Hiệp hội Ngân hàng giữ vững vai trò cầu nối giữa các hội viên và cơ quan quản lý Nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tăng cường và phát huy vai trò cầu nối giữa các tổ chức hội viên với các cơ quan quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Đại hội Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Đại hội

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại Hội nghị thường niên lần thứ 2, nhiệm kỳ VII, báo cáo kết quả hoạt động năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra mới đây.

Cụ thể, ông Hùng dẫn chứng, đó là sự quyết liệt kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và các nhà mạng xem xét điều chỉnh giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng. Theo đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã thống nhất được với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc giảm cước tin nhắn SMS thông qua phương thức thanh toán cước phí SMS trọn gói mà không giới hạn số lượng SMS.

Đáng chú ý là ý kiến gửi Văn phòng Chính phủ, các Ủy ban Quốc hội, NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước đề nghị thực hiện thu thuế VAT theo đúng bản chất L/C và thông lệ quốc tế, không truy thu (hồi tố) thuế giá trị gia tăng đối với L/C từ năm 2011…

Trong vai trò cầu nối giữa các tổ chức hội viên với cơ quan quản lý nhà nước, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Hiệp hội đã tham gia tổng kết thực tiễn và đóng góp ý kiến đối với gần 90 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng (22 Luật, 22 Nghị định, 42 Thông tư và nhiều văn bản quan trọng khác) của Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan.

Ngoài ra, Hiệp hội còn làm đầu mối tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành tổ chức hơn 50 cuộc họp, hội thảo, tọa đàm được tổ chức, nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng và phổ biến chính sách, pháp luật và các sản phẩm, dịch vụ mới, kinh nghiệm quốc tế cho các tổ chức hội viên…

Đối với công tác đào tạo, tập huấn, bám sát diễn biến dịch bệnh chủ động, linh hoạt chuyển đổi hình thức tổ chức được 14 chương trình đào tạo, hội thảo với 5.905 lượt người tham dự…

Dù đã đạt nhiều thành công trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh lưu ý, Hiệp hội cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác vận động các tổ chức hội viên tích cực hưởng ứng, tạo sự đồng thuận trong nhận thức và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ và các giải pháp điều hành của NHNN, tạo sự đồng thuận trong hệ thống TCTD để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và góp phần hoàn thành nhiệm vụ quan trọng của ngành.

Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò là đại diện cho các tổ chức hội viên, là cầu nối tổng hợp các vướng mắc, ý kiến tham gia góp ý, phản biện của tổ chức hội viên và đề xuất các kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động ngân hàng; kịp thời có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động của các tổ chức hội viên; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, thiết thực cho các tổ chức hội viên.

“Đề nghị Hiệp hội Ngân hàng hoạt động truyền thông, đặc biệt là các vấn đề đang được dư luận quan tâm như room tín dụng, thị trường vàng, thị trường ngoại hối, tỷ giá… Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, kiến thức về sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng an toàn”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Phạm Đức Ấn phát biểu

Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Phạm Đức Ấn phát biểu

Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Phạm Đức Ấn đã thẳng thắn chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới.

Thứ nhất, đối với Cơ quan Thường trực: Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Điều lệ theo các nội dung đã được thông qua và trình Bộ Nội vụ xem xét, phê duyệt Điều lệ sửa đổi, bổ sung, đồng thời báo cáo NHNN theo quy định. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định đảm bảo phù hợp với quy định, pháp luật hiện hành và Điều lệ sửa đổi, bổ sung mới; báo cáo và trình Hội đồng Hiệp hội ký ban hành ngay sau khi Điều lệ có hiệu lực.

Thứ hai, đối với các tổ chức hội viên: Thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và của Ngành; bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp đã được quyết nghị tại Đại hội và Hội nghị thường niên; khẩn trương triển khai, quán triệt, cụ thể hoá bằng các chương trình, kế hoạch thiết thực phù hợp với tình hình thực tế hoạt động của đơn vị…

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng cũng yêu tích cực tham gia góp ý cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức hội viên. Đặc biệt là tham gia có chất lượng, hiệu quả việc hoàn thiện Luật các Tổ chức tín dụng, nhất là vấn đề luật hoá nội dung xử lý nợ xấu và các vấn đề liên quan đến hoạt động ngân hàng…

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục