Tăng trưởng kinh tế: Tính con số khả thi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, việc thúc đẩy những dư địa chưa được khai thác hết ở nguồn vốn đầu tư công đang là niềm hy vọng lớn.
Tăng trưởng kinh tế: Tính con số khả thi

Trong báo cáo công bố tuần qua, nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay. Theo đó, kịch bản xấu nhất, GDP đạt mức tăng 3,5 - 4%; kịch bản thuận lợi nhất, GDP có thể tăng 5,4 - 6,1%.

Trong kịch bản lạc quan nhất, dịch bệnh Covid-19 cần được kiểm soát ngay trong tháng 8/2021, việc tiêm vắc-xin được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý I/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định.

Với sự đoàn kết của người dân, những chiến thuật và giải pháp mới được thực thi, kịch bản thuận lợi nhất được kỳ vọng. Dù vậy, giới doanh nghiệp tỏ ra khá thận trọng.

Ông Đặng Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (TEG) cho biết, ông phải dự liệu cho doanh nghiệp khả năng chống chọi đến ít nhất cuối năm 2022.

Với những doanh nghiệp đã tích lũy tới hơn chục năm và có đội ngũ lãnh đạo năng động, họ sẽ xoay xở nhiều hướng. Nhưng hơn lúc nào hết, ở thời điểm này, chính sách gỡ khó cho các doanh nghiệp càng trở nên cấp thiết.

Tại cuộc họp của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) với 11 hiệp hội các ngành hàng công nghiệp tuần qua, cơ quan này đánh giá, đợt dịch lần thứ tư bùng phát trở lại, tập trung chủ yếu ở các địa phương có số lượng lớn khu công nghiệp, doanh nghiệp chế biến chế tạo, khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu.

Nếu không có giải pháp giúp doanh nghiệp sớm quay trở lại sản xuất ngay cả khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, khách hàng sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác và đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.

Dịch bệnh là yếu tố đánh vào nền kinh tế mạnh mẽ nhất, nếu không kiềm chế được thì nền kinh tế sẽ "vỡ toang".

Đáng ngại hơn cả, theo phản ánh của 11 hiệp hội ngành hàng, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp càng khó hơn bởi sự thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương.

Đơn cử, đồ uống không được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu nên không được lưu chuyển đến đại lý bán hàng, trong khi đó, đồ uống thường có thời hạn sử dụng ngắn, khoảng 2 - 3 tháng, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hoá không được lưu thông sẽ hết hạn sử dụng.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu, thủ tục khai báo hải quan và tình hình tắc nghẽn tại các cảng biển là những điểm nghẽn cần được giải quyết cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải đưa hàng ra phao số 0 để đưa hàng lên tàu, thay vì tại cảng, do không kịp tiến độ giao hàng.

Sự ngăn cách, kiểm soát chặt chẽ giữa các tỉnh và những quy định không đồng nhất của cơ quan hải quan càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm đòi hỏi điều kiện bảo quản khắt khe, thời hạn sử dụng ngắn…

Các doanh nghiệp đều thống nhất đề xuất, cần ưu tiên cho các doanh nghiệp sớm được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 (có thể cân nhắc trên cơ sở doanh nghiệp tự chịu chi phí) để lao động tại doanh nghiệp có thể sớm quay trở lại ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đưa các đối tượng trong ngành logistics thuộc diện ưu tiên cao hơn trong danh sách tiêm vắc-xin nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hoá được thông suốt.

Đề cập đến việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa sản xuất, cân bằng 2 hay ưu tiên 1, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, dịch bệnh là yếu tố đánh vào nền kinh tế mạnh mẽ nhất, nếu không kiềm chế được thì nền kinh tế sẽ vỡ toang, bài học từ Ấn Độ, Indonesia, Maylaysia, Thái Lan vẫn đang nóng.

Ông Hiếu đồng thuận quan điểm mà nhiều chuyên gia kinh tế nêu ra gần đây là xóa bỏ trần tín dụng ở các ngân hàng. Hãy để cho các ngân hàng tăng trưởng một cách tự nhiên, Ngân hàng Nhà nước chỉ nên quản lý các ngân hàng ở những chỉ tiêu kỹ thuật nhằm đảm bảo các ngân hàng và hệ thống hoạt động an toàn.

Chuyên gia này cũng đề xuất cứu nguy cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng một tổ hợp tín dụng đi kèm bảo lãnh tín dụng, với sự tham gia bắt buộc của các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam, tỷ lệ tham gia chiếm khoảng 3% trên tổng dư nợ của mỗi ngân hàng. Các doanh nghiệp sẽ được "trợ thở" bằng khoản vay có lãi suất 3 - 5%/năm…

Trong phần khuyến nghị chính sách gửi tới Chính phủ, nhóm chuyên gia VEPR cũng đề cập đến những giải pháp trên, đồng thời nhấn mạnh đến chính sách tài khóa nên tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở cấp quốc gia, làm nền tảng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

Cùng với đó, chính sách tiền tệ thích ứng nên được thực hiện với tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp (10%) và các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.

Thủy Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục