Các văn kiện Đại hội vừa được các đại biểu tham dự Đại hội XIII thảo luận kỹ lưỡng tại đoàn, tại Hội trường. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu, đề xuất chính sách thực hiện nghị quyết của Đảng, vậy quá trình này giúp gì cho giai đoạn thực thi về sau, thưa ông?
Lắng nghe ý kiến thảo luận các văn kiện của Đại hội đã mở ra cho chúng tôi những hiểu biết rõ hơn các nội hàm về các lĩnh vực khác nhau, điều rất cần khi triển khai các nghị quyết của Đảng, từ giai đoạn tuyên truyền, quán triệt đến xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động.
Đặc biệt, trong công tác xây dựng chương trình hành động, phải hiểu rõ nội hàm của từng nội dung trong văn kiện mới cụ thể hóa, chi tiết hóa các nội dung vốn được thể hiện súc tích, cô đọng; nếu không, việc triển khai trong thực tế sẽ rất khó khăn.
Sau khi Nghị quyết của Đại hội được thông qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các cơ quan của Chính phủ sẽ thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng chương trình hành động. Khi đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tham khảo, nghiên cứu các ý kiến góp ý để xây dựng chương trình hành động khả thi, hiệu quả.
Ví dụ, việc triển khai 3 đột phá chiến lược giai đoạn tới sẽ có nhiều điểm khác so với giai đoạn trước, vì đây là nội dung có nhiều nội hàm mới. Nhưng việc thực hiện mới mẻ sẽ đi cùng khó khăn, sẽ có nhiều bài toán phải đặt ra để giải.
Ví dụ, trong đột phá về hạ tầng...
Bên cạnh phân biệt rõ hạ tầng cứng (đường sá, cầu cống...) và hạ tầng mềm (thông tin, viễn thông...), đột phá về hạ tầng trong giai đoạn tới sẽ ưu tiên phát triển một số công trình hạ tầng lớn, làm thay đổi căn bản bộ mặt và năng lực cạnh tranh của đất nước.
Khi đó, trong công tác đầu tư công, các dự án hạ tầng ưu tiên sẽ được tập trung nguồn lực thực hiện ngay từ đầu, không để tái diễn tình trạng loay hoay, mất thời gian như trong thực hiện đầu tư các dự án thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông thời gian vừa qua.
Để làm được việc này, đòi hỏi những đánh giá, phân tích dự án một cách khoa học, kỹ lưỡng ngay từ đầu, để xác định rõ nguồn vốn đầu tư. Ví dụ, với tuyến cao tốc trên thì đoạn nào theo hình thức đầu tư công, đoạn nào theo hình thức đối tác công - tư (PPP), đoạn nào sử dụng vốn ODA... Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải rà soát kỹ lưỡng nội dung này.
Tất nhiên, thách thức lớn trong công tác làm kế hoạch trong tương lai là có xây dựng kế hoạch, nhưng không cứng hóa kế hoạch của mình, mà phải linh hoạt tùy theo tình hình để đáp ứng mục tiêu cuối cùng là nhanh nhất, chất lượng nhất, hiệu quả nhất.
Những thay đổi này sẽ đòi hỏi trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ, thưa ông?
Trong các văn kiện Đại hội đang được thảo luận, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã nêu rõ vai trò người đứng đầu đầu và công tác nêu gương của cán bộ, lãnh đạo. Đây là hai nội dung cốt lõi của công tác cán bộ. Từ đó, chúng ta có thể vận dụng trong từng lĩnh vực, ở đây là đầu tư công.
Trong đầu tư công, trách nhiệm người đứng đầu không chỉ ở công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, mà còn trong tầm nhìn, chiến lược trong kế hoạch đầu tư công. Hiện tại, tâm lý “xin nhiều tiền” không còn chỗ, khi các quy định giải ngân rất chặt chẽ, đòi hỏi công tác chuẩn bị dự án tốt, để khi dự án dược phê duyệt sẽ tập trung triển khai...
Bên cạnh đó, nội dung về việc có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên trong báo cáo văn kiện sẽ thúc đẩy trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ.
Thưa ông, trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội, mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2021 - 2025 là 7%. Trong bối cảnh hiện tại, đây có phải là mục tiêu thách thức không?
Trong Báo cáo các văn kiện Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến 3 điểm mốc quan trọng, là đến năm 2025, đến năm 2030 và đến năm 2045, với mục tiêu, tầm nhìn cho từng giai đoạn.
Các mục tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng bám theo các điểm mốc, cùng với các chỉ tiêu cụ thể và giải pháp thực hiện để dần thực hiện các mục tiêu, tầm nhìn đó.
Mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2021 - 2025 là 7% thực sự khá thách thức, song nếu đạt được sẽ tạo đà cho việc thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và thực hiện tầm nhìn đến năm 2045.
Chúng tôi cũng đã phân tích tình hình, bối cảnh giai đoạn này và nhận thấy có nhiều cơ hội, đều kiện thuận lợi để có thể đặt mục tiêu cao để phấn đấu.
Tôi cũng muốn nhắc thời điểm bắt tay thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 để chia sẻ quan điểm của mình. Trong bối cảnh tăng trưởng GDP năm 2016 không đạt kế hoạch, nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 vì lo ngại không đạt chỉ tiêu là 6,7%. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đứng ra nhận trách nhiệm và đề nghị không điều chỉnh. Kết quả, tăng trưởng năm 2017 không những đạt, mà còn vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Lúc đó, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước khó hơn bây giờ nhiều mà chúng ta vượt qua được, thì bây giờ, với cơ hội và xu thế phát triển mới, không có lý do gì chúng ta lại quá khiêm tốn, đặt mục tiêu thấp cho giai doạn tới.
Quan trọng là trong giai đoạn này, Việt Nam có thể tận dụng khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo để đi nhanh, tiến kịp và đi cùng...
Đó là lý do chúng ta đặt các mục tiêu đầy thách thức cho giai đoạn 5 năm, 10 năm để phấn đấu. Phải làm được, thì mới có thể nói đến tiến kịp, đi cùng.
Ông đã nói, văn kiện là tài liệu gốc, định hướng, mở được cho giai đoạn phát triển tới. Trong công việc của mình, ông có thể chia sẻ cụ thể tính mở đường này?
Ví dụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn phát triển đột phá, mạnh mẽ hơn về khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo. Các nội dung văn kiện thể hiện rõ định hướng này sẽ thúc đẩy việc thực hiện, nếu không sẽ khó làm, thậm chí không dám làm.
Tôi đặc biệt tâm đắc quan điểm phát triển trong các văn kiện Đại hội, đó là hài hòa, kết hợp giữa kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển.
Chúng ta sẽ phải nhìn sự phát triển kinh tế - xã hội dựa trên tổng hòa các mối quan hệ, chứ không không chỉ nhăm nhăm vào mục tiêu tăng trưởng GDP.