Hãy cho đi thật nhiều rung cảm đẹp

(ĐTCK) Những rung cảm đẹp cũng như hương, như hoa làm đẹp thêm cho cuộc sống
Ảnh, đồ họa: Thành Nguyễn. Ảnh, đồ họa: Thành Nguyễn.

Những ngày này, có lẽ chúng ta đã phải tiếp nhận quá nhiều thông tin tiêu cực, dịch bệnh, kinh tế suy thoái, các thị trường chủ lực dường như đều đi xuống. Và giờ, có lẽ cả với những người thờ ơ nhất với thời cuộc cũng thấy được những tác động của bối cảnh chung với bản thân, nhiều thứ mà trước kia, ta hay cho rằng nó xa xôi ở đâu đâu ấy.

Lại xin lan man một chút, năm 2019 là một năm đầy thách thức, với thiên tai, cháy rừng, hay tình trạng bạo lực. Đó là lý do trang từ điển Dictionary.com chọn tính từ “existential” – “sống còn” là từ khóa của năm.

“Từ “sống còn” gợi cho chúng ta trả lời những câu hỏi lớn về chúng ta là ai và mục đích của chúng ta là gì khi đối mặt với những thách thức khác nhau", Dictionary.com lý giải.

Trước đó lâu hơn, vào năm 2018, từ "misinformation" - "sự sai lệch thông tin" được trang này chọn làm từ của năm và kêu gọi mọi người hành động để chống lại sự lan truyền của những thông tin sai lệch.

Giờ quay lại câu chuyện của năm 2020. Những ngày qua, khi chúng ta nghe đài, đọc báo, xem truyền hình, đâu đâu cũng thấy tin tức về dịch bệnh, về tử vong. Tâm lý lo sợ, một chút hoảng loạn là có thật. Thậm chí, trên môi trường mạng, có người còn cố tình đưa tin xuyên tạc, bịa đặt để câu like, câu view. Tất cả những điều này đã thôi thúc để tạo nên sự bất ổn cục bộ trong xã hội.

Kỳ lạ thay, ở một đất nước vốn mạnh về nông nghiệp, mà người dân lại lo bị đói, lại ra siêu thị vơ vét đồ dự trữ đủ ăn cả tháng trời.

Thật lạ lùng thay, khi báo đài chính thống nói ra rả, tuyên truyền ra rả về phòng chống dịch, về đảm bảo nguồn cung lương thực, thuốc men mà người dân vẫn ầm ầm rủ nhau đi chợ, khuân đồ. Đến cả giấy vệ sinh người ta cũng ôm về nhà tích trữ, tạo nên một thắc mắc không nhỏ cả cho các nhà cung cấp về nhu cầu sử dụng sản phẩm (!?).

Thật lạ lùng!

Năm 2020, “sống còn” và “sự sai lệch thông tin” lại song hành cùng lúc. Trong đại dịch, nỗi sợ là khó tránh, nhưng mối nguy từ các thông tin sai lệch, còn gọi là “fake news” có lẽ còn nguy hiểm hơn nhiều.

Thói quen thấy gì đọc nấy, thiếu tự vệ thông tin đã khiến nhiều người vừa là nạn nhân, vừa là nguồn truyền tin nguy hiểm. Trong khi đáng lẽ lúc này, điều chúng ta cần lại là tâm lý lạc quan, tâm thế sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, thậm chí khủng hoảng (nếu có) một cách đầy hiểu biết.

Một triết gia nào đó từng nói đại ý rằng điều gì đến ắt sẽ đến, có tránh cũng chẳng được, điều cần là chúng ta sẽ đối diện với nó thế nào.

Có lẽ, thay vì lo lắng, ủ rũ vì dịch bệnh, vì nỗi lo giảm thu nhập, thậm chí mất việc, giờ là lúc mỗi người nên có một thái độ lạc quan, tích cực, chuẩn bị cho mình những sự đổi thay hậu Covid-19.

Nhưng trước tiên, khi chúng ta chưa bước qua giai đoạn khó khăn, có lẽ thay vì than vãn, bi ai và chia sẻ những điều tiêu cực, điều cần hơn là nhắc nhớ đến vô vàn điều tốt đẹp quanh mình.

Ngoài kia, vẫn có những người tình nguyện xông pha vào vùng dịch để giúp đỡ những người thiếu may mắn, thậm chí, tình nguyện xin không nhận lương, xin bay đến những vùng đất xa xôi để đón những người Việt hải ngoại về nước,...

Ngoài kia, biết bao người đã chia sẻ chỗ ăn ở, sinh hoạt để phục vụ công tác cách ly, đảm bảo điều kiện tốt nhất có thể cho người nhiễm Covid-19,…

Ngoài kia, còn rất nhiều người dù không dư dả gì, nhưng vẫn sẵn sàng nhắn tin với cú pháp “CV n” để gửi đến 1407, trong đó “n” còn hơn nhiều lần một bữa ăn trưa,…

Nhiều, nhiều lắm những hành động đẹp đáng để chúng ta chia sẻ, hơn nhiều lần những tin xấu đâu đó quanh mình.

Cách đây 4 năm, mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook đã bổ sung thêm 5 biểu tượng cảm xúc mới gồm: “love”, “haha”, “wow”, “sad” và “angry”. Không khó để nhận ra 3/5 biểu tượng trên đều mang biểu thị cho sự lạc quan là: yêu thương, sự phấn khởi, ngạc nhiên. Ưu thế hơn 2 nút còn lại là buồn và giận dữ.

Duy chỉ có một nút “dislike”, dầu cũng được không ít người dùng mong đợi, nhưng đến nay, Facebook vẫn chưa chịu bổ sung bởi  tính chất tiêu cực của biểu tượng.

Ví dụ nhỏ này cũng cho thấy sự cẩn trọng của đơn vị sở hữu cộng đồng mạng lớn nhất hành tinh này trước các cảm xúc tiêu cực. Và nếu các nút bấm cảm xúc kia có thể tác động đến người dùng, thì có lẽ, việc cân nhắc đưa thông tin, sử dụng thông tin trên mạng xã hội càng cần được mỗi người coi trọng hơn nữa. Vì nó không chỉ là cảm giác trên mạng, nó sẽ phần nào chi phối suy nghĩ, hành động của chúng ta.

Hành động định nghĩa con người. Trước các thông tin, cách chúng ta hành động sẽ thể hiện năng lực nhận biết, trí tuệ và cảm xúc. Và khi một người luôn hướng tới những điều tốt đẹp thì chẳng có lý gì cuộc sống người đó lại vận hành theo hướng ngược lại.

Hãy dừng gieo những hồ nghi, hãy cho đi nhiều hơn những sự rung cảm, hãy cho đi nhiều hơn những điều tốt đẹp. Để rồi, ta sẽ nhận lại sự yêu mến.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục