Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Anh sẽ có hiệu lực từ đêm 31/12/2020

0:00 / 0:00
0:00
Vào lúc 21 giờ, ngày 29/12/2020, theo giờ Việt Nam, Hiệp định UKVFTA đã được đại diện ủy quyền (Đại sứ) của Chính phủ hai nước chính thức ký kết tại Luân Đôn, Vương quốc Anh.
Việt Nam và Anh đang gấp rút hoàn thành các thủ tục, đảm bảo UKVFTA có thể thực hiện ngay từ 23 giờ ngày 31/12/2020 Việt Nam và Anh đang gấp rút hoàn thành các thủ tục, đảm bảo UKVFTA có thể thực hiện ngay từ 23 giờ ngày 31/12/2020

Ngày 11/12/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Elizabeth Truss đã ký Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) tạo cơ sở để 2 nước tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để ký kết chính thức.

Vào lúc 21 giờ, ngày hôm nay (29/12/2020), theo giờ Việt Nam, Hiệp định UKVFTA đã được đại diện ủy quyền (Đại sứ) của Chính phủ hai nước chính thức ký kết tại Luân Đôn, Vương quốc Anh.

Việc ủy quyền cho Đại sứ hai nước trực tiếp ký tại Anh là bởi bối cảnh dịch bệnh COVID-19, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã không thể trực tiếp có mặt và thực hiện ký kết theo thông lệ.

Hiệp định UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UK).

Theo đó, Hiệp định gồm 9 điều khoản; 01 Phụ lục sửa đổi một số điều của lời văn EVFTA; 01 Nghị định thư và 01 thư song phương trao đổi giữa Việt Nam và UK.

Về cơ bản, các nội dung thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định UKVFTA cũng tương tự như Hiệp định EVFTA, gồm: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, và pháp lý - thể chế.

Hiện nay, hai bên đang gấp rút hoàn thành các thủ tục trong nước phù hợp với quy định của pháp luật mỗi bên, đảm bảo việc có thể thực hiện ngay Hiệp định từ 23 giờ ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Trong bối cảnh Vương quốc Anh đã chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu và giai đoạn chuyển tiếp chuẩn bị kết thúc (ngày 31 tháng 12 năm 2020), việc ký kết Hiệp định UKVFTA sẽ đảm bảo thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh không bị gián đoạn sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp.

Bên cạnh đó, với nền tảng là kế thừa Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA cũng sẽ tạo khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại toàn diện, lâu dài, ổn định giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, từ đó tạo động lực cho việc tăng cường và làm sâu sắc quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên, đặc biệt trong bối cảnh hai bên vừa gia hạn việc duy trì quan hệ song phương ở cấp độ đối tác chiến lược.

Kể từ khi có hiệu lực, EVFTA đã trở thành cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Từ tháng 8 năm 2020, mặc dù diễn biến dịch bệnh tại EU và các nước trên thế giới rất phức tạp, nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU vẫn liên tục ghi nhận mức tăng cao.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU các tháng 8, 9, 10/2020 lần lượt đạt 3,25 tỷ USD, 3,07 tỷ USD và 3,3 tỷ USD, tăng 4,2%, 8,7% và 6,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tính từ ngày 01 tháng 8 đến ngày 18 tháng 12 năm 2020, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp hơn 62.493 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 2,35 tỷ USD đi các nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ với trị giá gần 6 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Với UKVFTA, các lợi ích trong mối quan hệ thương mại hiện có của hai bên tại Hiệp định EVFTA được duy trì. Hiệp định song phương này là sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước đối với việc phát triển các lĩnh vực thương mại chủ chốt. UKVFTA không chỉ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, mà còn tích hợp nhiều yếu tố quan trọng khác, chẳng hạn như hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 857 triệu USD.

Trong giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Anh tăng trung bình 12,1%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm. Tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường này cũng đạt mức cao (trên 10%).

Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh là: điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu; Việt Nam nhập khẩu từ Anh gồm: máy móc, thiết bị, dược phẩm, sắt thép, hóa chất. Mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh.

Dư địa tăng trưởng thị trường tại Vương quốc Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn vì tất cả các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm được không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD (2019) của Anh. Tuy nhiên, khi Anh rời EU, các ưu đãi mang lại từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ không được áp dụng tại thị trường Anh.

Bởi vậy, việc ký kết một FTA song phương sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia trên cơ sở kế thừa các kết quả đàm phán tương đối tích cực ở EVFTA, tránh gián đoạn các hoạt động thương mại do hệ quả mang lại của Brexit.

Mai Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục