Viễn cảnh tươi sáng
Một bài toán đã được Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính toán dựa trên thống kê về hoạt động của doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2016 và mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Theo đó, 1 triệu doanh nghiệp thực sự đi vào sản xuất - kinh doanh và có thực hiện các nghĩa vụ về thuế vào năm 2020, sẽ có thêm 410.000 doanh nghiệp mới được thành lập và đi vào hoạt động trong vòng 4 năm tới. Các doanh nghiệp này sẽ tham gia vào quá trình sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất kinh tế qua chuyển dịch kinh tế ngành.
Tính toán cho thấy, với quy mô vốn đăng ký bình quân hiện nay là 7,5 tỷ đồng/doanh nghiệp, sẽ có có ít nhất 3,075 triệu tỷ đồng, tương đương 136,7 tỷ USD được đưa vào đầu tư sản xuất - kinh doanh. Như vậy, nếu con số này được hiện thực hóa trong giai đoạn từ nay tới năm 2020, bình quân mỗi năm sẽ có khoảng 34,17 tỷ USD được các doanh nghiệp trong nước đăng ký đưa vào sản xuất - kinh doanh, chưa bao gồm con số tăng vốn của các doanh nghiệp hiện tại.
Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, con số này gấp 1,5 lần mức vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam năm 2015 là 24,1 tỷ USD và gấp hơn 2 lần vốn FDI thực hiện trong cùng năm. Nguồn nội lực quan trọng này, nếu được giải phóng, sẽ góp phần trực tiếp nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cung ứng dịch vụ, đóng góp trực tiếp tạo ra sản lượng và thúc đẩy GDP tăng trưởng.
Không chỉ có vậy, theo ước tính, với mức nộp ngân sách nhà nước của một DNNVV trung bình 0,5 tỷ đồng/năm thì 410.000 doanh nghiệp mới được thành lập và đi vào hoạt động sẽ mang lại một nguồn thuế khổng lồ và bền vững về trung hạn cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, số DNNVV dự kiến có hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp sẽ tăng gấp đôi từ khoảng 52.000 doanh nghiệp hiện nay lên hơn 100.000 doanh nghiệp trong 10 năm tới, có thể tạo sự bứt phá trong kim ngạch xuất khẩu nói riêng, hoạt động thương mại, đầu tư nói chung.
Ngoài ra, các doanh nghiệp mới thành lập này dự kiến sẽ hoạt động chủ yếu trong các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ, công nghiệp… từ đó tạo ra hàng triệu việc làm, góp phần quan trọng cho việc chuyển đổi cơ cấu ngành, dịch chuyển lực lượng sản xuất sang các ngành và lĩnh vực có hiệu suất sử dụng vốn, lao động, đất đai cao hơn. Điều này sẽ giúp nâng cao năng suất của Việt Nam và hỗ trợ quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu nền kinh tế.
Bức tranh hiện tại
Tuy nhiên, đó là viễn cảnh trong vòng 5 - 10 năm tới được xây dựng dựa trên các điều kiện về chính sách và thực thi toàn diện ngay từ bây giờ để tạo động lực bứt phá cho khu vực kinh tế quan trọng này. Bức tranh hiện tại của khu vực DNNVV vẫn còn ngổn ngang nhiều vấn đề cần giải quyết.
Theo số liệu thống kê được Cục Phát triển doanh nghiệp đưa ra tại Hội thảo Luật DNNVV do cơ quan này phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa tổ chức, tính trung bình trong giai đoạn 2005 - 2013, tỷ lệ giữa các doanh nghiệp đăng ký và doanh nghiệp thực sự đi vào hoạt động, duy trì được hoạt động chỉ đạt 45%. Cá biệt, có những năm, tỷ lệ giữa doanh nghiệp đi vào hoạt động so với doanh nghiệp đăng ký trong năm đạt tỷ lệ rất thấp, ví dụ năm 2009 chỉ đạt 35,2% hoặc năm 2012 đạt 32,7%.
Ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng DNNVV, Cục Phát triển doanh nghiệp cho rằng, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2005 - 2008 cho thấy, cần phải có các hoạt động hỗ trợ những doanh nghiệp đã đăng ký đi vào hoạt động và duy trì được các hoạt động một cách bền vững, có đóng góp thực sự cho nền kinh tế và xã hội. Việc nuôi dưỡng, phát triển các doanh nghiệp sau khi khai sinh đã trở thành một yêu cầu cấp thiết.
Bởi vậy, cùng với sự đột phá về thể chế của Luật Doanh nghiệp, những cải cách của Luật Đầu tư, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 thì việc xây dựng, ban hành và đưa vào thực thi Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ có tác động tích cực tới mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp thực sự hoạt động vào năm 2020, đồng thời tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc triển khai các chính sách hỗ trợ thống nhất, hiệu quả một cách tổng thể cho các doanh nghiệp phát triển.
Cần sự đồng thuận của các ngành
Đồng tình quan điểm cần có một luật hỗ trợ riêng cho khu vực DNNVV, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, nhiều nước trên thế giới đều đã có luật này và trong điều kiện doanh nghiệp tại Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì Luật Hỗ trợ DNNVV cần phải tập trung hỗ trợ đúng và trúng các đối tượng.
Theo ông Mại, tiềm lực trung bình của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ giai đoạn 2005 - 2014 càng ngày càng thấp vì các cơ quan chức năng chưa nắm được thực trạng tiềm lực của doanh nghiệp nhỏ để có định hướng đúng giúp họ nâng dần năng lực và lớn lên. Chính vì vậy, Luật phải giúp giải quyết triệt để các khó khăn hiện nay như bài toán vốn tín dụng, mặt bằng sản xuất cũng như khả năng tích lũy vốn ban đầu cho các doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp nhỏ đang rất khó khăn, thiếu vốn, thiếu mặt bằng nhà xưởng…, nếu ta không giải được bài toán từ tín dụng ngân hàng và thuế của Nhà nước để hỗ trợ thì không thể làm cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lớn lên được”, ông Mại nói và dẫn chứng số liệu giai đoạn 2011 - 2014, doanh thu của khu vực DNNVV có năm tăng, năm giảm, lợi nhuận tăng ít, trong khi các khoản thu của Nhà nước từ đối tượng này vẫn tăng đều.
“Các chỉ số này cho thấy, tích lũy ban đầu của doanh nghiệp không có thì họ lấy lãi đâu mà nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Để họ có lãi, nên giảm các thuế khác, chứ không nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp”, ông Mại đề xuất. Về tín dụng, cần có chính sách cho DNNVV được thế chấp vay vốn tín dụng bằng bất động sản và các tài sản hình thành trên đất đai.
Đại diện cơ quan soạn thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, đây cũng là các vấn đề nóng với nhiều quan điểm trái chiều. Trong dự thảo Luật trước đây, Ban soạn thảo đưa ra yêu cầu, như quy định nhiều nước đang áp dụng, là các ngân hàng thương mại dành tối thiểu 30% vốn vay cho các DNNVV. Sau đó, Ban soạn thảo chỉ quy định là khuyến khích ngân hàng thương mại cung cấp tín dụng, tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận tín dụng.
“Chúng tôi hiểu, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và hơn nữa lại là doanh nghiệp kinh doanh vốn rất đặc thù, tiêu chí đầu tiên cũng phải là lợi nhuận nên không thể áp đặt. Tuy nhiên, bản thân các ngân hàng có đặc quyền được huy động vốn của toàn xã hội thì cũng phải có trách nhiệm cung ứng vốn cho các doanh nghiệp”, ông Đông nói và chia sẻ, quan điểm soạn thảo Luật không yêu cầu ngân hàng buộc phải thực hiện, song phía ngân hàng phải có trách nhiệm và thiện chí trong tạo điều kiện cho vay tín dụng đối với DNNVV thông qua việc phê duyệt hồ sơ cho vay một cách thuận lợi, phù hợp với năng lực của doanh nghiệp nhỏ.
Theo ông Đông, cần coi quan hệ giữa ngân hàng và DNNVV là quan hệ cộng sinh, theo đó ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp bứt lên. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp sẽ là khách hàng tiềm năng của ngân hàng. Khi doanh nghiệp phát triển, quy mô lớn mạnh thì ngân hàng sẽ có lợi nhuận bền vững.
“Đây là hướng phát triển bền vững của các nền kinh tế phát triển với khu vực doanh nghiệp tư nhân khỏe mạnh thực sự, chứ không phải từ những tỷ phú cá nhân giàu lên từ quan hệ thân hữu vốn chỉ tạo ra sự bất bình đẳng trong nền kinh tế”, ông Đông nhấn mạnh.
Ở nhiều quốc gia, DNNVV chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (97 - 99%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế. Các nước phát triển và đang phát triển trên thế giới và trong khu vực đều coi hỗ trợ DNNVV là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của quốc gia, theo đó luật hóa thông qua việc sớm ban hành các đạo luật cơ bản về hỗ trợ DNNVV nhằm thúc đẩy khu vực này phát triển và đổi mới sáng tạo, đóng góp ngày càng cao trong nền kinh tế.
Các hình thức phổ biến tại hầu hết các quốc gia là thể chế hoá hỗ trợ DNNVV dưới hình thức đạo luật hoặc luật (Nhật Bản, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan), luật khung, luật cơ bản về hỗ trợ DNNVV, tạo cơ sở ban hành các luật hỗ trợ DNNVV cụ thể khác như luật hỗ trợ tài chính, luật thúc đẩy hợp tác liên kết giữa các DNNVV và doanh nghiệp lớn, luật khuyến khích đầu tư, giảm thuế cho DNNVV, luật đổi mới sáng tạo trong DNN, mua sắm chính phủ đối với sản phẩm của DNNVV, hoặc quy định hệ thống các chính sách, biện pháp hỗ trợ cụ thể cho DNNVV.
Một số quốc gia khác ban hành dưới hình thức là luật chi tiết (Mỹ, EU…), trong đó quy định các chính sách, biện pháp cụ thể hỗ trợ DNNVV, thậm chí được quy định trực tiếp trong Hiến pháp như Hàn Quốc.
Trong bối cảnh của Việt Nam, việc xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra của thực tiễn và phù hợp với thông lệ tại nhiều quốc gia khác, có biện pháp phát triển DNNVV phù hợp với các nguyên tắc thị trường, bình đẳng, công khai, đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế và thống nhất với các luật khác. Luật cũng cân nhắc các yếu tố hạn chế về nguồn lực và xây dựng các biện pháp hỗ trợ sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế.