Theo đó, ISDS là điều khoản cho phép một nhà đầu tư nước ngoài kiện chính phủ quốc gia chủ nhà qua một hội đồng trọng tài quốc tế, xét xử theo quy định của một hiệp ước mà quốc gia này có tham gia.
Trên toàn cầu, tính tới tháng 1/2019, tổng số vụ tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với chính phủ các nước lên tới 942 vụ, với 117 quốc gia có ít nhất một vụ kiện với nhà đầu tư. Các vụ tranh chấp mới xuất hiện trong khoảng 1 năm qua chủ yếu tập trung tại các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế đang tiến hành cải tổ.
Thực tế, trong thời gian qua, từ cơ chế giúp doanh nghiệp kiện các quy định bất công của chính phủ, ISDS phần nào trở thành công cụ “bắt nạt” hiệu quả mà nhà đầu tư tới từ các quốc gia phát triển sử dụng để chống lại chính phủ các nước khi lợi nhuận của mình bị tổn hại.
Số lượng các vụ ISDS tính tới hết năm 2018.
Đáng chú ý, trong các vụ kiện mà hội đồng trọng tài có đủ thẩm quyền để đưa ra phán quyết, 61% các phán quyết nghiêng về hướng có lợi cho nhà đầu tư (giai đoạn 1987 - 2018, theo số liệu của UNCTAD và ISDS Navigator).
Trong bối cảnh này, Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) vừa được ký kết vào tháng 6/2019 được đánh giá có nhiều nội dung nhằm đảm bảo an toàn vốn, tài sản cho các nhà đầu tư.
Nhiều quy định tiến bộ hơn so với các hiệp định về đầu tư mà Việt Nam đã ký với từng nước EU, trong khi vẫn đảm bảo cân bằng giữa bảo vệ nhà đầu tư và bảo hộ lợi ích của công chúng, của nhà nước.
Theo đó, các cam kết trong EVIPA được xây dựng chi tiết hơn các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương mà Việt Nam đã ký với các quốc gia thành viên EU; có tiêu chí rõ ràng đối với từng hành vi mà nhà nước không được làm; bổ sung một số ngoại lệ nhằm bảo đảm quyền điều chỉnh chính sách của quốc gia chủ nhà.
Ngoài ra, EVIPA đã bổ sung quy định ghi nhận quyền điều chỉnh chính sách của nước tiếp nhận đầu tư.
Theo đó, các bên khẳng định quyền quản lý trong lãnh thổ của mình để đạt được mục tiêu chính sách như bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn, môi trường hoặc đạo đức công cộng, bảo vệ xã hội hoặc người tiêu dùng, xúc tiến và bảo vệ đa dạng văn hóa.
Về giải quyết tranh chấp đầu tư, EVIPA xây dựng cơ quan giải quyết tranh chấp thường trực thay thế cho cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo vụ việc trong các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước thành viên EU.
Theo cơ chế này, tranh chấp đầu tư theo EVIPA được giải quyết tại cơ quan xét xử thường trực với 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.
Nhận định về EVIPA tại cuộc toạ đàm có chủ đề “Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam và EU ký kết FTA và IPA”, bà Vũ Thị Châu Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, triển khai EVIPA sẽ giúp Việt Nam đạt được cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, hỗ trợ phát triển bền vững.
Hiệp định sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành mà EU có tiềm năng như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, trong khi nhà đầu tư EU được tăng cường tiếp cận thị trường Việt Nam tại một số ngành dịch vụ như dịch vụ kinh doanh, môi trường, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải biển…