Việt Nam cam kết bảo vệ toàn diện cho nhà đầu tư nước ngoài

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, với những cam kết toàn diện và cân bằng hơn về bảo hộ đầu tư, Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin và thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Cùng với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thì Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã được ký kết. Việc ký hiệp định này sẽ tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam nói chung, thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng, thưa Bộ trưởng?

Như tôi đã nói, việc ký kết EVFTA và EVIPA giữa Việt Nam và EU đã đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU, đồng thời cũng thể hiện sự ghi nhận và coi trọng của EU đối với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, với tư cách là một nền kinh tế năng động, sẵn sàng cải cách để hội nhập.

Các hiệp định EVFTA và EVIPA được ký kết còn mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy kết nối kinh tế giữa Cộng đồng Kinh tế ASEAN và EU, cũng như góp phần phát triển kinh tế toàn cầu.

Với riêng Việt Nam, việc ký kết các hiệp định này sẽ góp phần tăng tốc tiến trình cả̉i cách, hội nhập kinh tế theo chiều sâu của Việt Nam, không chỉ trong các lĩnh vực thương mại truyền thống, mà cả trong cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, lao động, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế Việt Nam theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, thông lệ tốt của quốc tế, đặc biệt là của EU.

Nếu bàn riêng về EVFTA, với những cam kết toàn diện và cân bằng hơn về bảo hộ đầu tư, cùng với những cam kết quan trọng về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ... theo quy định của EVFTA, có thể nói, hiệp định này sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài nói chung cũng như nhà đầu tư EU nói riêng về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Cụ thể là thế nào, thưa Bộ trưởng? EVFTA đã đưa ra những cam kết gì với các nhà đầu tư?

Thực ra, trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, trong 30 năm qua, chúng ta đã ký kết và thực hiện 21 hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia thuộc EU. Tiếp theo các hiệp định này, giờ đây Việt Nam và EU ký kết EVIPA.

EVIPA đưa ra nhiều cam kết, trước đó cũng đã được đề cập trong các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương mà Việt Nam đã ký với quốc gia thành viên EU, nhưng được xây dựng chi tiết hơn, cân bằng hơn, đặc biệt là có tiêu chí rõ ràng hơn đối với từng hành vi mà Nhà nước không được làm, đồng thời bổ sung một số ngoại lệ nhằm bảo đảm quyền điều chỉnh chính sách của quốc gia chủ nhà.

Các cam kết đó là đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài; không trưng thu, quốc hữu hóa trái pháp luật tài sản của nhà đầu tư và bồi thường thỏa đáng trong trường hợp trưng thu, quốc hữu hóa. Đồng thời, cam kết bồi thường cho nhà đầu tư trong trường hợp tài sản của nhà đầu tư bị phá hoại do việc dùng vũ lực không cần thiết trong trường hợp xảy ra chiến tranh; cam kết cho phép nhà đầu tư tự do chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài và các cam kết bảo hộ đầu tư khác…

Hiệp định cũng đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư thường trực, thay thế cho cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài theo vụ việc trong các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước thành viên EU trước đây. Theo đó, tranh chấp được giải quyết tại cơ quan xét xử thường trực gồm hai cấp xét xử: cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm, với các thành viên do Việt Nam và EU thỏa thuận lựa chọn.

Quá trình đàm phán cũng như trao đổi với phía EU, họ cũng cho rằng, khi Chính phủ Việt Nam đưa ra các cam kết như vậy, thì nhà đầu tư EU sẽ tin tưởng hơn và sẽ đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.

Với cá nhân Bộ trưởng, Bộ trưởng có tin vào điều đó?

Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao vị trí, vai trò, tiềm năng của các nhà đầu tư EU về vốn, công nghệ, trình độ quản lý... Tuy nhiên, thời gian qua, thu hút đầu tư từ EU vào Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng. Bởi thế, trong định hướng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, Việt Nam cũng hướng trọng tâm của mình vào việc thu hút đầu tư từ EU, với tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến, hiện đại.

Việc thực hiện các cam kết trong EVFTA và EVIPA sẽ thúc đẩy Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, qua đó sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU trong quá trình đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Hơn nữa, khi thực thi các hiệp định này, mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm, đặc biệt trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối…

Do vậy, chúng tôi có cơ sở để tin tưởng vững chắc rằng, việc ký kết EVIPA sẽ góp phần thu hút đầu tư với chất lượng cao từ các nhà đầu tư EU. Đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư EU sẽ không chỉ tận dụng được thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, mà còn có thể vươn tới thị trường ASEAN, cũng như thị trường rộng lớn của các quốc gia thành viên CPTPP, mà Việt Nam là một thành viên tích cực.

Thậm chí, không chỉ là thu hút đầu tư từ EU, mà các quy tắc chặt chẽ hơn về xuất xứ hàng hóa trong EVFTA, cũng như nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, cũng sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài nói chung tăng cường đầu tư vào sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để tận dụng lợi thế về tiếp cận thị trường EU.

Không chỉ là giúp thu hút nhiều hơn, mà tôi còn tin chắc rằng, việc thực thi EVIPA sẽ giúp cải thiện chất lượng đầu tư nước ngoài, thu hút thêm các nhà đầu tư trong một số ngành nghề mà EU có tiềm năng như công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính... Điều này là phù hợp với định hướng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới.

Khác với EVFTA, chỉ cần Nghị viện châu Âu thông qua, thì EVIPA còn phải có sự chấp thuận của các quốc gia thành viên EU. Như vậy có nghĩa, chúng ta sẽ không thể ngay lập tức được hưởng lợi từ thỏa thuận lịch sử này, mà còn phải chờ đợi khá lâu nữa, thưa Bộ trưởng?

Đúng là ký kết các hiệp định chỉ là bước khởi đầu, sau đây còn một khối lượng công việc khổng lồ phải thực hiện, trong đó có việc thúc đẩy sớm quá trình thông qua các hiệp định, ở cả phía Việt Nam và EU. Thông qua sớm ngày nào, thì người dân, doanh nghiệp hai bên sẽ sớm được hưởng lợi ngày đó.

Trong quá trình đó, tôi cho rằng, Việt Nam sẽ có một khoảng thời gian cần thiết và quan trọng để chuẩn bị cho việc thực thi EVFTA và EVIPA.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng đang đứng trước một số thách thức trong quá trình thực thi Hiệp định, như về thể chế, chính sách, cơ chế quản lý; hệ thống kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ và nguồn nhân lực; năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam...

Do vậy, để hiện thực hóa những cơ hội và lợi ích từ việc thực thi các hiệp định này, cùng với những giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và toàn nền kinh tế, phải rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh.

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện việc này, thông qua việc nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động và một số luật về thuế...

Việc hoàn thiện các luật này là nhằm tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, cũng góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công, khơi thông nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chủ động đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn của châu Âu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm để có thể gia nhập thị trường châu Âu một cách nhanh chóng, thuận lợi.

Tôi tin tưởng rằng, những giải pháp nêu trên sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời bảo đảm các hiệp định EVFTA và EVIPA được thực thi một cách nhanh chóng, có hiệu quả và thực chất nhất.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục