Hậu quả bão số 12 sẽ “đi thẳng” vào lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm 2017

(ĐTCK) Chỉ tăng trưởng khoảng 1% trong năm 2017, nghiệp vụ bảo hiểm tài sản được dự báo chưa thể cải thiện một cách mạnh mẽ ngay trong năm 2018 khi các cơ hội tăng trưởng vẫn chưa thực sự sáng sủa. Không những vậy, sự thận trọng còn được các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đề cao hơn bởi lo ngại tỷ lệ bồi thường tăng cao.
Năm 2017, doanh thu từ bảo hiểm tài sản đạt 4.341 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14% trong tổng doanh thu và chỉ tăng trưởng 1% Năm 2017, doanh thu từ bảo hiểm tài sản đạt 4.341 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14% trong tổng doanh thu và chỉ tăng trưởng 1%

Theo thống kê chính thức của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu từ bảo hiểm tài sản đạt 4.341 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14% trong tổng doanh thu và chỉ tăng trưởng 1%. Trong đó, bồi thường là 1.131 tỷ đồng, dự phòng bồi thường 842 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bồi thường 45% (đã bao gồm dự phòng bồi thường).

Trong những tháng cuối năm 2017, ảnh hưởng của cơn bão số 12 được cho là sẽ tác động đến kết quả kinh doanh năm 2018 của các doanh nghiệp bảo hiểm khối phi nhân thọ. Ước tính sơ bộ cho thấy, tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm gốc cho những thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Dù đã có nhà tái bảo hiểm san sẻ trách nhiệm, nhưng mức bồi thường thuộc trách nhiệm của nhà bảo hiểm trong nước cũng không phải con số nhỏ. Các doanh nghiệp bảo hiểm như PVI, Bảo Minh, Bảo Việt, PJICO, PTI, BIC… đều ít nhiều có những khách hàng bị thiệt hại sau cơn bão này.

Đại diện PTI cho biết, tổng thiệt hại mà cơn bão số 12 gây ra cho khách hàng của PTI vào khoảng 109 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại 2 nghiệp vụ là tài sản kỹ thuật và hàng hải.

“Tỉnh Bình Định là khu vực có tỷ lệ tổn thất cao nhất, khoảng 73 tỷ đồng. Hiện Công ty đã xong thủ tục bồi thường cho Công ty Ngô Đam và đang tiến hành hoàn tất thủ tục bồi thường cho các doanh nghiệp còn lại…”, vị đại diện này chia sẻ.

Với Bảo Minh, tính đến ngày 10/11/2017, Công ty ước thiệt hại bồi thường bảo hiểm gốc khoảng hơn 292 tỷ đồng, bao gồm tổn thất cả về tài sản, xây dựng, lắp đặt, xe, tàu cá, hàng hóa, tàu biển…, nhưng thiệt hại chủ yếu vẫn là nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, ước khoảng 272 tỷ đồng. Địa bàn chịu tổn thất lớn nhất là Khánh Hòa, vùng tâm bão đi qua…

“Ảnh hưởng của cơn bão số 12 sẽ phản ánh vào kết quả kinh doanh của Bảo Minh năm 2018, vì nhiều vụ có tổn thất lớn và phức tạp trong khâu giám định thiệt hại”, đại diện Bảo Minh chia sẻ.

Cùng với việc kiểm soát mức độ rủi ro ở nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng hết sức thận trọng trong việc mở rộng bảo hiểm cháy nổ, cũng như một số nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao khác trong năm 2018.

Theo thống kê của IAV, tính đến tháng 9/2017, doanh thu bảo hiểm cháy nổ đạt 2.489 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8% trong tổng doanh thu và tăng trưởng 10%, trong đó bồi thường là 881 tỷ đồng, dự phòng bồi thường 426 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bồi thường 52% (đã bao gồm dự phòng bồi thường).

Doanh thu bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu đạt 1.532 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5% và giảm 11%, trong đó bồi thường là 637 tỷ đồng, dự phòng bồi thường 553 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bồi thường 77% (đã bao gồm dự phòng bồi thường)… Cùng với những nghiệp vụ này, bảo hiểm xe cơ giới cũng nằm trong vòng kiểm soát chặt sẽ của các doanh nghiệp.

“Trong năm 2018, chúng tôi sẽ tập trung kiểm soát về tổn thất, đặc biệt là nghiệp vụ xe cơ giới, bởi đây là nghiệp vụ ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh trong những năm gần đây. Việc giảm 10% đối với tổn thất nghiệp vụ này sẽ đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của công ty trong năm nay.

Bên cạnh đó, các nhóm nghiệp vụ có mức độ rủi ro cao khác như bảo hiểm tài sản cũng sẽ được kiểm soát chặt, cho dù phân khúc này là thế mạnh của chúng tôi trong các năm qua”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ.

Năm 2018, theo đánh giá của các doanh nghiệp, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn sẽ cạnh tranh khốc liệt. Do đó, kiểm soát tổn thất và tỷ lệ bồi thường để tăng trưởng bền vững là mục tiêu tối quan trọng .

“Trong năm nay, mục tiêu mà PTI đặt ra là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ bồi thường, duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất-kinh doanh, tăng trưởng doanh thu ở mức bình quân chung toàn thị trường là 8%”, ông Bùi Xuân Thu, Tổng giám đốc PTI chia sẻ.  

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục