Thuế thu nhập cá nhân trong chuyển nhượng bất động sản: Tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến để đề xuất chính sách phù hợp

0:00 / 0:00
0:00
Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý, trong đó có cách tính mới về thuế thu nhập cá nhân trong chuyển nhượng bất động sản. Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Tài chính - Đầu tư để làm rõ hơn các thông tin về nội dung đang được dư luận quan tâm này.

PV: Thưa Thứ trưởng, dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến xây dựng đang được dư luận quan tâm, đặc biệt là về đề xuất mới trong việc áp thuế thu nhập cá nhân liên quan đến thời gian nắm giữ bất động sản. Xin Thứ trưởng cho biết rõ hơn về nội dung này?

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn: Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ (Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Công điện số 03/CĐ-TTg ngày 15/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản và thanh tra các dự án đầu tư xây dựng bất động sản, Thông báo số 294/TB-VPCP ngày 09/6/2025 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về tình hình thị trường bất động sản…), tại hồ sơ dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) cũng đã đề xuất tỷ lệ thu thuế thu nhập cá nhân đối với bất động sản theo thời gian nắm giữ để hạn chế đầu cơ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn. Ảnh: Đức Minh
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn. Ảnh: Đức Minh

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một số quốc gia có sử dụng các công cụ thuế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của việc đầu cơ bất động sản trong nền kinh tế. Trong đó, một số nước đã áp dụng thuế đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch bất động sản phù hợp với tần suất giao dịch, thời gian nắm giữ bất động sản. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham khảo kinh nghiệm của các nước có điều kiện tương đồng để có đề xuất phù hợp với Việt Nam.

PV: So với cách tính thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản hiện hành, đề xuất mới có những ưu điểm và nhược điểm như thế nào, thưa Thứ trưởng? Liệu có phải người dân khi giao dịch bất động sản sẽ phải nộp mức thuế cao hơn ?

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn: Đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành đang quy định thu thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản là 2% trên giá chuyển nhượng từng lần.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu quy định thu thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản để đảm bảo đúng theo bản chất giao dịch kinh tế. Cụ thể, thu thuế thu nhập cá nhân theo mức 20% trên thu nhập tính thuế. Trong đó, thu nhập tính thuế được xác định bằng giá chuyển nhượng bất động sản theo từng lần chuyển nhượng trừ đi giá mua bất động sản và các chi phí liên quan.

Tiếp thu các ý kiến này, tại hồ sơ dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đang đưa ra thêm phương án thu thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản theo thuế suất 20% trên thu nhập chịu thuế.

Qua tính toán, so với mức thuế hiện đang áp dụng là 2% trên giá chuyển nhượng thì việc thu thuế 20% trên thu nhập thực tế (giá bán trừ giá mua và các chi phí hợp lệ), người chuyển nhượng cũng chỉ phải nộp mức thuế tương đương.

Trong một số trường hợp, khi chênh lệch giữa giá bán và giá mua ít hơn, không phát sinh thu nhập hoặc bị lỗ, thì việc thu 20% trên thu nhập chịu thuế sẽ có lợi hơn cho người chuyển nhượng, điều tiết thu thuế theo đúng thu nhập thực tế của hoạt động giao dịch bất động sản.

Tuy nhiên, việc thu thuế thu nhập cá nhân theo phương pháp 20% trên thu nhập cần có lộ trình phù hợp, đảm bảo đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách khác liên quan đến đất đai, nhà ở cũng như mức sẵn sàng của cơ sở dữ liệu cũng như hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký, chuyển nhượng đất đai, bất động sản. Qua đó, có thể tạo điều kiện cho cơ quan thuế có đủ thông tin và cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động chuyển nhượng bất động sản để thu đúng tiền thuế phải nộp.

Việc thu thuế thu nhập cá nhân theo phương pháp 20% trên thu nhập cần có lộ trình phù hợp, đảm bảo đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách khác liên quan. Ảnh TL
Việc thu thuế thu nhập cá nhân theo phương pháp 20% trên thu nhập cần có lộ trình phù hợp, đảm bảo đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách khác liên quan. Ảnh TL

PV: Hiện nay, dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) còn đang trong giai đoạn lấy ý kiến. Xin Thứ trưởng cho biết Bộ Tài chính có kế hoạch tiếp thu như thế nào đối với phản hồi từ người dân, doanh nghiệp và giới chuyên gia về đề xuất đánh thuế chuyển nhượng bất động sản lần này?

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn: Căn cứ Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, ngày 04/7/2025, Chính phủ đã có Tờ trình số 622/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025 đối với dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế).

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), trong đó sửa đổi tổng thể các quy định liên quan đến chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện hành với 6 nhóm chính sách.

Cụ thể, thứ nhất là nhóm chính sách về hoàn thiện quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân và cách tính thuế đối với từng loại thu nhập chịu thuế.

Thứ hai là nhóm chính sách sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến thu nhập được miễn thuế, giảm thuế thu nhập cá nhân để thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, nhất là đối với yêu cầu thúc đẩy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tư nhân và phát triển bền vững, nông nghiệp nông thôn….

Thứ ba là hoàn thiện quy định về thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân kinh doanh.

Thứ tư là điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của các chỉ số kinh tế vĩ mô, chỉ số giá và mức sống của người dân trong thời gian qua và dự báo giai đoạn tới đây; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo và các khoản giảm trừ đặc thù khác.

Thứ năm là điều chỉnh Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công và các mức thuế suất tại Biểu thuế toàn phần đối với một số loại thu nhập.

Thứ sáu là rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về kỳ tính thuế, khấu trừ thuế, thời điểm xác định thu nhập chịu thuế; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và trách nhiệm của người nộp thuế.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân về hồ sơ dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân để có đề xuất chính sách phù hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

PV: Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng

Đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người nộp thuế

Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến có nhiều nội dung mới nhằm sửa đổi, bổ sung những quy định đang là vướng mắc, không còn phù hợp thực tiễn, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân người nộp thuế cũng như phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Mục đích việc ban hành Luật thay thế là để thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân nhằm tăng cường công tác kiểm soát, phân phối thu nhập và điều tiết vĩ mô nền kinh tế, theo các nguyên tắc “lợi ích”, “công bằng” và “khả năng nộp thuế”.

Hoàng Yến - Bích Ngọc
Thoibaotaichinhvietnam.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục