Hỗ trợ doanh nghiệp: Không có lý do chậm trễ

0:00 / 0:00
0:00
Ngay trước thời điểm đến hạn của quy định về giãn thời gian nộp một số khoản phí, lệ phí, Bộ Tài chính có văn bản mới, với thời gian giãn, giảm thu nhiều khoản kéo dài đến hết 31/12/2021.
Đây là lúc các giải pháp mạnh cần được cân nhắc vì có thể thực hiện được nguyên tắc trọng tâm, trọng điểm, không đại trà. Đây là lúc các giải pháp mạnh cần được cân nhắc vì có thể thực hiện được nguyên tắc trọng tâm, trọng điểm, không đại trà.

Số giảm thu này ước khoảng 1.000 tỷ đồng, đến từ các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, như hoạt động thương mại, du lịch, hàng không, vận tải đường bộ… Nhưng một vài quyết định kịp thời không đủ để các doanh nghiệp trong những ngành này tận dụng nhằm kịp thời hóa giải những khó khăn trước mắt, chưa nói đến việc chuẩn bị các kế hoạch phục hồi xa hơn.

Trong rất nhiều kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp gửi Chính phủ từ năm ngoái, khi các đợt dịch Covid-19 đầu tiên bùng phát tại Việt Nam và trên thế giới, những giải pháp liên quan đến hỗ trợ lãi suất ngân hàng, điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng, điều chỉnh giá một số yếu tố đầu vào đã được đưa ra.

Tuy nhiên, năm ngoái, việc thực thi các đề xuất này chậm, thiếu dứt khoát, thiếu đồng bộ, khiến tỷ lệ doanh nghiệp thực sự nhận được hỗ trợ không nhiều.

Đánh giá lại, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân phần nhiều là bởi còn những băn khoăn trong việc xác định ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19.

Nhưng lần này, khi đợt dịch thứ tư bùng phát trên diện rộng, đối tượng chịu tác động đã khá rõ ràng.

Đó là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu, vận tải, logistics, khi tâm dịch rơi vào các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, TP.HCM; là các doanh nghiệp trong ngành thương mại, bán buôn, bán lẻ, du lịch, nghỉ dưỡng… khi Hà Nội, TP.HCM trở thành điểm nóng, khi nguồn cung khách hàng nội địa cho các trung tâm du lịch bị đứt gãy…

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là lúc các giải pháp mạnh cần được cân nhắc vì có thể thực hiện được nguyên tắc trọng tâm, trọng điểm, không đại trà.

Ví dụ, có thể xem xét gói cho vay hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các nhóm chịu tác động lớn nhất bởi Covid-19. Mức lãi suất cho vay có thể giảm xuống bằng khoảng 50% lãi suất thị trường và chắc chắn phải dùng nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện cấp bù lãi suất, với quy mô 50.000 - 60.000 tỷ đồng, thời gian cho vay khoảng một năm.

Đề xuất giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng có thể xem xét đối với một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm, với mức giảm 2 - 3%, hàng hóa thiết yếu có thể giảm ở mức 1 - 2% nhằm mục đích kích cầu tiêu dùng.

Việc giảm tiền điện cũng cần xem xét rộng hơn, kéo dài hơn cho khu vực khách hàng là cơ sở lưu trú. Quỹ an sinh xã hội cũng cần được mở rộng tới các đối tượng là người lao động tự do, các hộ gia đình. Các hỗ trợ về cắt giảm chi phí cần được tiếp tục theo hướng mạnh mẽ hơn, để tạo dòng tiền cho doanh nghiệp…

Tất nhiên, khi các chính sách hỗ trợ được thực hiện mạnh mẽ hơn, dành cho một số đối tượng đặc biệt hơn, thì có thể sẽ xuất hiện những vướng mắc do các quy định, quy trình, thủ tục hành chính hiện hành... chưa bao phủ hết, hoặc không còn phù hợp.

Năm ngoái, sự chậm trễ trong việc triển khai các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng có nguyên nhân này. Thậm chí, lo ngại vì có thể làm sai, không đúng đối tượng… cũng khiến nhiều đơn vị thực thi không dám quyết định.

Chia sẻ về việc này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, trong thực thi chính sách, nhất là trong bối cảnh vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế như hiện nay, có thể cần chấp nhận tỷ lệ sai sót vô tình ở mức hợp lý. Cùng với đó, việc tăng ứng dụng công nghệ thông tin trong xác định đối tượng cũng như cách thức thụ hưởng chính sách sẽ là giải pháp giảm thiểu rủi ro.

Điều đáng nói là, khi các quyết sách dựa trên nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp, dựa trên đòi hỏi của nền kinh tế đang trong nỗ lực vượt qua khó khăn, thì mọi sai số sẽ được giảm thiểu.

Lúc này, không có lý do gì biện minh cho những quyết sách chậm trễ.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục