Hiện thực hóa giấc mơ 10 tỷ USD, ngành tôm “sửa sai”

(ĐTCK) Yêu cầu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tôm phải đạt 10 tỷ USD, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch của ngành nông nghiệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam sáng 6/2 thực sự là một thách thức lớn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm nhà máy chế biến tôm của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm nhà máy chế biến tôm của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

Để con tôm thành sản phẩm nông nghiệp trọng yếu

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thực tiễn đã chứng minh con tôm là đối tượng sản xuất hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam. “Tiềm năng phát triển con tôm không chỉ là xuất khẩu 3 tỷ USD, 700.000 ha nuôi tôm như hiện nay mà còn cao hơn nhiều”, Bộ trưởng nói.

Trên thế giới, tôm và thủy sản nói chung vẫn đang là mặt hàng thực phẩm được ưa chuộng. Hiện chưa có ngưỡng giới hạn đối với sản phẩm tôm, tôm hầu như chưa bị mất giá hoặc bị khủng hoảng về giá.

Trong khi đó, điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu của nước ta (đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long) rất phù hợp để nuôi tôm. Hiện tượng khí hậu xâm nhập mặn và kịch bản nước biển dâng sẽ dẫn đến nhiều vùng đất bị nhiễm mặn, có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm.

Ngành tôm phải sửa sai ở cách tiếp cận và hướng đi. Cụ thể, Chính phủ hãy cho chủ trương triển khai sản xuất tôm bố mẹ, sản xuất tôm giống và nuôi tôm kháng bệnh với mật độ thấp.

- Ông Lê Văn Quang,
Chủ tịch CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích nuôi tôm nước lợ có khả năng mở rộng lên 800.000 -1.000.000 ha, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long. Vùng nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm kết hợp trồng lúa trên đất lúa) có diện tích lớn (560.000 ha) có thể nâng cao gấp 3-5 lần hiện tại nếu như được áp dụng các giải pháp phù hợp.

Tuy nhiên, cũng như các ngành chăn nuôi và trồng trọt khác, vùng nuôi tôm công nghiệp của ta còn nhỏ, năng suất tuy cao hơn nuôi quảng canh nhưng vẫn thấp, đạt khoảng trên 4 tấn/ha. Theo các chuyên gia thủy sản, nếu được đầu tư tốt về cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, năng suất của các các vùng nuôi này có thể nâng lên từ 1,5 đến 2 lần so với hiện tại.

Thời gian gần đây, nhiều phương thức, mô hình nuôi hiệu quả, rất có triển vọng đã xuất hiện như nuôi tôm rừng, tôm lúa, tôm sinh thái; mô hình nuôi theo 2 giai đoạn, tổ chức liên kết theo chuỗi… Đồng thời, nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư vào ngành tôm. Nhưng để phát triển được con tôm ở quy mô công nghiệp, trở thành ngành kinh tế nông nghiệp trọng yếu, theo phản ánh của các doanh nghiệp trong ngành, ngay lập tức, Việt Nam phải tập trung tháo gỡ nhiều tồn tại hàng chục năm nay.

Đơn cử như việc chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ, chưa thể chủ động cung ứng giống. Mỗi năm, Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu khoảng 90% giống tôm trắng chân trắng bố mẹ, với số lượng từ 180.000 - 260.000 con. Trong khi đó, tôm sú bố mẹ chủ yếu vẫn phải thu gom từ tự nhiên.

Bên cạnh đó, giá thành sản xuất tôm còn rất cao. Nguyên nhân do giá thức ăn (chiếm 65%), chi phí con giống luôn ở mức cao. Bên cạnh đó, nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện... làm gia tăng chi phí. Tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ đang làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam.

Ngoài ra, phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa bảo đảm. Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật. Hệ thống cấp thoát nước không bảo đảm, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh. 

“Hệ thống thuỷ lợi cho nuôi tôm được đầu tư yếu; không có kênh cấp, thoát riêng, mà đa số cùng cấp cùng thoát ở một kênh nên người thì lấy nước vào nuôi, người lại xả nước ra từ chính con kênh đó, làm bệnh dịch lây nhiễm tràn lan. Vì thế mà tỷ lệ thành công của ngành nuôi tôm Việt Nam dưới 30% trong 5 năm qua, làm giá thành con tôm của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới trên 20%”, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lấy ví dụ.

Sự manh mún trong quy hoạch vùng nuôi cũng thể hiện rõ khi không có các vùng nuôi lớn cho các doanh nghiệp với diện tích vài trăm hoặc vài ngàn ha, mà chỉ có các diện tích nuôi nhỏ lẻ như vài ba héc-ta của các hộ dân. Điều này rất khó quản lý dịch bệnh và làm giá thành con tôm tăng cao.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nhận thức rõ rằng công nghệ vùng nuôi tôm của Việt Nam đang rất hạn chế. Mặc dù diện tích lớn, nhưng sản lượng và giá trị thấp. Lâu nay, tư duy của các hộ nuôi tôm chủ yếu theo hướng sạch bệnh và nuôi tôm ở mật độ cao từ 80 – 120 con/m2. Với cách nuôi này thì giá thành tôm của Việt Nam trên 100 ngàn đồng/kg loại 50 – 60 con/kg và nuôi được 1 vụ/năm, rất ít được 2 vụ/năm. 

Nhiều đề xuất đột phá

Để ngành nuôi tôm phát triển tương xứng với tiềm năng, trở thành sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam, tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam sáng 6/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các đại biểu trao đổi thẳng thắn vào những vấn đề tồn tại lâu nay của ngành tôm.

“Chúng ta có thể chủ động giống không? Thức ăn tốt và giá thành phù hợp có làm được không? Quy trình, kỹ thuật canh tác tôm nhân rộng thế nào để có năng suất cao, không bị dịch bệnh. Chế biến, thương hiệu thế nào, bao bì làm sao?”, Thủ tướng nêu ra hàng loạt vấn đề.

Đáp lời Thủ tướng, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, mục tiêu 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm vào năm 2025 như yêu cầu của Thủ tướng hoàn toàn có thể thực hiện được, nếu chúng ta có cách làm. Năm 2016, Minh Phú đã xuất khẩu tôm với giá trị hơn 535 triệu USD, với quyết tâm cao cộng với sự hỗ trợ từ Chính phủ, con số này có thể tăng gần 4 lần trong 4 năm tới (tức đạt 2 tỷ USD vào năm 2021).

Một trong những hướng đi mà Minh Phú tập trung triển khai trong thời gian tới là thành lập doanh nghiệp xã hội, vừa vì mục đích kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Theo đó, Công ty sẽ kết hợp giữa trồng rừng ven biển với việc nuôi tôm. Lãnh đạo Công ty cũng bày tỏ trăn trở về việc nâng cao giá trị con tôm mà muốn vậy, phải liên kết các hộ nuôi tôm, từ đó xác lập xuất xứ, nguồn gốc cho con tôm Việt Nam.

Từ sự liên kết này, Minh Phú sẽ hướng dẫn quy trình kỹ thuật giúp nông dân trực tiếp tham gia nuôi tôm, tạo nguồn nguyên liệu sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính và có thể truy xuất nguồn gốc tôm. Đây là hướng đi giúp giảm nghèo và phát triển kinh tế tại địa phương, nhất là khi Cà Mau có tới 100.000 ha rừng. Nếu phát triển tốt có thể khuyến khích nông dân trồng rừng và nâng diện tích nuôi tôm trong rừng đước lên tới 200.000 ha.

Ông Quang cũng cho biết, theo nghiên cứu của Minh Phú, với phương thức nuôi sử dụng thức ăn hữu cơ, sản lượng tôm nuôi có thể đạt 1,5 tấn/ha/năm và thậm chí là 2,5 tấn/ha/năm. Bên cạnh đó, với chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc thì tôm Việt Nam có thể bán khắp thế giới với giá cao hơn từ 10 - 30% so với hiện nay.

Một loạt giải pháp phát triển bền vững ngành nuôi tôm đã được doanh nghiệp kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như quy hoạch các vùng nuôi tôm có diện tích từ 1.000 – 5.000 ha cho mỗi vùng, tạo cơ chế ưu đãi (về thuế, vay vốn…) cho các công ty thủy sản liên kết với người dân theo hình thức người dân góp vốn bằng đất, các công ty góp vốn bằng tiền để đầu tư thành các vùng nuôi tôm lớn có kênh cấp, thoát nước riêng, có nguồn nước sạch và nước đá đạt tiêu chuẩn cho thu hoạch, bảo quản tôm; có đường giao thông để xe 10 - 20 tấn vào được.

“Ngành tôm phải sửa sai ở cách tiếp cận và hướng đi. Cụ thể, Chính phủ hãy cho chủ trương triển khai sản xuất tôm bố mẹ, sản xuất tôm giống và nuôi tôm kháng bệnh với mật độ thấp”, ông Quang khẩn thiết kiến nghị. 

Trong 6 tháng đầu năm 2016, hạn hán xâm nhập mặn, làm sản lượng nuôi tôm giảm sút. Bước sang 6 tháng cuối năm, thay vì nuôi tôm ở mật độ cao 80 - 120 con/m2, các hồ nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển sang cách tiếp cận nuôi tôm mật độ thấp 10 - 50 con/m2, vừa sức tải của môi trường, đã tạo ra được sản lượng tôm lớn. Nhờ vậy, không những bù được sản lượng đã mất của 6 tháng đầu năm, mà còn tạo ra được tăng trưởng 1,7% so với năm 2015.

Trước kia, nuôi tôm ở mật độ 80 - 120 con/m2 thì người nuôi tôm thu được tôm ở size 60 - 80 con/kg với giá thành trên 90.000 đồng/kg tôm thương phẩm. Còn nay, nuôi tôm ở mật độ thấp 10 - 50 con /m2 thì người nuôi tôm thu được tôm ở size 40-50 con/kg với giá thành dưới 60.000 đồng/kg tôm thương phẩm và đặc biệt là người nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long đã thắng lớn, với lợi nhuận cao trên 50%. 

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú 

Hoàng Yến – Xuân Toàn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục