UBND 2 tỉnh Khánh Hòa – Lâm Đồng vừa có tờ trình số 11614/LT – KH – LĐ gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Đà Lạt (Lâm Đồng) theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT có sự tham gia của vốn Nhà nước.
Đây là dự án do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư đề xuất; đơn vị lập báo cáo đề xuất đầu tư là Công ty cổ phần Tư vấn Trường Sơn.
Tại Tờ trình số 11614, lãnh đạo UBND 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đề nghị Thủ tướng cho phép triển khai đầu tư xây dựng Dự án trước năm 20230; ưu tiên bổ sung dự án vào danh mục đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 của ngành GTVT; đồng thời chấp thuận phương án đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT đề trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Lãnh đạo 2 tỉnh thống nhất kiến nghị người đứng đầu Chính phủ giao UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan có thẩm quyền Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang – Đà Lạt.
Theo đề xuất, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang – Đà Lạt có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối giao với cao tốc Liên Khương – Prenn (chân đèo Prenn), tại phường 3, TP. Đà Lạt.
Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án là 80,8 km, trong đó đoạn đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa khoảng 44 km, đoạn qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 36,8 km.
Dự án được đề xuất đầu tư một lần theo quy mô quy hoạch với 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường từ 22 m – 24,75 m. Hướng tuyến Dự án đi song song với Quốc lộ 27C khoảng 1 – 7 km.
Trên tuyến dự kiến bố trí 5 nút giao thông khác mức liên thông, trung bình 20 km/nút, trong đó đoạn qua Khánh Hòa có 2 nút, đoạn qua Lâm Đồng có 3 nút; 2 vị trí xây dựng hầm có chiều dài từ 1.440 m – 1.560; 12 cầu có chiều dài từ 488 m đến 1.048 m.
Với quy mô xây dựng như trên, Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.058 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.171 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị là 18.889 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là 1.511 tỷ đồng; lãi vay 427 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 3.060 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2024 đến năm 2028, trong đó giai đoạn đầu tư xây dựng từ năm 2026 – 2028.
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt khi hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển giữa Nha Trang đến Đà Lạt còn khoảng 1,5h – 2h (so với hiện tại là từ 3,5h đến 4h); tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh cho 2 địa phương.