Lãi vay mua nhà khó giảm thêm trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất vay mua nhà được áp dụng phổ biến tại các ngân hàng thương mại trong nước đầu tháng 1/2022 tiếp tục dao động từ 5 - 8,99%/năm, nhưng với xu hướng nhích dần của lãi suất tiết kiệm, khả năng mặt bằng lãi suất vay mua nhà khó giảm thêm. 
Lãi vay mua nhà khó giảm thêm trong năm 2022

Ổn định đầu năm 2022

Ngân hàng PVcomBank vẫn duy trì gói sản phẩm cho vay mua nhà với mức lãi suất thấp nhất là 5%năm, mức này chỉ áp dụng cho 6 tháng vay đầu tiên.

Sau khi hết thời gian hưởng ưu đãi, khách hàng sẽ chuyển sang trả lãi suất vay ở mức 12%/năm. Thời hạn cho vay có thể kéo dài đến 20 năm và hạn mức cho vay tối đa là 85%/năm giá trị của tài sản đem ra thế chấp.

Từ nay đến ngày 28/2/2022, Nam A Bank dành 3.000 tỷ đồng, ưu đãi giảm lãi suất cho vay về mức 5,99%/năm đối với khoản vay hiện hữu của khách hàng cá nhân đang vay phục vụ nhu cầu đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh.

TPBank có gói lãi suất cho cá nhân vay đang được triển khai chỉ 5,9%/năm và được áp dụng cho 3 tháng vay đầu tiên.

Bên cạnh đó, TPBank cũng triển khai cùng với hai gói ưu đãi khác như 8,1%/năm lãi suất vay trong 6 tháng đầu hoặc mức 8,9%/năm trong 24 tháng đầu.

Đối với VPBank, lãi suất cho vay ưu đãi 5,9%/năm. Thời hạn cho vay kéo dài đến 25 năm với hạn mức vay lên đến 75% giá trị của tài sản thế chấp.

Thêm một số các chương trình cho vay mua nhà đến từ các ngân hàng khác cùng mức lãi suất tương đối cạnh tranh như: Woori Bank (6,1%/năm), Hong Leong Bank (6,19%/năm), Shinhan Bank (6,2%/năm)…

Tại Shinhan, lãi vay mua nhà bắt đầu giảm trong tháng 10/2021 so với quý II/2021. Cụ thể, kể từ tháng 10/2021, lãi suất vay mua nhà của ngân hàng Shinhan giảm mạnh ở gói cố định 5 năm đầu.

Cụ thể, năm đầu tiên khách hàng vay được giảm từ 7,8% xuống chỉ còn 5,49% năm (tức thấp hơn 2,31% so với trước) và duy trì không đổi trong suốt 12 tháng đầu.

Bên cạnh giảm lãi suất, Shinhan Việt Nam cũng cho hay, Ngân hàng còn đẩy mạnh cơ cấu nợ, giảm lãi vay cho khách hàng vay mua nhà bị ảnh hưởng bởi đại dịch covid-19.

Ngoài ra, Shinhan áp dụng chính sách lãi suất cố định kéo dài và ở mức thấp trong suốt 4 năm sau đó (7,8% năm), đây cũng là một khác biệt rất lớn so với các ngân hàng khác trên thị trường.

Mức lãi suất cho vay mua nhà cao nhất ở thời điểm hiện tại là 8,99%/năm được ghi nhận tại ngân hàng Bắc Á. Hạn mức cho vay tối đa là 90% giá của tài sản với thời hạn cho vay tối đa lên đến 25 năm.

Ngoài ra, các ngân hàng có mức lãi suất cho vay mua nhà áp dụng hiện nay như: Techcombank (6,69%/năm); Vietcombank (6,79%/năm); OCB (6,99%/năm); Eximbank (7,49%/năm); Lienvietpostbank (7,5%/năm)...

Nhìn chung, lãi suất vay mua nhà tại các ngân hàng thương mại trong nước và ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam về cơ bản vẫn được giữ ổn định trong tháng đầu năm 2022, một số ngân hàng điều chỉnh giảm từ 0,5 - 2%.

Nhưng khó giảm thêm

Tuy nhiên, các nhận định đưa ra lãi suất cho vay đối với cá nhân có nhu cầu mua nhà sẽ khó giảm thêm trong nửa đầu năm nay và khả năng sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm 2022 khi cầu vốn của khách hàng ngày một gia tăng sau làn sóng Covid-19 thứ 4.

Thực tế trong 2 tháng cuối năm 2021, lãi suất cho vay mua nhà ổn định, nhưng khó giảm sâu. Thứ nhất, do nguồn vốn (chi phí đầu vào) của các ngân hàng hiện đã tới ngưỡng để khó có thể hỗ trợ cho đầu ra, tức giảm lãi suất vay.

Cụ thể, muốn giảm lãi suất cho vay thì cần giảm lãi suất huy động. Nhưng trong bối cảnh hiện nay ngân hàng sẽ khó giảm thêm lãi suất tiết kiệm vì ảnh hưởng đến nguồn tiền gửi vốn đã giảm đi nhiều sau đại dịch sẽ càng khó quay trở lại ngân hàng.

Còn cầu về tín dụng sẽ tăng những tháng cuối năm, làm tăng áp lực về nguồn vốn. Tín dụng ngành ngân hàng đến ngày 27/12/2021 đạt 12,97% so cuối năm 2020. Nhưng chỉ trong gần 1 tháng (12/202), tăng trưởng tín dụng toàn ngành kinh tế tăng đến 2,8% so với tháng 11/2021 và tăng 4,27% so với tháng 10/2021.

Ngược lại, tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng khó theo kịp tăng trưởng tín dụng trong thời gian gần đây. Thậm chí, theo Ngân hàng Nhà nước, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9/2021 đạt hơn 10,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 5,3% so với hồi đầu năm.

Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 380.291 tỷ đồng, tương đương tăng 7,8% so với đầu năm; tiền gửi dân cư chỉ tăng 2,92%, đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng hơn 150.000 tỷ đồng so với đầu năm nay.

Đặc biệt, trong tháng 8 và tháng 9/2021, tiền gửi dân cư liên tục sụt giảm so với các tháng trước đó. Cụ thể, tháng 8/2021 giảm 986 tỷ đồng, tháng 9/2021 giảm 1.473 tỷ đồng. Trong quý IV/2021, huy động vốn của ngân hàng có cải thiện nhưng tăng trưởng vẫn chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng.

Vì vậy, theo nhận định của một lãnh trong ngành ngân hàng, không loại trừ tình hình lãi suất (cả huy động và cho vay) có thể sẽ rất khác trong 2022, đặc biệt khi tình hình dịch Covid-19 sẽ dần được kiểm soát tốt từ cuối quý II/2022 như kỳ vọng và kinh tế dần hồi phục trở lại.

Khi đó, để thực hiện thành công các mục tiêu về điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2022, rất có thể Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt hơn. Theo đó, lãi suất đối với tín dụng nói chung cũng như cho vay mua nhà nói riêng trong năm 2022 chắc chắn sẽ tăng cao hơn so với 2021.

Trong báo cáo chiến lược mới đây, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, mặt bằng lãi suất năm 2022 sẽ khó giảm thêm so với cuối năm 2021. Lãi suất nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại (quanh mức 0,25-0,5 điểm phần trăm), nhất là trong nửa cuối của năm 2022.

Theo Công ty chứng khoán SSI, dư địa cho việc giảm mạnh lãi suất huy động là không còn. Ước tính lãi suất huy động có thể sẽ tăng 20-25 điểm cơ bản trong năm 2022 tại các ngân hàng lớn, mức tăng có thể cao hơn tại các ngân hàng có bảng cân đối kế toán kém lành mạnh hơn.

Còn trong trung hạn, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế phục hồi, lãi suất huy động có xu hướng tăng lên, theo Công ty chứng khoán MB (MBS).

Tại phiên họp bất thường của Quốc hội thảo luận về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, dư địa chính sách tiền tệ trong gói hỗ trợ ít hơn chính sách tài khoá, dù vậy hệ thống sẽ “phấn đấu” giảm lãi suất từ 0,5 - 1% trong vòng 2 năm tới.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung vào trọng điểm, hỗ trợ đối tượng phù hợp và khắc phục những hạn chế của các gói hỗ trợ trước.

Lãi suất điều hành trong năm 2021 đã tiếp tục được giữ ở mức thấp, sau khi đã cắt giảm 3 lần trong năm 2020 khi dịch Covid-19 lần đầu xuất hiện. Từ đó đến nay, doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm nhưng chỉ có lãi suất huy động giảm nhanh, còn lãi suất cho vay thì giảm chậm hơn.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục