Hệ thống ngân hàng: Bệ đỡ cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài

(ĐTCK) “Việc một ngân hàng có mạng lưới hoạt động tốt trong khu vực, đồng thời hiểu rõ khách hàng của mình sẽ hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư sang các thị trường nước ngoài để phục vụ mục đích phát triển”. Đó là quan điểm của ôngTareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ (Việt Nam) trong cuộc trao đổi với ĐTCK.
Hệ thống ngân hàng: Bệ đỡ cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài

Ông có nhận xét gì về xu hướng các doanh nghiệp trong nước đang mở rộng đầu tư ra nước ngoài? Liệu ông có nghĩ xu hướng này sẽ trở nên phổ biến hơn?

Chúng ta thấy một số doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng đầu tư ra các thị trường mới. Ví dụ, Vinamilk vừa thông báo về việc mở rộng kinh doanh sang thị trường Hoa Kỳ giống như việc họ đã từng làm trước đây tại New Zealand. Vinamilk  mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài với một chiến lược rất rõ ràng. Một ví dụ khác là Viettel, đến thời điểm này họ đã chính thức đầu tư, kinh doanh tại 4 thị trường ở 3 châu lục là Lào, Campuchia (châu Á), Haiti (châu Mỹ) và Mozambique (châu Phi), với cách xác định thị trường, mô hình và chiến lược đầu tư ra nước ngoài rất xuất sắc.

Không chỉ có doanh nghiệp, các ngân hàng Việt Nam cũng bắt đầu mở rộng hoạt động ở nước ngoài như VietinBank đã khai trương và đi vào hoạt động Chi nhánh VietinBank CHLB Đức tại Frankfurt, BIDV mở rộng hoạt động tại Campuchia, Sacombank mở chi nhánh tại Lào… và nhiều ngân hàng đang nghiên cứu một số thị trường quốc tế khác.

Tôi nhận thấy, còn rất nhiều cơ hội đầu tư ra nước ngoài và các doanh nghiệp đang bắt đầu khám phá những chân trời mới để phát triển. Điều này hoàn toàn hợp lý. Xu hướng đầu tư ra nước ngoài sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, nhưng theo từng bước một, bởi cũng cần có những cẩn trọng nhất định. Các doanh nghiệp phải có một chiến lược thật rõ ràng và thực tế, nếu không sẽ vô cùng tốn kém.

ANZ hiện có mặt tại 33 thị trường trên toàn cầu

Theo ông, vì sao xu hướng này lại diễn ra?

Việc mở rộng đầu tư ra thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam thường là để phục vụ mục đích phát triển nhiều hơn là giảm chi phí. Một số công ty quốc tế đầu tư vào Ấn Độ, Bănglađet, Việt Nam hay Philippines để cắt giảm chi phí, nhưng đối với các công ty Việt Nam, chi phí đã được quản lý khá tốt nên mục đích mở rộng chủ yếu là để phát triển hoạt động và tăng doanh thu.

Doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động có thể theo chiều ngang hoặc theo ngành dọc. Với một số công ty, mục đích là để tìm kiếm khách hàng mới và tăng doanh thu, còn với những công ty khác, có thể là để tìm nguồn cung mới cho sản phẩm của họ. Vậy nên, xu hướng này diễn ra có thể vì rất nhiều lý do, nhưng cốt lõi vẫn là tìm một tương lai phát triển bền vững.

Các công ty thường bắt đầu bằng việc mua bán và thực hiện các hoạt động thương mại tại một số quốc gia khác nhau trong vài năm để làm quen với những thị trường đó. Một khi đã tự tin hơn và hiểu rõ hơn về thị trường mà doanh nghiệp đang giao thương, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ đưa ra quyết định đầu tư.

Theo ông, ngành nào và thị trường nào có hoạt động này đang diễn ra nhiều nhất?

Theo tôi quan sát, ở một số ngành việc đầu tư ra thị trường nước ngoài đang diễn ra khá mạnh như: viễn thông, nông nghiệp, các ngành khai khoáng, tài nguyên, khoáng sản, năng lượng và các ngành công nghệ. Trong ngành sản xuất, tôi chưa thấy nhiều hoạt động đầu tư ra nước ngoài, có lẽ do ngành này vẫn còn non trẻ. Nhiều thị trường đang được doanh nghiệp Việt mở rộng đầu tư, trong đó phải kể đến thị trường Lào.

Hệ thống ngân hàng có thể giúp gì cho những hoạt động đầu tư này?

Ngân hàng thực sự đóng vai trò quan trọng. Ví dụ, ANZ có mặt tại 33 thị trường trên toàn cầu và chúng tôi vừa gặp gỡ một số công ty đang hoạt động tại Lào, Campuchia và cả Đông Timo. Các doanh nghiệp này sử dụng dịch vụ và cộng tác với ANZ ở mỗi thị trường kể trên. Thế nên, dù có đầu tư tại những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, doanh nghiệp đó vẫn có thể làm việc với lãnh đạo và nhân viên ở Hà Nội. Đội ngũ cán bộ ANZ sẽ phối hợp với đồng nghiệp tại các nước kể trên để giúp họ trong việc mở tài khoản, quản lý tài chính, quản lý tiền mặt, quản lý ngoại tệ và những rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư nước ngoài. Đó là minh chứng cho thấy, sự có mặt của hệ thống ngân hàng có thể hỗ trợ rất nhiều cho các công ty, đặc biệt khi mở rộng hoạt động ra các nước trên thế giới.

Ông có thể đưa ra một ví dụ về những gì ANZ đã làm để hỗ trợ khách hàng của mình ở nước ngoài?

Tôi có một ví dụ rất thú vị mà ANZ vừa hỗ trợ khách hàng gần đây: một doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng hoạt động tại một thị trường láng giềng như Campuchia và họ cần vay vốn cho việc mở rộng này. Vì là công ty hoàn toàn mới ở Campuchia, nên các ngân hàng ở Campuchia không thể mạo hiểm hỗ trợ cho vay. Nhưng với ANZ, Ngân hàng đã có mối quan hệ kinh doanh tốt tại Việt Nam với doanh nghiệp này từ trước và chúng tôi biết rõ đây là một công ty có uy tín nên có thể giúp doanh nghiệp vay vốn tại Campuchia. Hiện tại, công ty này đang hoạt động rất tốt tại Campuchia. ANZ có thể nhanh chóng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp này để đáp ứng nhu cầu phát triển của họ vì có mạng lưới hoạt động tốt trong khu vực và đội ngũ nhân viên của chúng tôi thường xuyên trao đổi và hiểu rõ nhu cầu khách hàng của mình.

Như trên ông có nói, cần cẩn trọng trong việc mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài, bởi đó là điều không dễ dàng. Ông có lời khuyên cụ thể gì cho những doanh nghiệp Việt Nam khi muốn mở rộng ra thị trường nước ngoài?

Phải hết sức cẩn thận, bởi đầu tư vào thị trường nước ngoài có thể sẽ rất tốn kém và cũng có thể là một sai lầm nghiêm trọng. Ý tưởng thì rất tuyệt, nhưng hãy tự hỏi tại sao doanh nghiệp có một văn phòng ở Hồng Kông? Mở thêm chi nhánh ở Singapore để làm gì? Doanh nghiệp mang đến những giá trị gì cho khách hàng? Có lợi ích gì cho công ty? Doanh nghiệp đã có đội ngũ nhân viên đủ tài năng, hay phù hợp với công việc chưa? Chiến lược cụ thể của doanh nghiệp trong những thị trường đó là gì?

Hiện có rất nhiều ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam, nên đối với ANZ Việt Nam cũng vậy, chúng tôi cũng phải có chiến lược rất rõ ràng tại đây, làm sao để thành công. Vậy nên, các DN phải biết rõ thứ có thể mang lại cho thị trường mới là gì rồi mới quyết định mở rộng đầu tư ở thị trường đó. Tôi đã thấy rất nhiều công ty sụp đổ và không thể cạnh tranh hay không có khả năng tồn tại. Trong vòng 5 - 6 năm, họ phải đóng cửa và trở về nước. Điều đó diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Vậy nên, tôi nghĩ, cần thật thận trọng và một khi đã quyết tâm thì doanh nghiệp phải quyết tâm đến cùng để có thể xây dựng công ty hoạt động kinh doanh lâu dài trên thị trường nước ngoài, chứ không phải chỉ trong một vài năm.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Minh Tiến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục