Đó là đánh giá của TS. Alan T.Pham, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital khi trao đổi với Đầu tư Chứng khoán.
Ngay sau khi ông Donald Trump trúng cử, TTCK Mỹ đã phản ứng bằng diễn biến giảm điểm, nhưng gần đây bất ngờ tăng mạnh, thậm chí chỉ số Dow Jones mới đây vượt qua mốc 19.000 điểm, cao nhất từ trước đến nay. Ông có cho rằng, diễn biến này là chỉ báo TTCK Mỹ sẽ có biến động trong biên độ lớn?
Hãy còn sớm để dự báo tới đây TTCK Mỹ sẽ biến động trong biên độ rộng hay hẹp. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là trong các bài phát biểu gần đây của ông Donald Trump, người ta thấy ông ta ít đề cập đến những vấn đề gây sốc như ông hay nói trong thời gian tranh cử, nhất là quan điểm cứng rắn về vấn đề người nhập cư. Thay vào đó, ông đang nói nhiều hơn đến các vấn đề phục hồi tăng trưởng kinh tế Mỹ bằng các giải pháp giảm thuế, đầu tư 1.000 tỷ USD cho phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng.
TS. Alan T.Pham
Riêng với giải pháp giảm thuế, ông ta dự định sẽ giảm từ mức thuế suất 30% hiện tại xuống 15% đối với các dòng vốn mà các nhà đầu tư Mỹ đang nắm giữ và đầu tư ở nước ngoài khi rút về đầu tư tại Mỹ.
Động thái này cộng với nếu tới đây Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất, sẽ hút một lượng vốn đáng kể từ các thị trường, nhất là các thị trường mới nổi chảy về Mỹ để hưởng lãi suất cao. Chính những định hướng rõ ràng về đường hướng thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế này, nên TTCK Mỹ đang có những phản ứng tích cực.
Kỳ vọng là vậy, nhưng theo ông, tính hiện thực của kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của ông Donald Trump đến đâu?
Các định hướng mà ông Donald Trump đưa ra mang tính dài hạn, chứ không phải diễn ra trong 1-2 năm. Do đó, hãy còn sớm để đánh giá tính khả thi cao hay thấp của kế hoạch phục hồi tăng trưởng nền kinh tế của ông Donald Trump.
Tuy nhiên, có một điều gần như chắc chắn là ông ấy sẽ thực hiện các bước cải cách sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, chứ không riêng gì nền kinh tế. Do đó, TTCK, giới đầu tư Mỹ đang kỳ vọng những bước đổi mới này sẽ mang lại sinh khí mới cho nền kinh tế Mỹ sau thời gian dài khá trầm.
Ông Donald Trump thể hiện rõ ý định Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định TPP. Nếu điều này xảy ra, theo ông, sẽ có tác động ra sao tới Việt Nam?
Hãy chờ cho đến khi ông Donald Trump đưa ra quyết định cuối cùng. Trong trường hợp Mỹ không rút khỏi TPP thì cái lợi lớn cho Việt Nam là nhiều mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ sẽ được hưởng thuế suất bằng 0. Một hiệu ứng tích cực nữa là sẽ kích thích các dòng vốn đầu tư tìm đến Việt Nam để hưởng lợi từ một thành viên trong TPP.
Tham gia TPP còn thúc đẩy Việt Nam thực hiện các bước cải cách để mở cửa hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ rút khỏi và không thúc đẩy triển khai TPP thì ảnh hưởng đến Việt Nam cũng ở mức độ vừa phải, nếu không muốn nói là vẫn có những tác động tích cực.
Mỹ hiện là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, do đó, một khi chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế Mỹ của ông Donald Trump được triển khai hiệu quả, sẽ gia tăng sức mua trong dân, nhất là các mặt hàng tiêu dùng. Điều này mở ra triển vọng cho Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng quần áo, thủy sản… vào thị trường Mỹ.
Từ những phân tích trên, ông dự cảm thế nào về sức tác động từ “hiệu ứng” Donald Trump tới TTCK Việt Nam?
Một khi tham vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế Mỹ của ông Donald Trump dần phát đi những tín hiệu mang tính hiện thực trong thời gian tới, theo tôi, điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho TTCK Mỹ, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa tốt ra TTCK toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Nếu TPP không được thúc đẩy triển khai, như tôi đã phân tích ở trên, sẽ không tác động nhiều đến nền kinh tế cũng như TTCK Việt Nam, bởi không chờ sức ép từ TPP, thực tế Việt Nam đang thể hiện những bước cải cách mạnh mẽ trong tái cơ cấu nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển…
Một khi nội tại của nền kinh tế, cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mạnh lên, sẽ làm giảm các tác động bất lợi từ bên ngoài, qua đó hỗ trợ TTCK phát triển tích cực trong thời gian tới.