Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã duy trì đà tăng trong tuần thứ 3 liên tiếp với những "con sóng" lớn như VIC-VHM hay các mã vừa và nhỏ. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

* BSC khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu GEX

Chúng tôi khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu GEX với giá mục tiêu 36.200 đồng/CP, tương đương upside 4% (theo giá tham chiếu ngày 22/05/2025), với phương pháp định giá từng phần. Hiện tại cổ phiếu GEX đang giao dịch ở mức PE FW 2025 là 26.5x, cao hơn 17% so với mức trung vị 5 năm (22.4x).

Trong bối cảnh chung không có nhóm cổ phiếu nào nổi dậy, thị trường tuần qua đã đón những “con sóng” nhỏ lẻ, trong đó, cặp đôi GEX – GEE là một trong những điểm sáng khi cùng nhau xác lập mức giá cao kỷ lục. Trong đó, cổ phiếu GEX đã đón nhận 3 phiên tăng, với phiên 21.5 tăng kịch trần, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá. Tính chung tuần qua, giá cổ phiếu GEX tăng 4.350 đồng (+14,82%) từ mức 29.350 đồng/CP lên 33.700 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị trung lập và BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VNM

VCBS khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu VNM với giá mục tiêu 60.000 đồng/cp, tương đương với P/E mục tiêu đạt 14,5x dựa trên triển vọng hồi phục của thị trường sữa nội địa trong 9 tháng cuối năm, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, nhưng biên lợi nhuận của VNM có thể thu hẹp nhẹ.

Mặc dù điều chỉnh giảm dự phóng kết quả kinh doanh và giá mục tiêu so với giá mục tiêu gần nhất (75.700 đồng/cp), song BVSC duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với VNM, giá kỳ vọng là 70.600 đồng/cp. Ở mức giá hiện tại, VNM đem lại mức tỷ suất cổ tức tiền mặt 7,0%/năm.

Cổ phiếu VNM tiếp tục lùi nhẹ và biến động lình xình quanh vùng giá 55.x. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng và 4 phiên giảm đều trong biên độ hẹp, tổng cộng giá cổ phiếu VNM giảm 900 đồng (-1,6%) từ mức 56.200 đồng/CP xuống 55.300 đồng/CP.

* KBSV và VCBS cùng khuyến nghị mua CTG, SSI khuyến nghị khả quan VPB và STB, BSC khuyến nghị nắm giữ TCB

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTG, giá mục tiêu cho năm 2025 là 45.800 đồng/CP.

Bên cạnh đó, VCBS ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2025 của CTG đạt 36.982 tỷ đồng (tăng 16,4% so với năm trước), tương đương EPS đạt 5.484 đồng/cổ phiếu và BVPS đạt 32.963 đồng/cổ phiếu. Theo đó, VCBS duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTG và nâng mức giá mục tiêu lên 47.394 đồng/cổ phiếu.

SSI duy trì dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2025 ở mức 23,8 nghìn tỷ đồng, với giá mục tiêu 21.000 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VPB.

Đồng thời, duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB – sàn HOSE), với giá mục tiêu 1 năm là 47.600 đồng/cổ phiếu (tăng từ mức 41.900 đồng).

Trong khi đó, BSC khuyến nghị nắm giữ với cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB – sàn HOSE) theo giá mục tiêu cập nhật là 33.100 đồng/cp (upside 7% so với giá đóng cửa 20/05/2025) sau khi giá cổ phiếu đã tăng gần 13% kể từ báo cáo cập nhật gần nhất so với hiệu suất 0,2% của VN-Index. Giá mục tiêu được điều chỉnh tăng khoảng 5% chủ yếu đến từ yếu tố kĩ thuật bao gồm cập nhật thời điểm định giá và beta điều chỉnh.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau tuần khởi sắc, hầu hết đều chuyển qua trạng thái phân hóa và điều chỉnh giảm. Trong đó, cổ phiếu CTG đã biến động giằng co quanh mức giá 39.x khi đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm nhẹ. Tính chung tuần qua, giá cổ phiếu CTG giảm nhẹ 200 đồng (-0,51%) từ mức 39.000 đồng/CP xuống 38.800 đồng/CP.

Tương tự, sau tuần nổi sóng trước đó, cổ phiếu VPB cũng chuyển qua diễn biến rung lắc nhẹ. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu VPB tăng nhẹ 50 đồng (+0,28%) từ mức 18.050 đồng/CP lên 18.100 đồng/CP.

Trái lại, nếu trong tuần trước có giằng co và điều chỉnh nhẹ, thì ở tuần giao dịch này, cổ phiếu STB đã khởi sắc với phiên nổi sóng ngày 21/5. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu STB tăng 2.000 đồng (+5,03%) từ mức 39.800 đồng/CP lên 41.800 đồng/CP.

Cổ phiếu TCB tiếp tục duy trì đà tăng, dù biên độ không như tuần trước đó, bởi những phiên điều chỉnh nhẹ cuối tuần do áp lực bán chốt lời gia tăng. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu TCB tăng 700 đồng (+2,38%) từ mức 29.450 đồng/CP lên 30.150 đồng/CP.

* TPS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu POW

Chúng tôi đưa ra giá mục tiêu của POW là 16.079 đồng/CP. Ngoài ra, cổ phiếu POW cũng hấp dẫn cho năm 2025 nhờ tiềm năng tăng trưởng với Nhơn Trạch 3&4 và nhu cầu điện tăng mạnh năm nay; cổ phiếu trong rổ VN30 với thanh khoản cao nên dễ hưởng lợi từ làn sóng nâng hạng thị trường; mức upside khá hấp dẫn. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu POW.

Với kết quả kinh doanh quý I/2025 khả quan khi doanh thu tăng trưởng hơn 30%, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng trưởng tới hơn 118%, cổ phiếu POW đã có tuần giao dịch sôi động và khởi sắc. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu POW tăng 450 đồng (+3,5%) từ mức 12.900 đồng/CP lên 13.350 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu IDC

Ngắn hạn, triển vọng lợi nhuận dự báo đi giảm do nền cao của 2024, cũng như những bất định trong các vấn đề thuế quan trong 2025 sẽ chưa hỗ trợ cho giá cổ phiếu IDC. Về dài hạn, IDC là một doanh nghiệp với (i) dòng tiền từ hoạt động kinh doanh lớn; (ii) tình hình tài chính lành mạnh; và (iii) Ban lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm đã đưa công ty vượt qua rất nhiều giai đoạn khó khăn.

Với giá mục tiêu theo các phương pháp, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với IDC tại mức giá là 50.510 đồng/CP, tương đương +23,2% upside so với giá đóng cửa ngày 19/05/2025.

Trái với nhận định của BVSC, cổ phiếu IDC có tuần giao dịch không mấy khả quan. Cụ thể, với 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu IDC giảm 2.600 đồng (-6,19%) từ mức 42.000 đồng/CP xuống 39.400 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VHM và VRE

BSC duy trì khuyến nghị từ mua đối với cổ phiếu của Vinhome (VHM – sàn HOSE) mặc dù cổ phiếu ghi nhận hiệu suất đầu tư tốt tăng 30,8% kể từ thời điểm phát hành Báo cáo gần nhất ngày 12/03/2025. Chúng tôi nâng 40% giá mục tiêu lên 81.300 đồng/CP sau khi điều chỉnh hạ mức chiết khấu vào định giá từ 45% còn 10% do (1) tiến độ mở bán tại Cổ Loa, triển khai Cần Giờ tốt hơn kỳ vọng và (2) thêm mới 3 dự án vào định giá bao gồm Vinhomes Làng Vân, Vinhomes Quang Hanh và Vinhomes Mỹ Lâm.

BSC duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE – sàn HOSE) khi nhận thấy giá cổ phiếu tiếp tục duy trì ở mức định giá hấp dẫn và nâng +14% giá mục tiêu lên 31.500 đồng/CP (upside +30%) so với báo cáo trước đó do triển vọng mở rộng diện tích sàn tích cực nhờ tiến độ triển khai dự án của VHM được đẩy nhanh.

Cổ phiếu Vin là cái tên được nhắc nhiều nhất trong tuần qua khi là động lực chính giúp VN-Index tiệm cận vùng đỉnh của năm 2025. Đặc biệt là cặp đôi VIC và VHM đều xác lập mức giá cao nhất trong gần 3 năm. Trong đó, với 4 phiên tăng liên tiếp, trong đó có 2 phiên tăng kịch trần và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu VHM tăng 10.800 đồng (+18,62%) từ mức 58.000 đồng/CP lên 68.800 đồng/CP.

Trong khi đó, cổ phiếu VRE tăng tốc “chậm hơn”. Tính chung tuần qua, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, giá cổ phiếu VRE tăng 1.150 đồng (+4,7%) từ mức 24.500 đồng/CP lên 25.650 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HDG

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG – sàn HOSE) với giá mục tiêu 31.400 đồng/CP, tương đương upside 28% (theo giá tham chiếu ngày 19/05/2025) dựa trên phương pháp định giá từng phần. Hiện tại cổ phiếu HDG đang giao dịch ở mức PE FW 2025 là 9.9x, chiết khấu 13% so với mức trung vị 5 năm (11.4x).

Thông tin hai cha con Chủ tịch sáng lập muốn mua 7,2 triệu cổ phiếu càng khiến HDG “nóng hơn” trong các phiên giao dịch gần đây. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu HDG tăng 1.700 đồng (+6,9%) từ mức 24.650 đồng/CP lên 26.350 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DXG

Năm 2025 đánh dấu bước chuyển biến mới của doanh nghiệp khi đã chính thức mở bán dự án The Prive, cho thấy năng lực triển khai dự án của DXG đã có sự cải thiện đáng kể. Hiện tại, doanh nghiệp đang giao dịch tại mức P/B tương đối hấp dẫn. Vì vậy, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu DXG với mức giá mục tiêu 20.083 đồng/CP.

Mới đây, HĐQT Đất Xanh vừa thông qua phương án dự kiến phát hành hơn 148 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:17, qua đó tăng vốn điều lệ lên hơn 10.206 tỷ đồng. Diễn biến cổ phiếu DXG trong tuần qua cũng trở nên sôi động hơn cùng xu hướng thị trường chung và giá cũng có chút khởi sắc. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu DXG tăng nhẹ 200 đồng (+1,2%) từ mức 16.550 đồng/CP lên 16.750 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu MSN

Chúng tôi duy trì khuyến nghị OUTPERFORM dựa trên những yếu tố cơ bản cốt lõi đang được cải thiện, định giá hấp dẫn và các yếu tố khách quan bên ngoài khác giúp thị trường có góc nhìn khác hơn về định giá của MSN.

Cổ phiếu MSN tiếp tục duy trì xu hướng tăng trong biên độ hẹp. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu MSN tăng nhẹ 700 đồng (+1,12%) từ mức 62.500 đồng/CP lên 63.200 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HPG

BSC cho rằng, sản lượng xuất khẩu có thể đã tạo đáy trong nửa đầu năm 2025; biên lợi nhuận gộp ở mức 14,4%, hỗ trợ bởi biên lợi nhuận gộp mảng nông nghiệp cao. BSC duy trì quan điểm biên lợi gộp tiếp tục cải thiện trong thời gian tới nhờ giá HRC tăng và sản lượng phục hồi. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua mạnh dành cho cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 35.800 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu thép nhìn chung có tuần giao dịch không mấy thành công, trong đó mã đầu ngành HPG không nằm ngoài xu hướng này. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu HPG giảm nhẹ 200 đồng (-0,78%) từ mức 25.800 đồng/CP xuống 25.600 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VCG

VCG có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến từ việc chuyển nhượng dự án Cát Bà Amatina trong 2025. Cùng với đó, theo chia sẻ của Ban lãnh đạo, Vinaconex Diamond Tower và Khu đô thị Đại lộ Hòa Bình dự kiến sẽ đóng góp 200/500 tỷ đồng lợi nhuận cho VCG trong kỳ. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VCG với giá mục tiêu 25.000 đồng/CP.

Trong tuần sau, ngày 28/5, Vinaconex sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 8% và cổ phiếu VCG đã có phiên giao dịch ngày 21/5 vừa qua bùng nổ khi xác lập mức giá trần cùng thanh khoản đột biến tới hơn 32,5 triệu đơn vị. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu VCG tăng 1.200 đồng (+5,5%) từ mức 21.850 đồng/CP lên 23.050 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PHR

Khuyến nghị khả quan PHR với giá mục tiêu là 55.400 đồng/cổ phiếu. Giá mục tiêu giảm 9% so với báo cáo trước do giảm định giá mảng KCN. Sau đợt giảm giá vừa qua, giá cổ phiếu PHR đã về vùng giá hấp dẫn với tiềm năng tăng giá 24.3% bao gồm cả tỷ suất cổ tức.

Cổ phiếu PHR đã có những phiên giao dịch không như kỳ vọng. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng nhẹ và 4 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu PHR giảm 1.000 đồng (-2,16%) từ mức 46.300 đồng/CP xuống 45.300 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu CTR

Khuyến nghị khả quan CTR với giá mục tiêu 119.900 đồng/CP. Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu 22% so với báo cáo trước chủ yếu do điều chỉnh EPS 2025/26/27 lần lượt 12%/19%/23% do quan điểm thận trọng hơn về triển vọng tăng trưởng các mảng như vận hành và xây lắp. Đợt giảm giá theo thị trường gần đây đã đưa giá cổ phiếu về vùng hấp dẫn để tích lũy trong khi CTR vẫn là đại diện nổi bật trong xu thế đầu tư doanh nghiệp nền kinh tế mới cùng tăng trưởng lợi nhuận bền vững với sức khỏe tài chính tốt.

Dù kết quả kinh doanh tháng 4/2025 khả quan với doanh thu đạt 1.070,5 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 55,8 tỷ đồng, đều tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ, nhưng diễn biến cổ phiếu CTR không mấy tích cực khi chịu áp lực bán chốt lời khá mạnh trong tuần qua, sau những phiên tăng mạnh ở tuần trước. Cụ thể, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu CTR giảm 7.000 đồng (-7,14%) từ mức 98.000 đồng/CP xuống 91.000 đồng/CP.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục