Hãy để cổ đông quyết định cách chia cổ tức

(ĐTCK-online) Ý tưởng DN trả cổ tức theo thị giá (khi trả cổ tức bằng cổ phiếu) được đề cập tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 139 hướng dẫn Luật Doanh nghiệp đang nhận được những tranh luận thú vị khi một bên, đại diện là ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, sẽ bảo vệ đến cùng ý tưởng này, còn bên khác (một số luật sư và nhiều nhà đầu tư) lại cho rằng, đây là một ý tưởng thiếu thực tế.
Chia cổ tức bằng cổ phiếu không mang lại sự gia tăng tài sản ngay cho các cổ đông - Ảnh: Đức Thanh. Chia cổ tức bằng cổ phiếu không mang lại sự gia tăng tài sản ngay cho các cổ đông - Ảnh: Đức Thanh.

>> "Tôi sẽ bảo vệ đến cùng ý tưởng trả cổ tức theo thị giá"

Để độc giả có thêm một cách nhìn chân thực về cách chia cổ tức quyền chia cổ tức, ĐTCK xin được giới thiệu bài viết của ông Lê Hải Trà, ủy viên thường trực HĐQT Sở GDCK TP. HCM về vấn đề này. 

Quyết định chia cổ tức của DN là một thông điệp có thể được công chúng đầu tư mổ xẻ, đánh giá về tình trạng tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cũng như năng lực quản lý của những người điều hành. Điều này được phản ánh từ thực tế là một quyết định chia cổ tức của DN có thể được thị trường đánh giá một cách tích cực hoặc tiêu cực thông qua sự tăng giá hay giảm giá của cổ phiếu. Chiến lược cổ tức hợp lý không những giúp cho DN có được sự tăng trưởng tài chính một cách hiệu quả mà còn cải thiện được tính thanh khoản của cổ phiếu, thu hút thêm các cổ đông mới.

Tùy vào ngành nghề hoạt động và giai đoạn phát triển của DN mà việc chia cổ tức được quyết định sao cho thích hợp.

Ví dụ, một DN A trong lĩnh vực công nghệ đang ở giai đoạn đầu phát triển sẽ có xu hướng trả cổ tức thấp, hoặc thậm chí không trả cổ tức trong nhiều năm nhằm tập trung cho việc tái đầu tư mở rộng; trái lại, một DN B đã trưởng thành trong lĩnh vực dịch vụ hạ tầng thường sẽ trả cổ tức đều đặn và ổn định. Sẽ là không bình thường nếu hai DN trên có xu thế chia cổ tức theo hướng ngược lại.

Trả cổ tức bằng cổ phiếu là một chiến lược quan trọng đối với các DN Việt Nam nói chung bởi hai lý do.

Thứ nhất, phần lớn các DN Việt Nam, cũng như nền kinh tế Việt Nam nói chung, đang trong giai đoạn tăng trưởng. Vì vậy họ rất cần giữ lại tiền mặt (thay vì chia cổ tức) để phục vụ cho mục tiêu tái đầu tư của mình.

Thứ hai, vốn điều lệ là một thước đo cơ bản phản ánh tầm vóc của DN trong một số hoạt động quan trọng, ví dụ như đáp ứng điều kiện niêm yết trên thị trường chứng khoán. Do đó, tăng vốn điều lệ luôn là một mục tiêu được các DN quan tâm thực hiện khi có thể.

Chia cổ tức bằng cổ phiếu không làm thay đổi giá trị DN (giá trị vốn cổ phần) và cũng không tạo ra thặng dư vốn cho DN, mà chỉ chuyển một phần lợi nhuận chưa phân phối thành vốn điều lệ của DN cùng với sự gia tăng của tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành.

Xét về góc độ tài chính DN, một quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu hợp lý cần dựa trên cơ sở đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận ít nhất không nhỏ hơn tỷ lệ pha loãng cổ phiếu, nếu DN muốn duy trì hoặc cải thiện chỉ tiêu EPS.

Nếu một loại cổ phiếu có mệnh giá và thị giá bằng nhau thì không hề có sự khác biệt giữa việc áp mệnh giá hay thị giá cho việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Nếu thị giá cao hơn (hoặc thấp hơn) mệnh giá, kết quả khác biệt của việc dùng mệnh giá hay thị giá để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu là số lượng cổ phiếu lưu hành thêm, theo đó là số vốn điều lệ có thể được tăng thêm tương ứng.

Có thể hình dung đối với một DN có thị giá cổ phiếu càng cao gấp nhiều lần mệnh giá, khi áp thị giá để trả cổ tức bằng cổ phiếu, cổ đông sẽ càng được nhận thêm ít cổ phiếu, đồng nghĩa với số vốn điều lệ được bổ sung càng thấp. Khi đó, để bổ sung được một lượng vốn điều lệ mong muốn, có thể DN đó sẽ phải công bố một tỷ lệ chia cổ tức cao đến mức “gây sốc” cho thị trường.

Trên TTCK, mỗi khi cổ đông được hưởng những quyền lợi nào đó thì thị giá của những cổ phiếu họ đang nắm giữ cũng được điều chỉnh một cách tương ứng để đảm bảo công bằng trong hoạt động giao dịch.

Khi chia cổ tức bằng cổ phiếu không mang lại sự gia tăng tài sản ngay cho các cổ đông, nhà đầu tư chân chính có lý do để mong muốn được thấy sự tăng trưởng hợp lý về quy mô vốn điều lệ, theo đó là cơ hội tích lũy tài sản và sự cải thiện về tính thanh khoản đối với cổ phiếu DN họ đang nắm giữ. Chia cổ tức bằng cổ phiếu theo mệnh giá hay theo thị giá xét cho cùng là quyền quyết định của những người sở hữu DN – những cổ đông.

Lê Hải Trà, ủy viên thường trực HĐQT HOSE
Lê Hải Trà, ủy viên thường trực HĐQT HOSE

Tin cùng chuyên mục