Hãy tin vào doanh nghiệp Việt Nam!

0:00 / 0:00
0:00
Cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, cả những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đều đang đề nghị Chính phủ tin tưởng vào kinh tế tư nhân, tin vào cộng đồng doanh nghiệp.
Nhà nước là bà đỡ, xây dựng thể chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy các kế hoạch phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Nhà nước là bà đỡ, xây dựng thể chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy các kế hoạch phát triển dài hạn của doanh nghiệp.

Tại cuộc Đối thoại 2045 vừa diễn ra đầu tháng 3/2021, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Vietjet Air; ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT đã trực tiếp gửi gắm điều này với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khi chia sẻ mong muốn Nhà nước là bà đỡ, xây dựng thể chế, chính sách hỗ trợ cho các ý tưởng kinh doanh, thúc đẩy các kế hoạch phát triển dài hạn của doanh nghiệp.

Trong cuộc Hội thảo Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào cuối tuần trước, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng nhắc tới những băn khoăn về niềm tin dành cho doanh nghiệp, khi mang đến câu chuyện về một start-up vừa bị xử phạt nặng nề, bị thu tên miền ngay khi có những vi phạm đầu tiên.

“Các doanh nghiệp đang khuyên start-up này nên chuyển sang Singapore, nơi mà các ý tưởng sáng tạo, các doanh nghiệp mới thành lập được hỗ trợ để thử nghiệm, được sai để sửa trong vòng 3 năm đầu…”, bà Thủy kể lại, với nhiều tầm tư.

Tại sao những thành viên trong khu vực kinh tế đang duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, chiếm tỷ trọng 42 - 43% GDP, đang tạo việc làm cho khoảng 85% tổng số lao động của nền kinh tế, đang đóng góp 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đang trở thành mũi nhọn, đầu tàu trong nhiều ngành, lĩnh vực… lại vẫn khát khao được tin như vậy?

Tại sao sau một thời gian dài liên tục Chính phủ quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, tạo lập môi trường thể chế kiến tạo, hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, những người kinh doanh vẫn chưa thực sự cảm thấy an tâm, an toàn khi thực hiện quyền kinh doanh của mình?

Một cách thẳng thắn, so với những giai đoạn trước, niềm tin vào kinh tế tư nhân đã có bước thay đổi thực sự. Qua gần 35 năm đổi mới, kinh tế tư nhân đang là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”, thay vì “có vị trí quan trọng lâu dài” (Nghị quyết Đại hội IX) hay “có vai trò quan trọng, là một động lực quan trọng của nền kinh tế” (Nghị quyết Đại hội X, XI).

Đặc biệt, tư duy quản lý nhà nước về kinh tế cũng thay đổi rất lớn, từ coi nhà nước là chủ thể đứng trên, quản lý và bao trùm thị trường và xã hội, hiện đã được nhìn nhận là một trong ba chủ thể, cùng với thị trường/doanh nghiệp và xã hội. Những rào cản thể chế được liên tục gỡ bỏ cùng với tư duy quản lý hiệu quả, thay vì quản lý bằng mọi giá…

Tuy nhiên, trong các cuộc khảo sát doanh nghiệp mới nhất, doanh nghiệp vẫn nói họ đang khó lớn, không thể lớn bởi các rào cản tiếp cận nguồn lực vốn, đất đai, khoa học - công nghệ… vẫn quá nhiều. Doanh nghiệp vẫn nói không thể an tâm khi Chính phủ nói chỉ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 1 năm không quá 1 lần, nhưng 20% doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những cuộc làm vệc phiền hà, chồng chéo. Đặc biệt, tư duy hậu kiểm để bắt lỗi, để phạt thay vì hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật chưa diễn ra như những thông điệp của Chính phủ về môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện, thấu hiểu…

Trong lý do chưa tin vào doanh nghiệp, có phần lỗi của nhiều doanh nghiệp khi vẫn còn kinh doanh bằng quan hệ, chụp giật…, chưa làm hết trách nhiệm xã hội của người kinh doanh, không tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật…. Nhưng một cách sâu xa, thể chế nào, thì doanh nhân ấy.

Tất nhiên, cho dù khó khăn thế nào, các doanh nghiệp vẫn đang năng động, sáng tạo không ngừng. Ngay cả khi sự thiếu công bằng, minh bạch trong phân bổ nguồn lực, trong đối xử với doanh nghiệp ở các quy mô, thành phần kinh tế… và cả sự chậm trễ trong thoái vốn, cổ phần doanh nghiệp nhà nước so với cam kết đã khiến nhiều doanh nghiệp giảm niềm tin, nhưng không mất đi nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh, khát vọng “sánh vai” với các tập đoàn quốc tế, kế hoạch xây dựng doanh nghiệp tư nhân lớn, tạo dựng chuỗi giá trị của người Việt…

Nhưng nếu được tin, có được thể chế thúc đẩy sự phát triển, các nỗ lực của doanh nghiệp sẽ đi nhanh hơn, bền vững hơn và lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Hãy tin doanh nghiệp Việt Nam đang có cùng khát vọng phát triển đất nước.

Bảo Duy ,
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục