Hết thời cổ phiếu đầu cơ?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hai tuần trở lại đây, hàng loạt cổ phiếu nhỏ tăng phi mã trong giai đoạn từ quý IV/2021 đều có dấu hiệu đổ đèo.
Dòng tiền đang có xu hướng chuyển sang nhóm vốn hóa lớn. Dòng tiền đang có xu hướng chuyển sang nhóm vốn hóa lớn.

Gió đổi chiều

Các cổ phiếu nóng như NVT, HUT, TTF, HQC, TGG, JVC, DNP, BII, AGM… điều chỉnh mạnh trong giai đoạn vừa qua. Một số cổ phiếu như NVT, HUT, HQC, JVC, TTF… dư bán sàn khối lượng lớn.

Đơn cử, từ 30/3 đến 6/4, cổ phiếu NVT giảm 22,4% về 25.150 đồng/cổ phiếu. Từ 22/3 đến 6/4, cổ phiếu DNP giảm 28,3% về 24.800 đồng/cổ phiếu. Từ 24/3 đến 6/4, cổ phiếu HQC giảm 23%, về 7.890 đồng/cổ phiếu. Từ 21/3 đến 6/4, cổ phiếu HUT giảm 37% về 32.300 đồng/cổ phiếu…

Việc nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đồng loạt điều chỉnh bắt đầu xuất hiện kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC và các cá nhân liên quan bị truy tố vì hành vi thao túng giá cổ phiếu, bởi suy luận từ phía nhà đầu tư rằng tới đây, hàng loạt cổ phiếu tăng bất thường trong giai đoạn trước sẽ là đối tượng tiếp theo lọt vào tầm ngắm của cơ quan quản lý nhà nước trong nỗ lực làm trong sạch thị trường.

Đặc biệt, sau khi ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt tạm giam, trên thị trường xuất hiện hàng loạt tin đồn không kiểm chứng liên quan các lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết càng thúc đẩy làn sóng bán mạnh cổ phiếu đầu cơ.

Dưới góc nhìn của ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ mang dáng dấp đầu cơ sẽ bớt sôi động, vì nhà đầu tư nhận ra rủi ro cao khi tham gia cùng “đội lái”. Đây cũng là cảnh báo cho các “đội lái” thao túng giá phải chùn chân lại không thể làm quá mức như giai đoạn cuối năm 2021.

“Dòng tiền sẽ từ từ tìm đến cổ phiếu cơ bản, ngành hưởng lợi và ban quản trị tốt”, ông Tuấn dự báo.

Nếu lịch sử lặp lại, nhiều khả năng nhóm cổ phiếu đầu cơ đã trải qua chuỗi tăng nóng trong giai đoạn cuối năm 2021 sẽ tiếp tục bị chốt lời và quay về vạch xuất phát. Thực tế cho thấy, khi nhóm cổ phiếu đầu cơ thoái trào, nhóm cổ phiếu này thường mất hàng năm, hoặc thậm chí chục năm để tìm lại vùng đỉnh.

Thậm chí, có nhiều cổ phiếu không bao giờ quay lại đỉnh lịch sử. Điều này trái ngược với nhóm cổ phiếu cơ bản có xu hướng phá đỉnh lịch sử theo thời gian.

Sự chú ý dồn về nhóm VN30

Nếu như nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa đang điều chỉnh mạnh, nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn cho thấy xu hướng tích cực hơn sau thời gian dài đi ngang (kể từ đầu tháng 7/2021). Đà tăng của VN30 nhiều phiên đã đỡ cho chỉ số, thậm chí kéo chỉ số đi lên.

Trong phiên cuối tuần qua, khi chỉ số chung của thị trường mất tới 20,35 điểm thì mức giảm của VN-30 Index thấp hơn, với 17,65 điểm.

Trong bối cảnh thị trường đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố rủi ro, từ tâm lý nhà đầu tư cho diễn biến thế giới, dòng tiền tìm đến các cổ phiếu cơ bản tốt là điều dễ hiểu. Nhất là khi nhóm cổ phiếu trụ đi ngang trong một thời gian dài khi bị dòng tiền “quay lưng” để tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu đầu cơ.

Theo dữ liệu của SSI Research, kể từ 1/7/2021 đến 6/4/2022, định giá P/E của nhóm VN30 giảm 32%, về trung bình 16 lần, còn định giá theo P/B giảm 5%, về 3,3 lần. Xét về việc định giá cơ bản, nhóm VN30 đang có mức định giá hấp dẫn hơn kể từ tháng 7/2021 tới nay.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục