Ông có thể cho biết, hệ thống ngành kinh tế HaSIC có ý nghĩa như thế nào đối với HNX và các thành viên thị trường?
Trước tiên, việc áp dụng hệ thống ngành kinh tế HaSIC tạo cơ sở để nghiên cứu và xác định phương hướng tổ chức của từng ngành, quan hệ tỷ lệ phát triển giữa các ngành, các công ty niêm yết/đăng ký giao dịch và của cả nền kinh tế. Qua đó, HNX có thể đề xuất những phương pháp, chính sách quản lý và phát triển thị trường chuyên biệt cho từng ngành kinh tế trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc ra đời hệ thống ngành kinh tế HaSIC sẽ tạo tiền đề cho HNX phát triển các sản phẩm và công cụ đầu tư cao cấp cho thị trường như: chỉ số ngành, các sản phẩm chứng khoán phái sinh…
Chúng tôi kỳ vọng, hệ thống HaSIC sẽ được thị trường đón nhận, áp dụng như một hệ thống phân ngành kinh tế phổ biến, hữu ích trên thị trường tài chính Việt Nam. Kết quả phân ngành của hệ thống ngành kinh tế HaSIC sẽ là một kênh thông tin tham khảo tốt cho NĐT và các thành viên. Đây sẽ là cơ sở để họ so sánh, tham khảo, đánh giá, từ đó có những phân tích đa chiều về từng DN niêm yết khi so sánh các DN trong cùng một ngành với nhau, so sánh giữa các DN chưa niêm yết/đăng ký giao dịch hay so sánh về tiềm năng của từng ngành kinh tế.
Với tiêu chí phân ngành dựa trên doanh thu, HNX sẽ làm thế nào trong trường hợp tên DN ở một ngành, song doanh thu chính lại ở ngành khác?
Chúng tôi cho rằng, việc DN có doanh thu chính ở ngành khác với tên của DN là hết sức bình thường, bởi môi trường kinh doanh liên tục thay đổi; để thích ứng, DN cần phải liên tục điều chỉnh hoạt động kinh doanh hay mở rộng, phát triển hoạt động sang các ngành khác.
Vì vậy, tiêu chí phân ngành chính của hệ thống ngành kinh tế HaSIC không căn cứ theo tên DN, mà theo doanh thu chính như đã công bố. Doanh thu chính của DN được chúng tôi xác định trên cơ sở doanh thu trong 3 năm của từng hoạt động sản xuất - kinh doanh, căn cứ trên các dữ liệu như: phiếu khảo sát thông tin DN, báo cáo tài chính, bản cáo bạch, báo cáo thường niên...
Việc kết quả phân ngành có sự khác biệt với tên DN hoặc quan niệm chung của NĐT có thể là một cơ hội cho chính bản thân DN khi xem xét lại chiến lược phát triển của mình, cũng như là thông tin tham khảo cho NĐT.
Ví dụ, đối với trường hợp của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX), doanh thu trong 3 năm gần đây của PVX từ hoạt động xây lắp chiếm trên 86%. Tuy nhiên, các hoạt động xây lắp này là ở các công trình chuyên ngành, hỗ trợ việc khai khoáng dầu khí như nhà máy lọc dầu, giàn khoan, đường ống dẫn dầu. Theo hệ thống ngành kinh tế HaSIC, thì xây lắp chuyên ngành dầu khí thuộc nhóm ngành cấp II là dịch vụ hỗ trợ khai khoáng và dầu khí và cấp I là ngành khai khoáng và dầu khí.
Về trường hợp của CTCP Vải sợi may mặc miền Bắc (TET), trong 3 năm gần đây, doanh thu từ dịch vụ kho bãi chiếm trên 55% tổng doanh thu và giá trị sản xuất bình quân từ hoạt động này chiếm trên 94%. Theo hệ thống ngành kinh tế HaSIC, dựa trên doanh thu, TET được phân vào ngành kho bãi và lưu trữ hàng hóa (nhóm ngành cấp III), trong đó ngành cấp I là vận tải kho bãi.
Trường hợp của CTCP Cáp treo và núi bà Tây Ninh (TCT), trên 90% doanh thu của Công ty trong 3 năm qua đến từ hoạt động dịch vụ vận chuyển, trong đó chủ yếu là vận chuyển cáp treo. Theo định nghĩa ngành kinh tế HaSIC phát triển dựa trên hệ thống ngành kinh tế ISIC phiên bản chỉnh sửa lần 4, thì hoạt động dịch vụ vận chuyển cáp treo thuộc ngành vận tải hành khách đường bộ khác, trong đó ngành cấp I là vận tải kho bãi.
Trên thị trường hiện tại, các thành viên đang sử dụng các chuẩn phân ngành phổ biến trên thế giới như: ICB, GICS… Vậy tại sao HNX lại tự xây dựng hệ thống ngành kinh tế HaSIC?
Việc phân ngành các DN đã được HNX chú ý và bắt đầu nghiên cứu rất sớm; đến năm 2011, HNX chính thức bắt tay vào xây dựng hệ thống HaSIC. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã tham khảo các hệ thống phân ngành phổ biến trên thế giới như: ICB, GICS, TRBC… Do các chuẩn này được xây dựng cho các nước công nghiệp phát triển, nên việc áp dụng vào những nước đang phát triển như Việt Nam tỏ ra không phù hợp, trong khi phí bản quyền để sử dụng các hệ thống này là khá cao.
Ngoài ra, sau khi tham khảo kinh nghiệm phân ngành của một số nước, chúng tôi thấy nhiều quốc gia đã tự phát triển các hệ thống phân ngành của riêng mình. Ví dụ, Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống ngành kinh tế KSIC, được chỉnh sửa từ ISIC cho phù hợp hơn với điều kiện thị trường nước này.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc tham khảo ứng dụng hệ thống VSIC 2007 để phân ngành cho DN niêm yết, các khuyến nghị từ ISIC Rev.4 và căn cứ trên điều kiện thị trường niêm yết hiện tại, cũng như xu hướng niêm yết trong tương lai, HNX đã triển khai xây dựng và đưa hệ thống ngành kinh tế HaSIC vào sử dụng.
Vậy hệ thống ngành kinh tế HaSIC có những ưu điểm gì so với các hệ thống khác?
Xuất phát từ mục đích của HNX là tạo ra một hệ thống phân ngành gọn nhẹ, mang tính khái quát cao, phản ánh đúng tình hình thị trường cũng như bản chất DN niêm yết trên HNX, chúng tôi đã xây dựng hệ thống HaSIC với 3 cấp ngành, bao gồm 11 ngành cấp I, 39 ngành cấp II và 193 ngành cấp III, ít hơn nhiều so với các hệ thống như ISIC Rev.4 và VSIC 2007. Điều này giúp cho hệ thống trở nên phù hợp hơn với đặc thù của các DN niêm yết/đăng ký giao dịch tại HNX, tạo điều kiện thuận lợi cho các NĐT trong việc phân tích và theo dõi hoạt động của thị trường.
Bên cạnh đó, do được xây dựng dựa trên căn cứ từ thực tiễn thị trường, nên mật độ phân bố DN theo HaSIC là tương đối đồng đều, tránh được trường hợp số lượng DN tập trung quá lớn trong một ngành so với việc áp dụng theo các chuẩn như ICB, GICS. Điều này giúp cho HNX thuận lợi hơn trong việc nghiên cứu ngành, thống kê phục vụ công tác quản lý niêm yết, báo cáo...
Ngoài ra, hệ thống HaSIC đảm bảo tính duy nhất, không bị trùng lặp với cách đánh số mã ngành của các hệ thống phân ngành nổi tiếng khác trên thế giới như ICB, GICS, TRBC, NAICS, cũng như phù hợp với đặc thù của TTCK Việt Nam.