Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài theo hình thức trực tuyến tại Trụ sở Bộ Công thương, chiều muộn ngày 19/8.
Cuộc làm việc nhằm đánh giá tình hình, kết quả triển khai và bàn giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2022, định hướng giai đoạn 2023-2025, củng cố phát triển các thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới nhiều tiềm năng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, các chuỗi cung ứng, tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên trong bối cảnh tình hình hiện nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan tổ chức hội nghị này.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh khó khăn của kinh tế và thương mại toàn cầu, xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm của Việt Nam đạt được những kết quả tích cực.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với hơn 433,6 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 217,3 tỷ USD, tăng 16,6% (cùng kỳ tăng 30,9%); kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 216,3 tỷ USD, tăng 14% và cơ bản được kiểm soát tốt.
"Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu với con số trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,3 tỷ USD), góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Về các khu vực thị trường, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với khu vực thị trường châu Á - châu Phi đạt 289,4 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu đạt 103,5 tỷ USD, tăng 13,5%, nhập khẩu đạt 185,9 tỷ USD, tăng 16,5%.
Xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á đạt 20,5 tỷ USD, tăng 26,5%. Kim ngạch xuất khẩu sang đa số các thị trường chính trong khu vực Đông Nam Á ghi nhận tăng trưởng ở mức hai con số trong nửa đầu năm 2022.
Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 30 tỷ USD, tăng 5,1%; sang Hàn Quốc đạt 14,2 t; sang Ả rập Xê-út đạt 380 triệu USD, tăng 69%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2022 khu vực thị trường châu Âu - châu Mỹ đạt 136,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 110,1 tỷ USD, xuất siêu 83,5 tỷ USD. Cụ thể:
Kim ngạch xuất nhập khẩu với khu vực thị trường châu Âu đạt 44 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021 (bao gồm xuất khẩu đạt 32,5 tỷ USD, tăng 13,9%; nhập khẩu đạt 11,5 tỷ USD, giảm 4,6%);
Trong đó, xuất nhập khẩu với EU27 đạt 36,85 tỷ USD, tăng 13,4%. Kim ngạch xuất nhập khẩu với khu vực thị trường châu Mỹ đạt 92,8 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ (bao gồm: xuất khẩu đạt 77,6 tỷ USD, tăng 23,1%; nhập khẩu đạt 15,1 tỷ USD, tăng 3,6%).
Trong đó, xuất nhập khẩu với Mỹ đạt 75,7 tỷ USD, tăng 20,2% (gồm: Xuất khẩu đạt 67 tỷ USD, tăng 24,2%; nhập khẩu đạt 8,7 tỷ USD, giảm 3,8%).
Dù xuất nhập khẩu 7 tháng là điểm sáng, nhưng Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ rõ, công tác xuất khẩu những tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, làm giảm sức cầu hàng hóa. Chiến sự tại Ukraine và việc Trung Quốc quyết liệt theo đuổi chiến lược “Zero Covid” khiến chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy, đặt ra nhiều rủi ro về nguồn cung nguyên vật liệu, đảm bảo an ninh năng lượng.
Lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia (khu vực Eurozone là 8,6% hay tại Hoa Kỳ là 9,1%) và dự kiến sẽ còn ở mức cao làm tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu chịu ảnh hưởng, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước.
Giá một số nguyên liệu đầu vào tăng, giá cước vận tải mặc dù có dấu hiệu giảm nhưng vẫn ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế, tạo ra những khó khăn cho kinh tế và thương mại toàn cầu nói chung, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu, cũng như từng quốc gia, nhất là đại dịch Covid-19. Xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng sâu sắc tới mọi lĩnh vực trên toàn thế giới, dẫn đến chuỗi cung ứng, sản xuất đứt gãy cục bộ, giá cả năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào và nông sản ở mức cao, lạm phát ở nhiều nước tăng cao, nhưng vượt qua mọi khó khăn, tình hình kinh tế-xã hội 7 tháng năm 2022 của nước ta tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng năm 2022 đạt trên 433 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ và dự báo cả năm 2022 đạt khoảng 800 tỷ USD. An sinh xã hội được quan tâm; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn (thu-chi, xuất-nhập khẩu, năng lượng, lương thực-thực phẩm, cung ứng lao động) được đảm bảo, tăng trưởng ở mức cao.
"Trong các thành tích nổi bật đó có sự đóng góp quan trọng của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là của ngành Công thương với hệ thống Thương vụ ở nước ngoài", Thủ tướng Chính phủ ghi nhận.
Trước dự báo tình hình thế giới, khu vực thời gian tới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, có thể dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và kinh tế trong nước do chúng ta có độ mở lớn (trên 200%). Trong khi đó, các thị trường lớn của Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động của lạm phát, đồng tiền mất giá, thị trường xuất nhập khẩu thu hẹp…
"Bối cảnh này đòi hỏi ngành Công thương nói chung và hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nói riêng phải tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác nghiên cứu thị trường, tham mưu chính sách và nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng các cơ hội từ các FTA thế hệ mới, thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng", Thủ tướng chỉ đạo.