Theo đó, ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty vừa bán 197.900 cổ phiếu HAX để giảm sở hữu từ 22,11% về còn 21,71% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 21/3 đến 18/4.
Trước đó, bà Vũ Thị Hạnh, thành viên HĐQT kiêm thành viên Ủy ban Kiểm toán vừa bán 1.260.200 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 13,81% về còn 11,26% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 17/2 đến 10/3.
Bà Hạnh là vợ ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, vợ chồng ông Dũng liên tục bán ra để giảm sở hữu.
Bối cảnh ông Dũng và vợ bán ra khi cổ phiếu HAX tăng nóng, sau đó bắt đầu giảm trở lại khi lãnh đạo bán ra. Cụ thể, từ 29/9/2021 đến 28/3/2022, cổ phiếu HAX tăng 104% từ 19.350 đồng lên 39.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, tính tới ngày 20/4, cổ phiếu HAX đã giảm 30,3% từ đỉnh ngày 28/3.
Ở một diễn biến khác, gần đây ông Dũng đã có phát biểu dậy sóng cộng đồng nhà đầu tư trong Đại hội cổ đông diễn ra ngày 9/4.
Trong đó, ông Dũng cho biết: “Cổ đông nào là những người cùng hướng với công ty trong lúc hoạn nạn, khó khăn, đó mới là cổ đông. Còn cổ đông nào cứ muốn cổ phiếu lên mua 10 bán 50, xong rồi lướt sóng, mang danh nghĩa cổ đông thì hoàn toàn không phải, tôi không định nghĩa đó là cổ đông. Tôi biết có những người ở đây sẽ truyền đạt tới những cổ đông nghiệp dư, tay buôn chứng khoán (những người này không được gọi là cổ đông).
Họ đang là ký sinh trùng, bám vào Công ty để kiếm lợi, họ không phải là cổ đông. Có những người nắm rất nhiều cổ phiếu nhưng họ đâu đến tham dự ĐHĐCĐ, bởi họ đâu quan tâm năm sau như thế nào mà họ chỉ quan tâm đến việc mai giá cổ phiếu có lên không thì họ bán. Đấy là quan điểm của tôi, tôi luôn luôn trân trọng những cổ đông chân chính, nhưng đối với những người lướt sóng cổ phiếu thì không phải là cổ đông”.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/4, cổ phiếu HAX giảm 1.050 đồng về 27.550 đồng/cổ phiếu.