Hé lộ bức tranh kinh tế 2018: Sẽ đạt và vượt cả 12 chỉ tiêu

Đã qua 2/3 chặng đường của năm và bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 bắt đầu hé lộ. Theo dự báo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khả năng cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, mở ra triển vọng sáng sủa cho kinh tế năm 2019.
Đi vào hoạt động từ tháng 6, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã ngay lập tức đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp ngành dầu mỏ tăng vọt. Ảnh: Đức Đồng

2/3 chặng đường, kinh tế diễn biến tích cực  

Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2018 ngày hôm qua (30/8), Bộ Kế hoạch và Đầu tư một lần nữa khẳng định, nền kinh tế tiếp tục diễn biến tích cực.  

Rất nhiều con số đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư viện dẫn để chứng minh điều này. Rõ nhất, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là giải ngân vốn đầu tư phát triển đã được cải thiện rõ rệt, ước đạt 176.800 tỷ đồng, bằng khoảng 44,2% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 38,4% dự toán).

Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng khá, với tổng vốn đăng ký tới ngày 20/8 ước tính đạt 24,35 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017, còn vốn giải ngân ước đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017. 

Một con số khác, đó là trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 87.448 doanh nghiệpthành lập mới với số vốn đăng ký là 878.627 tỷ đồng, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Dù Việt Nam đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng không phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư, nhưng nhìn ở cả 3 chỉ số này, đều có thể thấy rõ một điều, vốn đang tiếp tục đổ vào, qua đó góp phần “tăng lực” cho nền kinh tế, tạo nền tảng cho tăng trưởng.

“Tình hình sản xuất - kinh doanh vẫn tiếp nối xu thế tăng trưởng tích cực từ đầu năm trong cả 3 khu vực, cho thấy động lực tăng trưởng xuất phát từ năng lực tăng thêm của các ngành sản xuất đang có xu hướng tăng trưởng tốt”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định. 

Xu hướng tăng trưởng tốt nhất có lẽ vẫn là ở khu vực công nghiệp. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong khi sản xuất nông nghiệp có phần chịu bất lợi từ tình hình thời tiết thất thường, nơi nắng hạn kéo dài, chỗ ngập úng trên diện rộng, thì sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục đà tăng trưởng cao.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tính chung 8 tháng ước tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,2% của cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,2%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,3%, trong khi cùng kỳ chỉ tăng 11,6%.

Như vậy, trái với lo ngại từ đầu năm, là sản xuất công nghiệp sẽ dần dần giảm tốc, thì hiện tại, chiều hướng vẫn đang rất tích cực. Ngoài những động lực cũ, được đặt ở các tổ hợp sản xuất quy mô lớn như Samsung, Formosa, thì Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đang là một điểm nhấn lớn.

Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 6, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã ngay lập tức đẩy chỉ số sản xuất công nghiệp ngành dầu mỏ trong tháng 6 và tháng 7 tăng vọt so với cùng kỳ năm trước, lần lượt là 510% và 522%. Tất nhiên, cũng còn có nguyên nhân là cùng thời điểm này năm ngoái, Lọc hóa dầu Bình Sơn nghỉ bảo dưỡng định kỳ, còn năm nay hoạt động bình thường.

Bên cạnh đó, còn có thể dẫn chứng một loạt con số để khẳng định xu thế tích cực của nền kinh tế trong 2/3 chặng đường vừa qua của năm 2018.

Đó là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2,86 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, duy trì trạng thái tăng trưởng 2 con số.

Du lịch tiếp tục khởi sắc, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng ước đạt 10,4 triệu lượt, tăng 22,8% so với cùng kỳ, bình quân mỗi tháng ước đạt 1,3 triệu lượt. Xuất nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả tốt nhất của 8 tháng trong 4 năm trở lại đây, với 155,4 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng vẫn duy trì xuất siêu với 2,8 tỷ USD…

Vui mừng trước những con số mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, tình hình kinh tế tháng 8 tốt hơn tháng 7. “Kinh tế vĩ mô ổn định. Lạm phát được kiểm soát”, Thủ tướng nói.

Bức tranh kinh tế 2018: 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Đã qua 2/3 chặng đường của năm, nên tới thời điểm này, bức tranh toàn cảnh nền kinh tế đã được phác họa một cách rõ nét hơn. 

Từ báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2018 đã vui mừng cho biết, khả năng cả 12/12 chỉ tiêu mà Quốc hội giao có thể đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý nhất, đó là tăng trưởng GDP có thể đạt trên 6,7% - tức là đạt ở mức cao chỉ tiêu Quốc hội giao (tăng trưởng 6,5 - 6,7%), đồng thời gắn liền với cải thiện cơ cấu trong các khu vực sản xuất trọng yếu và nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng bền vững, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, tìm dư địa, động lực mới để phát triển. 

“Nhờ có kết quả từ những nỗ lực cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh... của Chính phủ, tăng trưởng GDP vẫn duy trì được đà tăng khá qua các quý, mặc dù năm 2017 đã đạt mức tăng ấn tượng.

Động lực tăng trưởng của năm 2018 đến cả từ phía cung và phía cầu, nhất là năng lực tăng thêm của các ngành, lĩnh vực ngày càng được mở rộng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ như vậy và nhận định này đã nhận được sự đồng thuận từ các thành viên Chính phủ. 

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều khả năng cả năm, tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản sẽ vào khoảng 3,3%; của khu vực công nghiệp và xây dựng ước khoảng 7,59%; còn của khu vực dịch vụ là 7,35%.

“Riêng khu vực công nghiệp dự báo tăng trưởng khoảng 7,24%, tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt của lĩnh vực công nghiệp đối với nền kinh tế, góp phần thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp của Việt Nam so với các nước trong nhóm ASEAN-4”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Một điều đáng mừng khác được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đối với bức tranh kinh tế 2018 là thu ngân sách có khả năng vượt dự toán 3-5%, nợ công giảm, lạm phát dưới 4%, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động đều tăng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, dự báo xuất siêu cả năm 1 tỷ USD, cán cân thanh toán tổng thể ước thặng dư cả năm 11 tỷ USD, dự trữ ngoại hối tăng…

Thực tế, không chỉ Chính phủ Việt Nam lạc quan khi nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô. Chỉ ít ngày trước đây, Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã đánh giá, Việt Nam nhiều khả năng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6,4% trong giai đoạn 2018 - 2022, giúp ổn định tình hình nợ công, gia tăng năng lực cạnh tranh, duy trì dòng chảy thương mại lành mạnh và tiêu dùng trong nước ở mức cao.

Theo Moody’s, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý III và năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới, tăng trưởng thương mại toàn cầu, từ tiến trình xúc tiến đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA). 

Bà Nihad Ahmed, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Tập đoàn FocusEconomics mới đây cũng đã khẳng định rằng, kinh tế Việt Nam đang được cải cách mạnh mẽ để chủ động đối phó với những thách thức từ bên ngoài và về tổng thể, bức tranh kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục khả quan.

Cơ hội nào cho kinh tế 2019?

Bức tranh kinh tế Việt Nam đang tiếp tục khả quan. Mặc dù vậy, thách thức, khó khăn cũng vẫn còn rất lớn. Áp lực lạm phát, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, giá cả hàng hóa thị trường thế giới đang leo thang, sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn… là những điều đã được nhắc tới trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2018.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng của năm 2018 tiếp tục được cho là đã và đang mở ra một triển vọng sáng sủa cho kinh tế 2019. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về các chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, giai đoạn 2019 - 2021, xem nên đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức nào.

Thủ tướng cũng cho rằng, trước bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, quy mô nền kinh tế trong nước đã lớn hơn, thì việc tăng thêm 1% GDP là rất khó khăn, do vậy đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn của các cấp, các ngành để có thể đạt, vượt mục tiêu đề ra.

Trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế - xã hội 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã bắt đầu phác họa kế hoạch năm 2019. Theo đó, dự kiến tăng trưởng GDP năm 2019 sẽ vào khoảng 6,6-6,8%

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự kiến kế hoạch năm 2019, GDP năm 2019 được đặt ra tăng khoảng 6,6-6,8%, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4-5%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng 33-34% GDP…

Mới là các con số phác thảo và điều quan trọng, cơ hội cho kinh tế 2019 phụ thuộc rất lớn vào việc hoàn thành Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2018. Dù tình hình hiện nay là tích cực, song còn tới 4 tháng nữa của năm kế hoạch, nếu không nỗ lực, sẽ không thể hoàn thành tốt nhất mục tiêu đề ra.

Nỗ lực kiểm soát lạm phát
Dù theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lạm phát năm nay có thể được kiểm soát ở mức dưới 4%, đạt mục tiêu đề ra, song đây là một mục tiêu cần phải rất nỗ lực mới có thể đạt được.
Số liệu thống kê cho thấy, tháng 8/2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 2,59% so với tháng 12/2017 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính bình quân, mức tăng CPI là 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, như vậy cũng đã tiến khá sát với mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để bình ổn giá cả thị trường những tháng còn lại của năm 2018, cần theo dõi diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, xử lý các vấn đề phát sinh khi thị trường có biến động bất thường. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá cần được thực hiện một cách minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học, thận trọng và linh hoạt, tránh tư duy dồn việc điều chỉnh giá vào cuối năm.
Bên cạnh đó, chủ động điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống. Tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá, phù hợp với cân đối thị trường, cân đối vĩ mô, góp phần hạn chế tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong lãnh thổ; kiểm soát chặt việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm dần và có lộ trình chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ.
Ngoài ra, chủ động công tác truyền thông để không gây tâm lý kỳ vọng lạm phát, bất ổn trên thị trường ngoại hối.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục