Hẹp cửa vay mua nhà

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù lãnh đạo ngành ngân hàng nhiều lần khẳng định không siết cho vay mua nhà ở thực, nhưng trên thực tế, người mua nhà vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng.
Nhiều người mua nhà để ở đang khó tiếp cận vốn ngân hàng. Ảnh: Dũng Minh Nhiều người mua nhà để ở đang khó tiếp cận vốn ngân hàng. Ảnh: Dũng Minh

Anh Mạnh Cường (ngụ tại Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, anh vừa bị từ chối giải ngân khoản vay hơn 1,4 tỷ đồng, tương đương 50% giá trị căn hộ diện tích gần 70 m2 định mua tại Thanh Trì, Hà Nội với lý do ngân hàng cạn “room”, cho dù đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn, bao gồm cả việc chứng minh thu nhập thường xuyên.

“Do chưa mua được nhà nên gia đình 3 người chúng tôi phải ở nhờ nhà người thân, bởi trước đó đã bán căn hộ cũ dồn tiền mua nhà mới với hy vọng được giải ngân là dọn về ở nhà mới ngay trong tháng 6 này. Song, điều tôi ngại nhất lúc này không phải là việc nhờ vả người thân, mà là tới khi được giải ngân trở lại phải mất thời gian đi làm lại hồ sơ vay vốn với nhiều giấy tờ, thủ tục… Chưa kể đến khi đó, giá mua nhà tiếp tục tăng lên hoặc không còn căn hộ ưng ý”, anh Cường buồn bã nói.

Không bị dừng giải ngân, nhưng chị Thanh Huyền (ngụ tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại gặp vấn đề khác, đó là lãi vay tăng mạnh so với cách đây vài tháng, ở mức hơn 9%/năm trong năm đầu và gần 11,5%/năm từ năm thứ 2 trở đi do mức lãi vay mới được điều chỉnh theo lãi suất tiền gửi 12 tháng cộng thêm biên độ khoảng 3,6%/năm.

“Các ngân hàng đang có chủ trương kiểm soát hoạt động cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản nên nguồn vốn dành cho lĩnh vực này không còn dồi dào như trước, cho nên điều kiện vay chặt hơn và lãi vay cũng cao hơn. Tuy nhiên, do đang ở nhà thuê nên vợ chồng tôi chấp nhận các yêu cầu từ ngân hàng để sớm được nhận nhà, ổn định cuộc sống”, chị Huyền cho hay.

Câu chuyện của anh Cường hay chị Huyền chỉ là 2 trong nhiều trường hợp gặp khó khăn khi vay vốn mua nhà ở hiện nay. Trong khi đó, tại phiên chất vấn các lãnh đạo ngành trong Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra cũng như một số cuộc hội thảo về khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản, lãnh đạo ngân hàng nhà nước nhiều lần khẳng định “chưa có văn bản nào chỉ đạo siết, dừng hay chặn tín dụng bất động sản”.

Khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, một vài chủ đầu tư đã hoãn kế hoạch mở bán trong 1-2 tháng qua bởi lo thanh khoản không được như ý khi việc cho vay mua nhà không còn dễ dàng. Nhiều báo cáo cập nhật sơ bộ tình hình thị trường quý II/2022 của các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng đề cập đến việc hoạt động giao dịch bất động sản sụt giảm mạnh từ đầu năm 2022. Việc không có các gói vay ưu đãi mua nhà vào thời điểm này tác động không nhỏ tới tâm lý người mua nhà.

Trên thực tế, một số nhà băng như Sacombank đã thông báo tạm “khóa van” đối với tín dụng bất động sản, kể cả cho vay mua nhà (ngoại trừ cán bộ, nhân viên của Ngân hàng). Nguyên nhân là nhiều ngân hàng đang dần cạn room tín dụng do tăng trưởng dư nợ của ngành khá cao trong 2 quý đầu năm. Những ngân hàng còn dư địa thì cho vay với lãi suất cao hơn đáng kể so với đầu năm.

Chị Ngân H., trưởng phòng cho vay khối khách hàng cá nhân một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại Hà Nội cho biết, vấn đề không nằm ở nhu cầu vay mua ở hay đầu tư, mà thực tế là room tín dụng của nhiều ngân hàng đã cạn, đang chờ Ngân hàng Nhà nước cấp thêm. Bản thân ngân hàng nơi chị công tác đã ngừng duyệt hồ sơ cho vay mua bất động sản ít nhất đến hết tháng 6/2022.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Homes cho biết, nợ xấu bất động sản có xu hướng tăng nhanh sau dịch nên việc kiểm soát cho vay lĩnh vực này là hợp lý nhưng không nên kéo dài, bởi càng lâu thì càng ảnh hưởng tới nguồn cung sản phẩm, từ đó càng đẩy tăng giá nhà, tác động tiêu cực tới tâm lý người dân cũng như thị trường.

Trong bối cảnh khó tiếp cận nguồn vốn hiện tại, nhiều thành viên thị trường kỳ vọng vào tiến trình đốc thúc giải ngân gói tín dụng 15.000 tỷ đồng mới hỗ trợ cho các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo ThS. Nguyễn Văn Đỉnh - chuyên gia bất động sản, việc chính sách này chỉ được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với điều kiện vay rất ngặt nghèo sẽ khó phát huy hiệu quả trên thực tiễn.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần kiểm soát tín dụng bất động sản một cách linh hoạt, phù hợp, có chọn lọc, thay vì cào bằng mọi đối tượng. Theo ông Thịnh, Chính phủ nên đẩy mạnh cho vay với những dự án đầy đủ pháp lý, đáp ứng nhu cầu ở thực, nhất là với dự án nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Ninh Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục