Hệ lụy nào nếu trì hoãn triển khai Basel?

(ĐTCK) “Nếu trì hoãn triển khai Basel (II hoặc III), một trong những hậu quả lớn sẽ là hạn chế mức độ an toàn vốn, ngăn chặn rủi ro cho vay quá mức khi tỷ lệ nợ tăng trưởng ở tốc độ không bền vững”. 
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Giám đốc tài chính Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) với ĐTCK. 

Theo bà, việc triển khai Hiệp ước vốn Basel sẽ mang lại những lợi ích gì trong hoạt động kinh doanh?

Việc triển khai Basel (II hoặc III) giúp chuẩn hóa và cải thiện và lành mạnh hóa lĩnh vực ngân hàng trong nước thông qua việc áp dụng các chuẩn mực toàn cầu. Basel được xây dựng trên nguyên tắc cơ bản nhằm đảm bảo các ngân hàng duy trì đủ nguồn vốn bù đắp cho các khoản lỗ có thể phát sinh từ những rủi ro mà ngân hàng đang nắm giữ. Basel II - phương pháp tiêu chuẩn được chuẩn hóa và được xem là bước đầu tiên tiến tới phương pháp đánh giá theo độ nhạy cảm rủi ro.

Nói chung, việc thực hiện Basel II nhằm mục đích tăng cường mức độ an toàn vốn, ngăn chặn rủi ro cho vay quá mức khi tỷ lệ nợ trong nước tăng trưởng ở tốc độ không bền vững. Basel II cũng cải thiện phương pháp định lượng rủi ro thông qua việc sử dụng các dữ liệu và công nghệ, tăng cường tính công khai, minh bạch và đảm bảo được tính thống nhất toàn cầu của các chuẩn mực trên tất cả các lãnh thổ. 

Vậy có sao không khi trì hoãn triển khai Basel II, thưa bà?

Nếu trì hoãn việc triển khai Basel II, các ngân hàng nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung chắc chắn không đạt được những lợi ích nêu trên. Ngoài ra, đối với Việt Nam, các ngân hàng sẽ không thể tận dụng được lợi thế về hội nhập kinh tế, chẳng hạn tiếp cận thị trường vốn quốc tế, duy trì tính cạnh tranh và tăng trưởng bền vững.

Đối với khách hàng, nhà đầu tư và chủ nợ của ngân hàng, quan trọng là thông tin về mức an toàn vốn có thể sử dụng được và đáng tin cậy. Áp dụng Basel giúp đảm bảo dữ liệu về mức an toàn vốn có thể so sánh được giữa các ngân hàng. Bên cạnh đó, các yêu cầu về vốn phải dựa trên mức độ rủi ro, khi đó, nếu rủi ro tăng thì các tổ chức tín dụng cần phải tăng vốn, qua đó giúp tăng cường sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam. 

Để triển khai Basel II thành công, bà có khuyến nghị gì đối với các ngân hàng Việt Nam?

Các ngân hàng nên chú trọng vào các điểm sau đây khi thực hiện Basel II: cải thiện chất lượng dữ liệu, chú trọng thực hiện việc đối chiếu, chất lượng phân tích và ảnh hưởng của rủi ro; áp dụng các thông lệ quốc tế để xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ và quy trình quản lý rủi ro, bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, rủi ro hoạt động cũng như các rủi ro khác; nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để phát triển một hệ thống ngân hàng năng động, an toàn và hiệu quả; phát triển chính sách nhân sự, tập trung tuyển dụng lực lượng nhân sự chuyên nghiệp, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ nhân viên để có thể đáp ứng nhanh với các yêu cầu mới. 

Bên cạnh những khó khăn, theo bà, đâu là thuận lợi đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam khi thực hiện Basel II?

Thực hiện Basel II giúp phát triển và lành mạnh hóa lĩnh vực ngân hàng qua việc tăng mức độ an toàn vốn và tính minh bạch trong các chuẩn mực được áp dụng. Điều này sẽ mang lại quan điểm tích cực cho các cơ quan đánh giá tín dụng, nhà đầu tư và người gửi tiền trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, Basel II sẽ giúp các ngân hàng Việt Nam có thể mở rộng hoạt động tại Việt Nam và quốc tế.

Bên cạnh đó, thực hiện Basel II sẽ đảm bảo ngân hàng duy trì đủ vốn và dự phòng rủi ro để thanh toán những khoản lỗ tiềm tàng phát sinh từ những khoản cho vay và đầu tư của ngân hàng.

Mức vốn quy định trung bình trên toàn lĩnh vực sẽ không thay đổi đáng kể, nhưng sẽ có sự khác biệt giữa các ngân hàng. Yêu cầu về vốn sẽ giảm ở các ngân hàng có danh mục được đảm bảo bằng tài sản, có tiền sử rủi ro và chi phí rủi ro hoạt động thấp và/hoặc có quy trình quản lý rủi ro chặt chẽ. Ngược lại, ngân hàng có danh mục với rủi ro cao sẽ đối mặt với các quy định về mức vốn khắt khe hơn và tất nhiên giới hạn tiềm năng phát triển của ngân hàng.

Nên có những ưu đãi về mức vốn đối với những ngân hàng chuyển sang áp dụng phương pháp quản lý rủi ro tiến bộ hơn dựa trên hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ. Các ngân hàng nên xây dựng quy trình đánh giá mức an toàn vốn tổng quát và chiến lược để duy trì mức vốn.

Triển khai Basel II cũng giúp nhà quản lý điều hành có thể can thiệp từ giai đoạn đầu để ngăn chặn tình trạng mức vốn giảm xuống dưới mức tối thiểu theo quy định.

Hoài Giang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục