Đó là đánh giá của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.
Thực trạng ngành tôm Việt
Những yếu kém trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất tôm, từ quy hoạch vùng nuôi, con giống, thức ăn, quy trình và công nghệ nuôi đến thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, chế biến và xuất khẩu khiến con tôm Việt Nam kém sức cạnh tranh.
Trước hết, về quy hoạch vùng nuôi, hiện các vùng nuôi tôm chỉ mang tính tự phát. Hệ thống thuỷ lợi cho nuôi tôm được đầu tư rất kém, không có kênh cấp, thoát riêng, đa số cùng cấp cùng thoát ở một kênh nên người thì lấy nước vào nuôi, người lại xả nước ra chính con kênh đó, làm bệnh dịch lây nhiễm tràn lan. Vì thế, tỷ lệ thành công của ngành nuôi tôm Việt dưới 30% trong 5 năm qua, làm giá thành con tôm của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới trên 20%.
Việc không có quy hoạch vùng nuôi tôm, dẫn đến đường sá giao thông vào các khu nuôi rất nhỏ hẹp, chỉ những xe có trọng tải 1 - 3 tấn vào được, có vùng chỉ xe máy mới vào được. Vì thế, chi phí vận chuyển con giống, thức ăn, vận chuyển tôm khi thu hoạch rất cao, làm giá thành con tôm nguyên liệu Việt Nam đã cao lại càng cao hơn.
Các vùng nuôi không có nước sạch và không có các nhà máy sản xuất nước đá để rửa tôm và ướp tôm khi thu hoạch, nên khi về đến các nhà máy chế biến phải mất rất nhiều chi phí để diệt khuẩn ở nồng độ cao, làm tăng thêm chi phí nên sản phẩm tôm của Việt Nam có tính cạnh tranh thấp.
Về con giống, Việt Nam hiện chưa có trung tâm nghiên cứu, gia hoá, chọn giống tôm bố mẹ và cũng chưa có nơi sản xuất tôm giống bố mẹ có đặc tính sinh học tốt, vượt trội. Đặc biệt, Việt Nam chưa có cách tiếp cận với tôm bố mẹ kháng bệnh SPR, mà chỉ cho phép nhập khẩu tôm bố mẹ sạch bệnh SPF, làm giá thành sản xuất con giống cao.
Không có tôm bố mẹ tốt, nên khi sản xuất con giống, các trại sản xuất tôm giống thường dùng kháng sinh nên tôm nuôi Việt Nam chậm lớn, tỷ lệ thành công thấp.
Về thức ăn cho tôm, hiện nay, thức ăn tôm của Việt Nam gần như toàn bộ do các công ty nước ngoài sản xuất, giá bán cho hộ nuôi tôm rất cao so với các nước trong khu vực, khiến giá thành tôm thương phẩm của Việt Nam cao. Hai năm trở lại đây, để tăng lợi nhuận, một số nhà máy sản xuất thức ăn tôm thay đạm động vật (bột cá) bằng đạm thực vật như bột sắn (khoai mì), bột ngô, bột đậu nành… nên khi cho tôm ăn loại thức ăn này, tôm khó tiêu hoá, dễ chết.
Về quy trình nuôi và công nghệ nuôi, Việt Nam không có một viện/trường nào chuyên nghiên cứu về quy trình nuôi, công nghệ nuôi tôm để có được một quy trình nuôi, công nghệ nuôi tốt, đạt giá thành thấp, lợi nhuận cao, mà tất cả chỉ do các hộ nuôi tôm, các doanh nghiệp nuôi tôm tự mày mò tìm kiếm. Việt Nam chưa có được quy trình nuôi tốt để chống được bệnh EMS, EHP, bệnh đốm trắng... nên người nuôi tôm Việt Nam đa số bị lỗ, bị mất vốn khi nuôi tôm.
Bên cạnh đó, dịch vụ và cung ứng dụng cụ, vật tư, thuốc, chế phẩm vi sinh và thức ăn, hiện qua rất nhiều tầng lớp trung gian với mức chiết khấu cao, làm đội giá cao thêm khoảng 50%, thậm chí có thuốc, chế phẩm vi sinh đội giá lên gấp 2 - 3 lần. Điều này góp phần làm giá thành tôm rất cao so với giá trị thật trên thị trường, khó bán, thậm chí phải bán dưới giá thành. Vì lợi nhuận cao, qua rất nhiều tầng, nhiều lớp trung gian nên các cơ quan nhà nước rất khó quản lý, làm nảy sinh ra nhiều sản phẩm giả, sản phẩm nhái…
Ở Việt Nam, không có một cơ quan nhà nước nào kiểm tra định kỳ và giám sát quá trình nuôi, cũng như kiểm tra kháng sinh trước khi thu hoạch, nên tôm nuôi sử dụng kháng sinh vẫn vô tư chở đến các nhà máy chế biến bán, các nhà máy phải chật vật sắm thiết bị kiểm vi sinh Eliza và LC/MS/MS, tốn rất nhiều chi phí và vốn đầu tư. Để chắc chắn tôm không bị nhiễm kháng sinh thì nhà máy phải đầu tư thiết bị kiểm kháng sinh LC/MS/MS, với mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng.
Mỗi nhà máy 10 tỷ đồng, vài trăm nhà máy tôm của Việt Nam có mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, gây lãng phí vô cùng lớn nguồn vốn của các doanh nghiệp.
Về thu hoạch, ướp, bảo quản và vận chuyển, do không đạt tiêu chuẩn và không có ai kiểm tra giám sát, nên tôm nguyên liệu của Việt Nam bị nhiễm vi sinh và doanh nghiệp mất rất nhiều chi phí để xử lý.
Mặt khác, khi thu hoạch tôm, các đại lý thường cho tôm uống nước, ngâm nước và ngâm thuốc từ 1 - 2 ngày để tăng trọng lượng 10 - 15% rồi mang đến bán cho các nhà máy, sản phẩm do đó chỉ bán được vào các thị trường cấp thấp với giá thấp. Việc một số doanh nghiệp chế biến thường làm ăn gian dối, gian lận như đưa tạp chất vào tôm, cân thiếu trọng lượng làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh con tôm Việt Nam và làm các doanh nghiệp làm ăn tốt, chân chính cũng bị vạ lây.
Giải pháp nào?
Ngành tôm Việt Nam hiện đang lỗi ở hệ thống, sai ở cách tiếp cận và hướng đi. Việt Nam đang đi theo hướng tôm sạch bệnh, nhưng để được sạch bệnh, chúng ta phải dùng hóa chất để diệt hết vi khuẩn gây bệnh. Khi diệt được hết vi khuẩn gây bệnh đồng thời cũng diệt luôn cả các vi sinh vật có ích.
Tuy chúng ta dùng hóa chất diệt vi khuẩn có hại, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nguồn bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan ra diện rộng. Các hộ nuôi sẽ sử dụng kháng sinh, vì thế, rủi ro tôm Việt Nam nhiễm kháng sinh lớn. Tôm, cá bị nhiễm kháng sinh thì không thể bán trên thị trường quốc tế, nhất là Nhật Bản, Mỹ và EU. Vì vậy, tôm của Việt Nam bị nhiễm kháng sinh là vấn đề nghiêm trọng, cần phải giải quyết ngay, nếu không ngành tôm của Việt Nam sẽ “chết”.
Ecuado chỉ có 170.000 héc-ta nuôi tôm (chưa bằng 1/3 diện tích nuôi tôm của Việt Nam), nhưng sản lượng tương đương với Việt Nam và đứng trong Top5 của thế giới.
Ở Thái Lan, Ấn Độ, định kỳ hàng tháng và tôm trước khi thu hoạch, cơ quan nhà nước lấy mẫu tôm nuôi kiểm tra, nếu tôm đạt và không nhiễm kháng sinh thì cơ quan nhà nước cấp cho một giấy được phép thu hoạch, vì thế giúp cho các doanh nghiệp chế biến rất nhiều. Tại sao Việt Nam không làm được như vậy?
Ở Ecuado, họ tiếp cận theo hướng sản xuất tôm bố mẹ, sản xuất con giống kháng bệnh và nuôi tôm với mật độ thấp 10 - 30 con/m2, tận dụng năng lượng tự nhiên của nước thủy triều và của gió nên giá thành nuôi tôm của họ rất thấp, chỉ dưới 50.000 đồng/kg tôm loại 50 - 60 con/kg, năng suất đạt 1 - 2,5 tấn/héc-ta/vụ. Một năm, họ nuôi được 3 vụ, năng suất đạt 3 - 7,5 tấn/héc-ta/năm.
Cũng chính cách tiếp cận theo hướng kháng bệnh và nuôi tôm mật độ thấp của Ecuado mà ngành nuôi tôm của họ phát triển rất bền vững và lợi nhuận cao. Vì thế, trong 15 năm qua, họ không hề bị dịch bệnh (trong khi đó, Việt Nam thì cứ 3 - 4 năm lại phát sinh một loại bệnh dịch mới) và sản lượng tôm của họ cứ tăng đều từ 5 - 10%/năm. Tổng cộng, Ecuado chỉ có 170.000 héc-ta nuôi tôm (chưa bằng 1/3 diện tích nuôi tôm của Việt Nam), nhưng sản lượng tương đương với Việt Nam và đứng trong Top5 của thế giới.
Các cơ sở nuôi tôm của Việt Nam phải hướng tới đạt tiêu chuẩn BAP và ASC, thay vì đạt tiêu chuẩn Viet G.A.P. Chứng nhận BAP là chứng nhận toàn cầu, mà sản phẩm tôm của Việt Nam chủ yếu xuất đi toàn cầu, còn tiêu dùng trong nước số lượng rất ít. Hiện tại, Nhà nước đang hỗ trợ cho các hộ nuôi tôm để đạt chứng nhận Viet G.A.P. Vậy nên chăng, số tiền hỗ trợ để đạt chứng nhận Viet G.A.P đó chúng ta nên chuyển sang hỗ trợ cho các chứng nhận BAP và ASC để giảm chi phí cho doanh nghiệp và làm cho sản phẩn tôm Việt Nam cạnh tranh hơn.