Con số này nói lên nhiều điều!
Nó cho thấy, dù định hướng triển khai công trình xanh đã có từ gần 1 thập kỷ, và trong thời gian này đã có hàng nghìn tòa nhà cao tầng mọc lên ở các đô thị, nhưng xu hướng tiết kiệm năng lượng tại các công trình xây dựng vẫn chỉ ở giai đoạn sơ khai.
Tại một cuộc hội thảo quốc tế về công trình xanh cho nhà ở giá thấp và trung bình do Hiệp hội bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây, một thông tin đáng suy ngẫm được nhiều diễn giả đưa ra và thừa nhận là: công trình xanh có thể tiết kiệm 50% năng lượng so với thiết kế ban đầu, dù giá thành tăng hơn không đáng kể.
Mặc dù đây không phải là thông tin mới trên thế giới, bởi theo ông Greges Reimann, Giám đốc điều hành IEN Consultants, Đan Mạch, tiêu chuẩn công trình xanh tại Đan Mạch đã được áp dụng như một tiêu chí bắt buộc với các tòa nhà cao tầng từ những năm 1960, với tỷ lệ tiết kiệm năng lượng tiêu thụ khoảng 50%. Dự kiến, đến năm 2020, các công trình xây dựng ở nước này phải tự cung tự cấp các loại năng lượng thân thiện với môi trường như mặt trời, gió… để vận hành tòa nhà.
Đấy là câu chuyện ở “trời Âu”. Còn tại khu vực Đông Nam Á, ông Greges Reimann cho biết, rất nhiều quốc gia đã áp dụng tiêu chí công trình xanh cho các công trình cao tầng và đã gặt hái thành quả từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, khái niệm công trình xanh với các tòa nhà cao tầng vẫn còn khá xa lạ. Thậm chí, số lượng công trình xây dựng theo tiêu chí công trình xanh chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đặc biệt, các dự án áp dụng tiêu chí công trình xanh tập trung chủ yếu với các dự án cao cấp, rất hiếm có ở các dự án nhà giá rẻ.
Đại diện Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Đỗ Đức Duy cũng thừa nhận, việc ứng dụng các thiết kế xanh, công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam chưa được nhiều chủ dự án áp dụng. Đến nay, chỉ một số dự án cao cấp áp dụng tiêu chí này. Trong khi với các dự án giá rẻ và trung bình, chiếm số lượng nhiều nhất, lại không được nhiều DN chú ý.
Dường như tại Việt Nam, đa số DN phát triển bất động sản vẫn chỉ chú ý tới khâu bán hàng, trong khi người có nhu cầu mua nhà thì vẫn quan niệm ngôi nhà như một chỗ chui ra chui vào, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng sống.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một đại diện DN bất động sản thừa nhận, các chủ đầu tư dự án tại Việt Nam lâu nay vẫn cạnh tranh với nhau bằng việc tìm cách để giảm giá thành, bởi đây là vấn đề khách hàng quan tâm nhất. Vì thế, những yếu tố làm tăng giá thành, cả chủ đầu tư và khách hàng đều không quan tâm.
Theo đánh giá của ông Trần Ngọc Quang - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Việt Nam đang phát triển các công trình xanh chậm hơn các nước trong khu vực đến 15 năm. Điều đáng buồn hơn là cả người tiêu dùng và các chủ đầu tư lại không mấy quan tâm đến công trình xanh.
Thực tế, việc áp dụng các tiêu chí xanh, tiết kiệm năng lượng có khiến giá thành dự án đội lên nhiều quá không?
Theo ông Trần Như Trung, Phó tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House) thì việc áp dụng tiêu chí xanh, tiết kiệm năng lượng không đội lên nhiều chi phí và các chủ dự án hoàn toàn có thể kham nổi các chi phí này.
Cụ thể, ông Trung nêu ra dẫn chứng tại dự án EcoHome 1 và 2 do Capital House làm chủ đầu tư, DN này đầu tư thêm 3,7 tỷ đồng cho hệ thống pin mặt trời tại dự án EcoHome 1 (trung bình 3,98 triệu đồng/hộ) và; dự án EcoHome 2 mức đầu tư là 8,2 tỷ đồng (phụ trội 8,37 triệu đồng/hộ). Đây là những khoản đầu tư không lớn với chủ đầu tư và người dân không phải trả thêm cho khoản phụ trội này. Tuy nhiên, người dân lại được hưởng lợi vì giảm được chi phí chiếu sáng công công trong quá trình vận hành.
Có một thực tế thú vị được ông Greges Reimann, Giám đốc điều hành IEN Consultants, Đan Mạch tiết lộ. Đó là tại các nước trong khu vực, các dự án chung cư áp dụng các tiêu chí công trình xanh, thì giá trị căn hộ tại các dự án này thường có xu hướng giữ giá và tăng hơn hơn so với các công trình không áp dụng các tiêu chí xanh và tiết kiệm năng lượng.
Còn tại Việt Nam, các công trình xanh dường như mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, còn ít được chú ý, dù Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất từ biến đổi khí hậu.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com