Hệ thống TCTD vừa trải qua giai đoạn đầu tiên của quá trình tái cơ cấu. Theo bà những kết quả đã đạt được là gì và những kết quả này có tạo đà cho hệ thống phát triển bền vững hơn trong thời gian tới?
Trước tiên, nhìn lại ngành Ngân hàng trong năm 2016 vừa qua đã đạt được những thành quả rất đáng ghi nhận, đó là tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm từ nhiều nỗ lực khác nhau, trong đó có nội lực từ bản thân các ngân hàng; kỷ luật thị trường được từng bước giữ vững, mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức hợp lý, thị trường ngoại hối ổn định, tăng trưởng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh là những yếu tố hỗ trợ cho hoạt động của ngành Ngân hàng cũng như cho toàn bộ nền kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Hồng
Đặc biệt, đây cũng là năm kết thúc giai đoạn đầu tiên của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011-2015, với 5 kết quả nổi bật:
Thứ nhất, đảm bảo sự an toàn, tránh được nguy cơ đổ vỡ cho hệ thống ngân hàng;
Thứ hai, đã nhận diện và xử lý bước đầu một số TCTD yếu kém trong điều kiện khó khăn về nguồn lực;
Thứ ba, nhiều kết quả tích cực trong cơ cấu lại toàn diện các loại hình TCTD, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững các định chế này trong thời gian tới;
Thứ tư, nợ xấu đã bước đầu được xử lý trong điều kiện không có nguồn lực tài chính.
Thứ năm, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đã hỗ trợ tích cực cho việc thực thi chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và có hiệu quả; môi trường kinh doanh ngân hàng được lành mạnh hơn; kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, thị trường vàng và lĩnh vực ngân hàng được chấn chỉnh và nâng cao, góp phần ổn định, đảm bảo an ninh tài chính - tiền tệ.
Với những kết quả khả quan nêu trên, mặc dù còn nhiều thách thức nhưng rõ ràng hệ thống ngân hàng Việt Nam đã và đang hình thành được những nền tảng nhất định, tạo đà để từng ngân hàng và định chế tài chính nói riêng cũng như toàn hệ thống nói chung bước vào một thời kỳ tăng trưởng mới.
Theo bà các TCTD cần phải làm gì để có thể bứt phá trong giai đoạn tới và NHNN sẽ có những giải pháp nào để hỗ trợ các TCTD?
Năm 2017 cũng được dự báo với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Một số cơ hội có thể kể đến là:
Một là, sự lên ngôi của công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) trong vòng 30 năm trở lại đây đã làm cả xã hội thay đổi. Việc chính phủ có thể khai thác những lợi ích từ ICT cũng như có những biện pháp giám sát an toàn là một trong những điểm then chốt trong thiên niên kỉ mới. Khai thác được những lợi ích cũng như giảm thiểu rủi ro và tác động tiêu cực từ ICT là một trong những yếu tố then chốt đối với một ngân hàng hiện đại trong năm 2017 sắp tới.
Hai là, với xu hướng toàn cầu hóa trong hoạt động hệ thống ngân hàng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ; vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng đổ mạnh vào các nền kinh tế đang phát triển do môi trường kinh doanh đang có sự thay đổi theo hướng tích cực tạo động lực cho các ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động và mạng lưới khách hàng thông qua việc vươn tới các thị trường mới, xa hơn.
Việc bùng nổ hoạt động ngân hàng cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn trong lĩnh vực này đã làm dấy lên nhu cầu tất yếu của việc phát triển hoạt động ngân hàng xuyên biên giới thông qua các hình thức như hợp tác, mua lại, sáp nhập và hiện diện thương mại; mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các ngân hàng
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, cụ thể là lộ trình áp dụng Basel II ngày một gắt gao, đòi hỏi nhiều ngân hàng phải nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu áp dụng đầy đủ tiêu chuẩn này.
Xu thế toàn cầu hóa với sự tăng cường hiện diện của các NHTM nước ngoài có thể tạo nhiều sức ép cho hệ thống ngân hàng trong nước; xu hướng phát triển và hoàn thiện về quản trị ngân hàng, quản trị rủi ro theo các chuẩn mực quốc tế mới dẫn đến yêu cầu phải nâng cao công tác giám sát hoạt động ngân hàng;
Sự phát triển của công nghệ cũng có thể làm thay đổi mô hình và triết lý phát triển sản phẩm. Những tư tưởng truyền thống về tính cạnh tranh của sản phẩm như giá cả, lợi ích đính kèm có thể sẽ dần bị thay thế bằng khả năng dễ tiếp cận, tính tùy biến, mức độ cá nhân hóa cũng như tính kết nối của sản phẩm.
Đặc biệt, sự bùng nổ của kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra yêu cầu đối với từng ngân hàng trong việc định hình lại mô hình kinh doanh, quản trị, hướng tới việc xây dựng các ngân hàng kỹ thuật số thông minh trong tương lai.
Sự phát triển của công nghệ sẽ làm thay đổi mô hình và triết lý phát triển sản phẩm ngân hàng
Nếu từng ngân hàng nắm bắt tốt được những cơ hội nói trên, chủ động ứng phó một cách nhạy bén, thì toàn hệ thống sẽ có thêm nhiều động lực để tạo nên một chu kỳ tăng trưởng mới, hứa hẹn nhiều khởi sắc. Theo đó trong thời kỳ tăng trưởng mới này, ngành Ngân hàng cần chú trọng vào năm trụ cột lớn sau đây:
Một là, hoàn thiện khung khổ pháp lý về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, theo thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập;
Hai là, tăng cường năng lực thể chế, nâng cao vị thế, tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của NHNN; từng bước đổi mới khung khổ chính sách tiền tệ (CSTT), công tác quản lý ngoại hối và vàng;
Ba là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế;
Bốn là, phát triển hệ thống các TCTD đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế; phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, tạo cơ sở nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng;
Năm là, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính - tiền tệ quốc gia (bao gồm thị trường tiền tệ và các hệ thống thanh toán và quyết toán) theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập.
Nhìn về năm 2017 và những năm tới, CSTT vẫn tiếp tục chịu nhiều tác động từ bên ngoài như Fed tăng lãi suất, biến động kinh tế tài chính của châu Âu và nhiều nền kinh tế. NHNN đã chuẩn bị thế nào cho các thách thức này?
Năm 2016 vừa qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, điều hành CSTT của NHNN đã đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Kết quả nổi bật là mặt bằng lãi suất được giữ ổn định, tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế gắn với đảm bảo chất lượng, tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng, củng cố lòng tin vào đồng Việt Nam, CSTT và chính sách tài khóa được phối hợp hiệu quả; từ đó góp phần quan trọng vào thành công trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Bước sang năm 2017, bên cạnh yếu tố thuận lợi từ tiền đề kết quả của năm 2016 thì điều hành chính sách vĩ mô nói chung và điều hành CSTT nói riêng tiếp tục đối mặt với những thách thức và áp lực.
Trên thế giới, bối cảnh kinh tế diễn biến phức tạp với dự báo tăng trưởng kinh tế chưa có nhiều cải thiện, giá hàng hóa tiếp tục xu hướng tăng, đồng USD tăng giá khi FED tăng lãi suất trên thị trường tài chính quốc tế...
Những diễn biến này có thể tác động không thuận lợi đến tăng trưởng, xuất khẩu, cũng như sức ép đến kiểm soát lạm phát, thị trường tiền tệ, ngoại tệ trong nước.
Đối với ngành ngân hàng, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ và đánh giá kinh tế vĩ mô tiền tệ, ngay từ đầu năm NHNN đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai hoạt động ngân hàng năm 2017.
Trọng tâm là thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành CSTT nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý; duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay; điều hành tín dụng theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với chất lượng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Trong quá trình điều hành, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong và ngoài nước để kịp thời, chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp, với thời điểm, liều lượng hợp lý, góp phần ổn định cân đối vĩ mô của nền kinh tế và đạt được mục tiêu CSTT.
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 với dự báo sẽ thay đổi nhiều ngành nhiều lĩnh vực sản xuất, trong đó có cả ngành Ngân hàng. Vậy các ngân hàng đã có sự chuẩn bị như thế nào để bắt kịp bước tiến của thời đại?
Nhiều chuyên gia cho rằng, CMCN 4.0 sẽ tác động mạnh đến (i) trình độ phát triển kinh tế; (ii) tăng trưởng kinh tế; (iii) mô hình kinh doanh; và (iv) thị trường lao động của nhiều quốc gia.
Vì vậy, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc hoàn tất nhiều hiệp định thương mại tự do quy mô lớn như TPP, FTA với EU, Liên minh kinh tế Á - Âu... việc chủ động chuẩn bị những nền tảng cần thiết để tiếp cận thành tựu công nghệ mới từ cuộc cách mạng này sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của đất nước.
Những tiến bộ và công nghệ nổi bật từ cuộc CMCN 4.0 mà cụ thể là Internet di động, điện toán đám mây, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT) sẽ là bàn đạp giúp các ngân hàng trong nước phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Ảnh hưởng của CMCN 4.0 là cơ hội để các ngân hàng trong nước định hình lại mô hình kinh doanh, quản trị, hướng tới việc xây dựng các ngân hàng kỹ thuật số thông minh trong tương lai.
Mặc dù vậy, cuộc cách mạng này cũng đặc ra không ít thách thức mà hệ thống ngân hàng nói chung và từng ngân hàng nói riêng phải đối mặt:
Một là, thách thức trong việc thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình quản trị: Những tiến bộ và công nghệ nổi bật từ cuộc CMCN 4.0 đang buộc các ngân hàng trong nước phải xem xét lại cách thức hoạt động kinh doanh của mình, có những điều chỉnh để phù hợp với xu hướng quản trị thông minh AI, mô hình ngân hàng di động, ngân hàng không giấy, ngân hàng số.
Hai là, thách thức trong việc phát triển các kênh phân phối mới, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, mang tính tích hợp cao. Chúng ta đang sống trong một thế giới siêu kết nối với những tin nhắn trực tuyến, mạng xã hội, máy tính bảng cảm ứng đa điểm và hàng loạt công nghệ sinh học, số hóa khác; khách hàng sẽ đòi hỏi tiện ích dịch vụ ngân hàng có khả năng tích hợp trên cùng một thiết bị, cho phép họ có thể sử dụng các dịch vụ di động tại bất cứ nơi nào, bất cứ thời gian nào.
Ba là, xu hướng giảm dần vai trò của các chi nhánh. Các chi nhánh không còn đóng vai trò quan trọng nhất - đồng thời cũng sẽ không phải là kênh phân phối mang lại nhiều lợi nhuận nhất trong tương lai.
Ngày nay, những tiện ích cơ bản mà một ngân hàng cung cấp luôn sẵn sàng tại mọi thời điểm trong không gian kỹ thuật số - nói cách khác, chúng ta đã chuyển từ chỗ phụ thuộc vào chi nhánh để được cung cấp tiện ích của một ngân hàng xác định sang chỉ phụ thuộc tiện ích của một ngân hàng bất kỳ.
Bốn là, thách thức về rủi ro IT và chất lượng nguồn nhân lực: Sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số kéo theo sự gia tăng những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao, tin tặc hoạt động ngày càng thường xuyên.
Thêm vào đó, sự gia tăng không ngừng của các sản phẩm tài chính xuyên biên giới và các sản phẩm tài chính phái sinh trong bối cảnh hội nhập là cũng là nguyên nhân khiến hạ tầng an ninh mạng trở nên vô cùng quan trọng đối với các ngân hàng.
Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, không chỉ là về trình độ nghiệp vụ ngân hàng mà còn là kỹ năng về vận hành công nghệ số, tính tuân thủ về quy trình vận hành cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong môi trường IT cũng là một thách thức cần quan tâm.