Những “điểm nóng” đất đai
Sau nhiều năm, sai phạm quản lý đất đai xảy ra ở huyện Thạch Thất, TP Hà Nội đang được đưa ra ánh sáng. Mới đây, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét xử 6 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Huyện Thạch Thất từng là “điểm nóng” trong lĩnh vực đất đai khi từ năm 2007, người dân liên tục có đơn thư phản ánh việc cán bộ xã giao đất không đúng đối tượng, tiền thu không được hạch toán vào sổ sách. Khi vào cuộc, cơ quan điều tra đã làm rõ và xác định sai phạm đối với những cá nhân liên quan.
Theo đó, thời điểm năm 2007, Nguyễn Trung Thắng là Chủ tịch UBND xã Canh Nậu đã thành lập Ban chỉ đạo giao đất gồm Đỗ Đăng Soạn (Phó chủ tịch xã), Nguyễn Lương Thanh (cán bộ địa chính xã), Nguyễn Văn Chất (kế toán) và Nguyễn Đức Giang (thủ quỹ).
Lợi dụng chức vụ, Thắng chỉ đạo cấp dưới lập khống 103 hộ xin đất, trình lên UBND huyện Thạch Thất phê duyệt; điều ghép 93 suất đất không đúng thủ tục và thu tiền của dân.
Theo quyết định giao đất, có 64 suất không đúng tên, song UBND xã Canh Nậu không báo cáo Phòng Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Thạch Thất. Để hợp thức hóa sai phạm, ngày 10/9/2008, Nguyễn Trung Thắng ký tờ trình xin thay đổi đối tượng giao đất, song không được chấp thuận. Cơ quan điều tra xác định, hành vi giao đất không đúng đối tượng, không đúng quy định gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 8 tỷ đồng.
Các hộ dân cho biết, họ biết chủ trương điều ghép đất của xã nên làm thủ tục đóng tiền mua đất giãn dân. Việc UBND xã sai phạm hay không, họ không nắm được, nhưng đề nghị cơ quan nhà nước xem xét tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
1/7/2014 là mốc thời gian quan trọng trong giải quyết đất đai được giao không đúng thẩm quyền .
Được biết, Văn phòng đăng ký đất chi nhánh huyện Thạch Thất đã cấp 9 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân và hiện nay đang dừng thủ tục cấp sổ đỏ để chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Kiểm tra hiện trạng, có 31 hộ dân xây nhà cao tầng, 6 hộ dân xây nhà cấp 4.
Tương tự, năm 2017, vụ việc sai phạm tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội thu hút sự chú ý của dư luận khi có hàng nghìn mét vuông đất được giao trái thẩm quyền.
Thu hồi đất sai phạm, tùy trường hợp
Trong các vụ việc giao đất trái thẩm quyền, việc phân định, cá thể hóa trách nhiệm của những cá nhân liên quan để xác định ai sai, sai đến đâu khá rõ ràng. Nhưng vấn đề giải quyết và xử lý dứt điểm sai phạm để đảm bảo quyền lợi cho người dân, nhà đầu tư phức tạp hơn rất nhiều, thậm chí có ý kiến trái chiều giữa các cơ quan tố tụng.
Trong vụ án ở xã Đồng Tâm, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội có ý kiến đề nghị hội đồng xét xử tuyên giữ nguyên hiện trạng những mảnh đất người dân đã sử dụng lâu dài, ổn định. Những khu đất đã giao cho dân nhưng vi phạm quy hoạch thì kiên quyết thu hồi.
Tuy nhiên, khi tuyên án, tòa án buộc phải tách phần dân sự để giải quyết khi có yêu cầu. Tòa cũng kiến nghị UBND huyện Mỹ Đức chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm những tồn tại có liên quan đến việc cấp, giao, bán đất trái thẩm quyền tại xã Đồng Tâm trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của Luật Đất đai và pháp luật có liên quan, đồng thời xem xét đến sự ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Với tính chất tương tự, nhưng trong vụ án Phan Văn Anh Vũ, tòa án quyết định tuyên tịch thu 7 bất động sản được giao không qua đấu giá, trái quy định của Nhà nước.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho biết, việc giải quyết các trường hợp đất đai được giao không đúng thẩm quyền được điều chỉnh bởi Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Cụ thể, theo khoản 2, 3, Điều 23 thì các trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền từ ngày 1/7/2014 trở về trước được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi đáp ứng các điều kiện là sử dụng ổn định, không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch.
Người sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
Nhà nước không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và thu hồi toàn bộ diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng thẩm quyền kể từ ngày 1/7/2014 trở về sau.