Hiểu và sử dụng đúng công cụ pháp lý trong kinh doanh

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp chủ động tìm đến luật sư để xin ý kiến tư vấn cho thấy vai trò của luật sư hay các bộ phận pháp lý ngày càng quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tìm đến luật sư chủ yếu để được “chữa bệnh”, chứ chưa chú trọng công tác “phòng bệnh”.
Hiểu và sử dụng đúng công cụ pháp lý trong kinh doanh

Tại các nước phát triển, khi gặp các vấn đề trong hoạt động kinh doanh thì đại diện doanh nghiệp thường nói: “Tôi hỏi luật sư của tôi đã”, “Bộ phận pháp lý bên tôi sẽ xem xét”. Thực tế này cho thấy, quan hệ giữa doanh nghiệp với luật sư gắn bó rất chặt chẽ.

Ở Việt Nam, trong giai đoạn trước, các câu nói liên quan đến “luật sư”, “bộ phận pháp lý” ít khi xuất hiện trong hoạt động kinh doanh, mà chỉ đến khi doanh nghiệp đối diện với việc phải giải quyết tranh chấp tại toà án, trọng tài thì doanh nghiệp mới nghĩ đến việc mời luật sư bảo vệ quyền lợi.

Các doanh nghiệp chưa chú trọng đến luật sư chủ yếu vì chi phí cho luật sư không nhỏ. Luật sư giàu kinh nghiệm có giá tư vấn theo giờ trung bình khoảng từ 400 - 500 USD/giờ.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, nên hạn chế sử dụng dịch vụ pháp lý.

Mặt khác, chất lượng tư vấn luật của nhiều luật sư chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Cụ thể hơn, luật sư chưa hiểu doanh nghiệp, không xác định được chính xác doanh nghiệp cần gì nên ý kiến tư vấn không thoả mãn được mong muốn của doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp không hiểu luật sư nên đưa ra các yêu cầu vượt quá khả năng và trách nhiệm của luật sư, dẫn đến việc luật sư không thể đưa ra ý kiến tư vấn, hoặc đưa ra ý kiến tư vấn không đúng với yêu cầu, mong đợi của doanh nghiệp.

Trong giai đoạn hiện nay, quan hệ giữa doanh nghiệp và luật sư đã được cải thiện rất nhiều. Cụ thể, các doanh nghiệp đã chủ động tìm đến với luật sư để xin ý kiến tư vấn về các vấn đề phát sinh trong hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp chỉ tìm đến luật sư để xin ý kiến tư vấn hoặc giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động sản xuất - kinh doanh về thực chất mới chỉ là “chữa bệnh”, mà không phải là “phòng bệnh”; việc “chữa bệnh” khi vấn đề đã xảy ra có thể dẫn đến tình trạng “bệnh” chỉ chữa được một phần hoặc không chữa được gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp tìm đến luật sư để xin ý kiến tư vấn nhằm mục đích “phòng bệnh” - tư vấn để doanh nghiệp hoạt động đúng quy định của pháp luật - thì sẽ dễ dàng hơn trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh và hạn chế tối đa các thiệt hại có thể xảy ra cho doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp tìm đến luật sư để xin ý kiến tư vấn về mọi hoạt động kinh doanh để đảm bảo mục tiêu “phòng bệnh” thì vấn đề chi phí sẽ được đặt ra đối với doanh nghiệp vì chi phí của luật sư tương đối cao.

Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp sẽ phải: có bộ phận pháp lý riêng để đưa ra các ý kiến pháp lý về các hoạt động thường ngày của doanh nghiệp nhằm mục đích đảm bảo hoạt động đúng quy định của pháp luật; thuê luật sư để tư vấn và hoàn thiện bộ máy tổ chức, quy trình hoạt động chung của doanh nghiệp; khi có vấn đề phát sinh thì thuê luật sư để giải quyết theo vụ việc.

Thành lập bộ phận pháp lý có nhược điểm là nếu các nhân viên trong bộ phận này là các luật sư có kinh nghiệm thì chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả cũng sẽ rất lớn; nếu các nhân viên trong bộ phận pháp lý chỉ là những luật sư chưa có nhiều kinh nghiệm - để giảm chi phí - thì có khả năng các ý kiến tư vấn đối với các hoạt động thường ngày không chính xác, phù hợp.

Do vậy, các doanh nhân, người lãnh đạo doanh nghiệp sẽ cần có kiến thức cơ bản về pháp luật để xác định được các ý kiến tư vấn của bộ phận pháp lý (kể cả luật sư) có chính xác, phù hợp quy định của pháp luật không để đưa ra quyết định cuối cùng.

Trước đây, nhìn về đội ngũ doanh nhân, có không ít quan niệm xưa cũ về nghề kinh doanh như "buôn gian, bán lận", hoặc doanh nghiệp thường có xu thế tối đa hóa lợi nhuận, co kéo quyền lợi người lao động...

Nhưng trong thời đại hiện nay, tình trạng này đã giảm thiểu vì quy định của pháp luật ngày càng được hoàn thiện, chặt chẽ hơn; kiến thức pháp luật của người lao động và/hoặc các đối tác được nâng cao.

Theo đó, cách quản trị tại phần lớn các doanh nghiệp hiện nay đều tuân thủ các quy định của pháp luật (không buôn gian, bán lận; không trốn tránh các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; đảm bảo quyền lợi của người lao động...); cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp gọn gàng và hoạt động có hiệu quả; giảm thiểu các chi phí phát sinh bằng việc xây dựng và hoàn thiện các quy trình, quy chế hoạt động của đơn vị.

Từ những kinh nghiệm đã trải qua, người viết cho rằng, các doanh nhân, doanh nghiệp cần lưu tâm một số vấn đề sau trong hoạt động kinh doanh: hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không thể tách rời với các ý kiến tư vấn pháp lý;

Doanh nhân, người lãnh đạo doanh nghiệp cần nắm được các kiến thức cơ bản của pháp luật; xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định nội bộ của đơn vị phù hợp với quy định của pháp luật và hoạt động của doanh nghiệp;

Có bộ phận pháp lý của đơn vị để đưa ra các ý kiến tư vấn đối với hoạt động hàng ngày của đơn vị và cập nhật các quy định của pháp luật mới được ban hành; thuê các luật sư có kinh nghiệm khi có vấn đề phát sinh.

Luật sư Hoàng Trọng Điểm - Đoàn Luật sư Hà Nội

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục