các địa phương mà khu vực du lịch, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, kinh tế suy giảm. Nhưng khi chúng ta quyết định mở cửa lại du lịch quốc tế, du lịch nội địa cũng phục hồi, thì khu vực dịch vụ bật tăng. Tất nhiên, đằng sau sự bật tăng đó chính là các doanh nghiệp.
Tương tự, khi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện, cả phía cầu và phía cung đều được hỗ trợ, chi tiêu Chính phủ tăng, chi tiêu của người dân tăng, thì đó là động lực quan trọng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Một yếu tố khác, rất quan trọng nữa mà tôi cũng muốn nhắc đến, như đôi chân để nền kinh tế phục hồi một cách chắc chắn, đó chính là chiến lược phòng chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023, một sự tiếp nối của Nghị quyết 128/NQ-CP - “chìa khóa” cho sự phục hồi của nền kinh tế. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, các chính sách chống dịch được chuyển hướng linh hoạt và kịp thời, thì các doanh nghiệp cũng yên tâm hơn trong đầu tư duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, qua đó thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Vậy khu vực doanh nghiệp đã phục hồi như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Sức khỏe của doanh nghiệp chính là sức khỏe của nền kinh tế. Nhìn vào sự phục hồi của nền kinh tế, chúng ta sẽ nhìn thấy sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang phục hồi và nhìn thấy các cơ hội kinh doanh tốt hơn, nên 9 tháng qua, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt trên 163.000 doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Hơn nữa, theo kết quả điều tra doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo, 74,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh tích cực trong quý III/2022; 82,6% doanh nghiệp nhận định lạc quan về tình hình quý IV/2022; tồn kho giảm, tình hình đơn hàng của doanh nghiệp tiếp tục tích cực trong quý III và dự kiến trong cả quý IV.
Sự phục hồi của các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp chính là yếu tố quan trọng hàng đầu để Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo rằng, tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt khoảng 8%, cao hơn 1,5-2 điểm phần trăm so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị và Chính phủ phấn đấu. Con số này cũng bằng với mục tiêu mà Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đưa ra.
Nhưng rất nhiều ý kiến cho rằng, khu vực doanh nghiệp còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Thứ trưởng nghĩ sao về điều này?
Đúng là dù các hoạt động sản xuất - kinh doanh đã phục hồi tích cực, nhưng khó khăn, thách thức còn nhiều, tỷ lệ doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động vẫn cao. Nguyên nhân chủ yếu là giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao, thiếu hụt lao động cục bộ, việc tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh còn hạn chế…
Hơn nữa, thời gian tới, bối cảnh quốc tế có rất nhiều khó khăn, bất lợi, ảnh hưởng mạnh tới nguồn cung nguyên vật liệu, hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, thị trường của doanh nghiệp.
Đấy là còn chưa kể, những thách thức mang tính dài hơi hơn, đó là sự thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, năng lực khoa học - công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong; còn những hạn chế trong kết nối và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…
Thực tế, quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp phải một số vướng mắc, rào cản về pháp lý đã tồn tại từ lâu, nhưng chưa được giải quyết triệt để, gây cản trở, làm tắc nghẽn hoạt động đầu tư sản xuất - kinh doanh…
Khó khăn, thách thức là rất lớn, nhưng tôi có niềm tin rằng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ luôn bền bỉ, nỗ lực đối mặt với khó khăn, biến nguy thành cơ, đồng thời chủ động thích ứng, chắt chiu từng cơ hội để hồi phục nhanh hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế.
Nhưng thưa Thứ trưởng, trong hành trình đó, các doanh nghiệp vẫn mong sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, của các cơ quan hoạch định chính sách…
Quan điểm nhất quán của chúng tôi là hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn của doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Chính vì thế, bên cạnh việc tiếp tục thực thi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, phải tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho các doanh nghiệp, tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để cho doanh nghiệp.
Đồng thời, tới đây, tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục đứt gãy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên nhiên phụ liệu, linh kiện đầu vào để đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh…
Các vấn đề về khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, một số khu vực cũng cần được tập trung giải quyết. Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đặc biệt là tiến độ thẩm tra, giải ngân gói hỗ trợ nhà trọ cho người lao động…
Đó là các giải pháp trong ngắn hạn, còn dài hạn, tôi cho rằng, điều quan trọng là tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia; gây dựng niềm tin cho doanh nghiệp để có định hướng đầu tư sản xuất - kinh doanh dài hạn và bền vững…
Ở góc độ vĩ mô, hiện nay, Chính phủ nhất quán quan điểm ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm pháp sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất - kinh doanh. Đây cũng là nền tảng cho sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững hơn của nền kinh tế.