Hiểu đúng về công trình xanh

(ĐTCK) Thời gian gần đây, trào lưu xây dựng công trình “xanh” đang khá rầm rộ trên thị trường. Từ dự án bình dân đến dự án cao cấp, từ biệt thự, đất nền đến căn hộ chung cư, cứ dự án nào gắn với mác “xanh” sẽ nhận được sự quan tâm rất lớn của khách hàng. Tuy nhiên, thế nào là công trình “xanh” thì không phải ai cũng hiểu.
Hiện tại Việt Nam, có nhiều dự án đã áp dụng tiêu chuẩn xanh cho dự án của mình như HD Mon City Hiện tại Việt Nam, có nhiều dự án đã áp dụng tiêu chuẩn xanh cho dự án của mình như HD Mon City

Khái niệm về công trình xanh được biết đến lần đầu tiên tại Việt Nam sau khi Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) được thành lập năm 2007, sau đó ban hành tiêu chuẩn LOTUS vào năm 2009. Theo đó, công trình xanh được hiểu là công trình xây dựng mà trong cả vòng đời, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm xây dựng, thiết kế, thi công, sử dụng, vận hành, cho đến sửa chữa, nâng cấp, tái sử dụng đều đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, tài nguyên nước, vật liệu.

Thêm vào đó, công trình phải sản sinh ra chất thải ô nhiễm môi trường ít nhất và tạo điều kiện sống tốt nhất cho người sử dụng. Hệ thống đánh giá tiêu chuẩn xanh của công trình đang được áp dụng tại Việt Nam bao gồm EDGE, LOTUS, GREEN MARK, LEED.

Việc xóa bỏ ranh giới với môi trường tự nhiên trong các công trình xanh còn giúp nâng cao cảnh quan, tạo sự thoải mái và làm tăng chỉ số hạnh phúc cho cư dân. Môi trường sinh thái với không khí trong lành giữa những đô thị lớn sầm uất luôn là điều kiện sống lý tưởng để bảo vệ sức khỏe, tăng tuổi thọ và tạo cuộc sống bền vững. Riêng với chủ đầu tư và các nhà phát triển dự án, công trình xanh đã đáp ứng tốt nhu cầu về thương hiệu, nâng cao năng suất và nhận thức môi trường cho khách hàng, mang lại cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc hơn cho cộng đồng.

Mặc dù được nhận thức rộng rãi trên thị trường, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, đa phần các chủ đầu tư và nhà phát triển dự án ít chú trọng đến lợi ích lâu dài và tính bền vũng của công trình. Do đó, số lượng công trình xanh được chứng nhận trên toàn quốc mới chỉ dừng lại ở con số 40 công trình sau gần một thập kỷ triển khai. Đây là con số khiêm tốn so với hơn 200 công trình đã được chứng nhận tại Malaysia và gần 900 công trình xanh tại Singapore.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân khiến chúng ta chưa quan tâm đến việc xây dựng công trình xanh để tiết kiệm năng lượng.

Phát triển công trình xanh về cơ bản là vấn đề tiết kiệm tài nguyên, tạo môi trường sống tốt cho con người. Hiện nay, xu hướng trên thế giới đều tập trung vào tiết kiệm năng lượng (cả vận hành công trình và sản xuất vật liệu xây dựng), vì nhờ đó mà có thể cắt giảm lượng lớn khí thải CO2 trong thời gian dài vận hành công trình. Tuy nhiên, năng lượng là một khái niệm khó nắm bắt, cũng không có hình hài như tiết kiệm nước, vì vậy, việc thực hành tiết kiệm có nhiều khó khăn khi triển khai thực tế, không riêng gì tại Việt Nam.

Về mặt cơ chế chính sách với loại hình công trình xanh, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quy chuẩn 09, nhưng phần lớn chưa được tuân thủ, công tác thanh kiểm tra cũng hạn chế. Năng lực quản lý của các sở còn rất yếu, nhiều sở còn chưa nắm được những quy định này để cấp phép.

Ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, ngoài những trở ngại thường được nhắc tới như thiếu chính sách khuyến khích, hay quan ngại về chi phí đầu tư  bán đầu cao, việc thiếu các quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng làm nền tảng cũng cản trở phát triển công trình xanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tìm ra giải pháp xây dựng các kiến trúc xanh hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc quốc gia, phù hợp khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc thù của nước ta là một bài toán khó.

Đại diện Tổ Tư vấn tiết kiệm năng lượng IFC Worldbank Group cho biết, hiện tại, một số ít đơn vị đầu tư xây dựng như Ngân hàng Phát triển đầu tư Việt Nam (BIDV), Liên Hiệp quốc đã chọn hệ thống LEED của Mỹ làm công cụ đánh giá cho công trình của mình là trụ sở BIDV và tòa nhà One của Liên Hiệp quốc. Đây là việc làm có tính tiên phong, thể hiện sự nỗ lực của các tổ chức này, nhằm phổ biến công trình xanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, LEED là hệ thống dành cho nước Mỹ, nơi có khí hậu và điều kiện đầu tư hoàn toàn khác so với Việt Nam và quan trọng hơn là nhắm nâng cao thương hiệu, đi kèm với đảm bảo giảm chi phí vận hành công trình. Một số nghiên cứu tính toán khí hậu với công trình cho thấy, nếu không có hệ thống công cụ riêng phù hợp với Việt Nam, thì có thể sẽ xảy ra tình trạng đầu tư lãng phí vào các thành tố đóng vai trò thứ yếu trong tiết kiệm năng lượng công trình.

Chẳng hạn như đầu tư giảm hệ số dẫn nhiệt tường tới mức nhỏ hơn 1,8 W/m2.K. Việc này rất hiệu quả tại các nước ôn đới, nhưng ở Việt Nam lại làm tăng đầu tư và hiệu quả nhỏ tới mức thời gian hoàn vốn có thể kéo dài tới… 100 năm. Do đó, khoa học về tính bền vững môi trường, xã hội của công trình đóng vai trò rất lớn cả về kỹ thuật lẫn kinh tế. Đáng tiếc là nền tảng này đang bị quên lãng, nhất là trong giai đoạn bong bóng bất động sản vừa qua.

Theo ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House), một dự án “xanh” không có nghĩa chỉ là một công trình được trồng nhiều cây xanh, hay được sơn màu xanh mát mắt như trước đây người ta thường nghĩ, mà xanh ở đây bao hàm ý nghĩa sinh thái và sự thân thiện với môi trường. Từ quy trình thiết kế, xây dựng, vận hành tòa nhà đều bảo đảm hạn chế và ngăn chặn các tác hại đến môi trường tự nhiên, hướng đến việc cải thiện hiệu suất, tiết kiệm năng lượng, hiệu quả thoát nước, giảm lượng khí thải CO2.

Bất kể công trình nào dù thuộc phân khúc cao hay thấp cũng đều có thể tiếp cận với mục tiêu xanh, chỉ khác là giải pháp cho mỗi công trình sẽ khác nhau.

 “Chúng ta phải nhìn từ thực tế, một công trình xanh sẽ giúp tiết kiệm năng lượng khi vận hành và điều này thể hiện rõ nhất trên hóa đơn tiền điện của mỗi hộ gia đình trong tòa nhà”, ông Trung cho biết.      

Trái ngược hoàn toàn với lo ngại xây dựng công trình xanh rất tốn kém, thực tế, chi phí gia tăng cho việc xây dựng công trình xanh chỉ từ 1 - 5%, phụ thuộc vào mức độ chứng nhận công trình xanh mong muốn và chi phí đầu tư ban đầu. Dựa trên nghiên cứu về các dự án công trình xanh tại Việt Nam, chi phí gia tăng trung bình là 1,8 - 2%. Chi phí gia tăng này bao gồm chi phí cho việc thiết kế và nghiên cứu chuyên sâu, chi phí tư vấn chứng nhận công trình xanh và chi phí cho thiết bị, vật liệu phù hợp các yêu cầu của công trình xanh.

Hiện nay, các sản phẩm và dịch vụ công trình xanh đã trở nên khá phổ biến tại Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhờ sự cải thiện và nâng cao nhận thức của thị trường địa phương. Các nỗ lực từ phía Chính phủ và các cơ quan nhà nước cũng đáng được ghi nhận bằng các hoạt động về tập huấn về Quy chuẩn quốc gia về công trình sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2013/BXD), hoặc các ưu đãi về hệ số sử dụng đất cho các công trình thân thiện với môi trường tại TP. HCM.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dương
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục