Nợ xấu nhiều hơn nợ tổng thể
NHNN cho biết, đến ngày 29/12/2016, tín dụng tăng 18,71% so với cuối năm 2015. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn nhiều hơn nợ tổng thể và điều này tiếp tục đặt ra những thách thức cho các nhà quản lý. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ (tỷ lệ NPL) đã giảm dần khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua các tài sản yếu kém từ các ngân hàng, nhưng những nguy cơ tín dụng tiềm ẩn và suy giảm vốn liên kết vẫn chưa được loại bỏ. Chính vì vậy, việc giải quyết nợ xấu bị kéo dài, cần có những trọng tâm chính sách đặc biệt và có thể thêm vào gánh nặng nợ công.
“Tôi nghĩ, trong năm 2017, chính sách tín dụng của NHNN vẫn sẽ ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô - mục tiêu tiếp tục của đất nước trong 5 năm tới. Tăng trưởng tín dụng sẽ được ưu tiên cho những lĩnh vực quan trọng cho nền kinh tế và căn cứ vào hiệu quả sử dụng vốn, đó là sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, kiểm soát tín dụng ở những lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán”, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định.
Ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ , NHNN cho hay, năm 2017, NHNN sẽ thực hiện các giải pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp điều kiện của nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục cho phép tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu đến hết 31/12/2017.
NHNN cũng đặt ra định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2017 là 18%, tổng phương tiện thanh toán tăng từ 16 - 18%.
Từ 2017 sẽ xử lý triệt để các yếu kém
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra giám sát phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát, NHNN cho biết, năm 2016 vừa qua, NHNN tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến hệ thống bao gồm: tổ chức mô hình, năng lực điều hành kiểm soát rủi ro, năng lực tài chính và kiểm soát nợ xấu.
Theo đó, số lượng ngân hàng yếu kém đã được thu hẹp thông qua hợp nhất, sáp nhập tự nguyện. Năng lực tài chính của hầu hết các ngân hàng được nâng lên một bước, các tổ chức tín dụng yếu kém về cơ bản được nhận diện về số lượng.
Cụ thể, các ngân hàng yếu kém được kiểm soát, tái cơ cấu, giám sát chặt chẽ hoạt động; các tồn tại, yếu kém được chấn chỉnh, xử lý. Nợ xấu được giữ ổn định ở mức dưới 3%, đến 30/11/2016 còn khoảng 2,46%. Từ đầu năm 2016 đến hết 30/11/2016, VAMC đã thực hiện mua 839 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc là 23.283 tỷ đồng, giá mua nợ là 22.483 tỷ đồng.
Lý giải về con số nợ xấu giảm còn 2,46%, ông Nguyễn Văn Hưng cho biết, tỷ lệ này giảm vì hệ thống đã tập trung tất cả nguồn lực xử lý, chủ yếu bằng nguồn lực dự phòng rủi ro và bán tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, việc các nhà băng bán nợ xấu cho VAMC giảm vì nợ xấu phát sinh trong năm 2016 giảm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hải nêu quan điểm, vẫn còn khoảng 200.000 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC chưa được giải quyết. Việc giải quyết nợ xấu nhất định phải có sự tham gia của khối tư nhân. Bên cạnh đó, cần xem xét việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu ngân hàng vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mạnh dạn tham gia tái cơ cấu ngân hàng nếu họ không có sự hỗ trợ của Chính phủ về vốn và các điều kiện khác.
“Chúng ta cũng nên xem xét việc cho phép các ngân hàng nhỏ, nợ xấu cao và không có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính được phá sản. Biện pháp này sẽ giúp loại bỏ các thành viên yếu kém trên thị trường mà NHNN không cần tốn nhiều nguồn lực để giải quyết”, ông Hải nhấn mạnh.
Đối với các ngân hàng được mua với giá 0 đồng, NHNN cho biết, vẫn kiểm soát chặt hoạt động của các tổ chức tín dụng này, căn cứ diễn biến thực tiễn để có chỉ đạo cụ thể. Đặc biệt, NHNN xây dựng, đánh giá toàn diện đề án triển khai ngân hàng 0 đồng, xin ý kiến các bộ, ngành, trình Chính phủ, Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo, hiện đang hoàn thiện đề án.
“Về Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020, NHNN đã đánh giá toàn diện trên cơ sở xin ý kiến các bộ, ngành và chiều 4/1, Thường trực Chính phủ họp xem xét phê duyệt trước khi thực hiện đầu năm 2017. Tóm lại, năm 2016 là năm bản lề và từ năm 2017 bắt đầu thực hiện xử lý triệt để các vấn đề yếu kém”, ông Hưng nói.