Trong tháng 7, hiệu suất đầu tư của NTPPF là -0,9%, trong khi chỉ số VN-Index trong tháng tăng 0,5%. Tính từ đầu năm tới hết tháng 7, hiệu quả đầu tư của Quỹ là 0,5%, trong khi VN-Index tăng trưởng 10,8%.
Nếu tính trong 1 năm qua, hiệu suất đầu tư của NTPPF là -3,1%, trong khi cùng giai đoạn chỉ số VN-Index tăng 2,3%.
Hiệu quả đầu tư của quỹ NTPPF |
Chia sẻ về hoạt động của Quỹ, NTPAM cho biết, trong tháng 7/2024, Quỹ không thực hiện giải ngân mới mà đã chủ động hiện thực hóa một phần lợi nhuận tại nhóm cổ phiếu ngân hàng để giảm tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ về khoảng 91% để dành nguồn vốn cho các cơ hội giải ngân ở vùng giá thấp hơn.
Về chiến lược Quỹ vẫn duy trì tỷ trọng cao trong ngành ngân hàng do định giá hợp lý và tăng trưởng lợi nhuận vẫn đạt được kỳ vọng trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều thách thức và tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2024 vẫn chưa thực sự đột biến.
Tính tới cuối tháng 7/2024, Top 10 khoản đầu tư lớn của NTPAM vẫn bao gồm các cổ phiếu như FPT, HCM, HPG, MBB, CTD… tương tự tháng trước.
Xét theo nhóm ngành, tỷ trọng phân bổ tài sản vào nhóm ngân hàng đã giảm từ mức 20% trong tháng 6 xuống 18,4% trong tháng 7.
10 khoản đầu tư lớn nhất của NTPPF tính tới cuối tháng 7 |
Về triển vọng thị trường, NTPAM cho biết, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục củng cố xu hướng hồi phục rõ nét trong tháng 7. Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 11,2%, bảy tháng năm 2024 tăng 8,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 6,8%). Tính chung bảy tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa bảy tháng năm 2024 ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD) thể hiện nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Tính chung bảy tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 439,88 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,7%; nhập khẩu tăng 18,5%.
Tính đến ngày 20/7/2024, cả nước có 1.816 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 10.763,9 triệu USD, tăng 11,6% về số dự án và tăng 35,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm trước có 1.627 dự án và vốn đăng ký đạt 7.935,1 triệu USD). Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, là mức thực hiện cao nhất của 7 tháng trong giai đoạn 2020-2024.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,36% và lạm phát cơ bản tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global tiếp tục duy trì ở mức cao 54,7 điểm trong tháng 7, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện tháng thứ tư liên tiếp cùng với các điều kiện kinh doanh đã mạnh lên đáng kể.
Về chiến lược đầu tư trong tháng 8/2024, NTPAM cho biết sẽ tranh thủ những biến động mạnh của thị trường để giải ngân vào các cổ phiếu cơ bản tốt, kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2024 – 2025 mà chưa có trong danh mục đầu tư, đặc biệt là nhóm ngành bán lẻ hàng tiêu dùng.
“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kết hợp khai thác lợi thế của danh mục có sẵn theo chiến lược mua bán ngắn hạn để đạt được hiệu quả tối ưu”, NTPAM cho biết.