Hiện trạng
Kinh tế số là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số gồm tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế mà công nghệ số được áp dụng. Để đo lường kinh tế số, cần có một hệ thống chỉ tiêu gồm lao động, vốn đầu tư, doanh thu, lợi nhuận…, trong đó ít nhất là giá trị tăng thêm, để đánh giá tỷ trọng đóng góp của kinh tế số.
Theo nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), kinh tế số của Việt Nam năm 2015 đạt 3 tỷ USD, năm 2018 tăng lên 9 tỷ USD, năm 2019 đạt 12 tỷ USD, năm 2025 dự báo đạt 30 tỷ USD. Trong đó, thương mại điện tử chiếm 2,7% tổng mức bán lẻ hàng hóa; du lịch trực tuyến chiếm tới 41,4% dịch vụ lưu trú, ăn uống; truyền thông trực tuyến lớn hơn thông tin truyền thông, nếu kể cả hoạt động chuyên môn và khoa học thì chiếm khoảng 50%; gọi xe công nghệ chiếm 13,1% ngành vận tải kho bãi. Dù việc tính toán trên chỉ có tính tham khảo, nhưng cũng thể hiện kết quả tích cực của kinh tế số.
Hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin khá, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao. Có trên 30.000 doanh nghiệp phần cứng, phần mềm, nội dung số và dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin với tổng doanh thu năm 2017 đạt 91,6 tỷ USD, gấp 12 lần năm 2010. Công nghiệp phần mềm có khoảng 10.000 doanh nghiệp, tăng 15-20%/năm, với doanh thu năm 2017 đạt 3,7 tỷ USD. Thương mại điện tử năm 2017 đạt doanh thu 8 tỷ USD, tăng 35%/năm; có 48 công ty fintech cung cấp dịch vụ thanh toán tiền gửi và tiền điện tử. Công nghiệp quảng cáo trực tuyến đạt doanh thu năm 2016 là 390 triệu USD, doanh thu trò chơi trực tuyến đạt khoảng 500 triệu USD...
Bên cạnh các kết quả tích cực, quá trình phát triển kinh tế số cũng có một số hạn chế, thách thức. Hành lang pháp lý và thể chế cho phát triển kinh tế số vừa thiếu, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, minh bạch và mang tính kiến tạo; việc quản lý nhà nước còn lúng túng. Từ khái niệm, phạm vi các chỉ tiêu, mục tiêu và việc đánh giá còn thiếu, hoặc thiếu rõ ràng. Nhận thức, nhu cầu, kế hoạch, hành động của các cấp, ngành và người dân còn hạn chế.
Thách thức về an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin còn lớn. Việt Nam nằm trong 10 quốc gia bị các cuộc tấn công mạng và lây nhiễm mã độc nguy hiểm, xếp thứ 7 về số nạn nhân bị tấn công, xếp thứ 2 bị nhiễm mã độc đào tiền ảo nhiều nhất.
Nguồn nhân lực còn yếu, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông. Đây là sự chậm trễ của giáo dục và đào tạo. Kinh tế số, trong đó trước hết là thương mại điện tử, tập trung ở 2 đô thị đặc biệt, các thành phố trực thuộc Trung ương, một số tỉnh liền kề có tính năng động, các tỉnh khác còn chậm chạp, thưa thớt.
Hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu và yếu so với thế giới, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin; đặc biệt về cơ chế cũng như việc thực hiện thực tế việc kết nối, truy cập các cơ sỡ dữ liệu giữa các ngành, các cấp...
Giải pháp phát triển kinh tế số
Với hiện trạng và mục tiêu phát triển kinh tế số 5- 10 năm tới, cần có nhiều giải pháp để phát triển. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý về một số mặt chủ yếu: hoàn thiện chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số; có quy hoạch ngành về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; chuẩn hóa việc kết nối thông tin; có các văn bản ở cấp Nghị định của Chính phủ về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân, xác thực điện tử, xử lý, giải quyết tranh chấp, xung đột...; thúc đẩy khởi nghiệp và tạo điều kiện phát triển công nghệ.
Trang bị, phổ cập, thống nhất kiến thức hành động trong quản lý kinh tế - xã hội trong điều kiện kinh tế số. Mở đợt tuyên truyền về vai trò, tác động tích cực của kinh tế số. Nếu công nghệ thông tin là động lực của kinh tế số, thì giáo dục - đào tạo là chìa khóa của công nghệ thông tin.
Cùng với phát triển công nghệ thông tin, kinh tế số cần chú trọng công tác bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh thông tin, cùng với các mặt an ninh chính trị, văn hóa, quốc gia, an ninh mạng, không gian mạng; giám sát, phòng chống tội phạm công nghệ cao ở tất cả các ngành, các cấp, nhất là tài chính, tiền tệ, các cơ quan chính phủ được số hóa...
Đầu tư cho công nghệ thông tin, kinh tế số, nhất là hạ tầng kỹ thuật số, chuyển đổi số, kết nối thông minh, xây dựng cổng thông tin; đào tạo, đãi ngộ cán bộ công nghệ thông tin... Đầu tư từ nhiều nguồn, bao gồm nguồn ngân sách nhà nước, nguồn từ dân doanh, nguồn đầu tư nước ngoài.