Hậu M&A, công ty chứng khoán không dễ “lấy nét”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Có thời kỳ, các công ty chứng khoán nhỏ được tranh mua lại với giá cao để bên mua có thể sở hữu giấy phép kinh doanh chứng khoán. Nhưng thực tế cho thấy, chỉ khi bên mua là ngân hàng trong nước hoặc tổ chức tài chính lớn nước ngoài mới có thể khẩn trương phát triển công ty chứng khoán.
Hậu M&A, công ty chứng khoán không dễ “lấy nét”

Sau khi Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bán lại cổ phần Công ty Chứng khoán Sen Vàng (GLS) cho nhà đầu tư có liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh thì bên mua gặp vấn đề về thanh khoản trái phiếu và bán cổ phần GLS cho bên khác. Bên mua hiện tại lộ diện là Tập đoàn Xuân Thiện. Vào tháng 6/2024, cổ đông lớn của GLS đã chuyển nhượng hơn 10% cổ phần cho bà Thái Kiều Hương, nâng sở hữu của bà Hương và công ty liên quan tại GLS lên hơn 35%.

Bà Hương từng là Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk và thành viên góp vốn tại Công ty TNHH Xuân Thiện Việt Nam, trong hệ sinh thái Xuân Thiện Group.

Để có thể nhận vốn mới từ cổ đông liên quan đến Tập đoàn Xuân Thiện, GLS cần thời gian khá dài để ra khỏi diện kiểm soát.

Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, các cổ đông của GLS đã bàn đến việc tăng vốn điều lệ từ 135 tỷ đồng lên 5.135 tỷ đồng để GLS có thể tham gia các dịch vụ cơ bản của công ty chứng khoán như môi giới, ký quỹ, tự doanh. Tuy nhiên, để thực hiện được các bước này, GLS cần phải ra khỏi diện kiểm soát. Quý III/2024, GLS đạt doanh thu 2,9 tỷ đồng. Theo giải trình của Công ty, doanh thu quý vừa qua chủ yếu là lãi từ hợp đồng tiền gửi và xử lý các công nợ tồn đọng cũ. Hiện tại, GLS đang trong giai đoạn tái cơ cấu, chưa có doanh thu từ hoạt động tài chính. Tổng chi phí trong kỳ là 2,76 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí tiền lương. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của GLS còn 134 triệu đồng, không đáng kể so với khoản lỗ lũy kế 70 tỷ đồng.

Để có thể nhận vốn mới từ cổ đông liên quan đến Tập đoàn Xuân Thiện, GLS cần thời gian khá dài để tiến hành các bước ra khỏi diện kiểm soát, dù các chỉ số an toàn vốn trên báo cáo tài chính vẫn đảm bảo. Chưa kể, Xuân Thiện là tập đoàn chuyên về năng lượng, vật liệu xây dựng - thép xanh và nông nghiệp công nghệ cao, không có kinh nghiệm về kinh doanh lĩnh vực chứng khoán. Trong khi đó, nghiệp vụ môi giới và cho vay ký quỹ trên thị trường đang bị cạnh tranh rất mạnh mẽ bởi các công ty chứng khoán đứng trong Top 10 thị phần, các công ty có ngân hàng đứng sau hỗ trợ cũng như một số công ty chứng khoán nhỏ mới tăng vốn lên quy mô vừa.

Nhìn lại hai năm qua, sau khi đổi chủ, các “tay chơi” mới nổi bật trên thị trường chứng khoán chủ yếu là các công ty chứng khoán trực thuộc hoặc có liên quan đến các ngân hàng. Công ty chứng khoán mà bên mua là cổ đông ngoài ngành tài chính ngân hàng không đạt được nhiều bước tiến đáng kể. Điều này cũng dễ hiểu, vì nói đến cạnh tranh trong kinh doanh chứng khoán, trước tiên phải nói đến cạnh tranh về vốn. Có vốn, các công ty sẽ nhanh chóng đầu tư được hệ thống công nghệ hiện đại, sau đó đến tuyển dụng nhân sự để vận hành công ty hiệu quả.

Như công ty chứng khoán sau khi về tay cổ đông liên quan Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), đổi tên thành Chứng khoán Kafi đang hoạt động rất tích cực với dư nợ cho vay tăng bằng lần, từ 1.100 tỷ đồng vào đầu năm lên gần 4.000 tỷ đồng. Chứng khoán Kafi đang nỗ lực để đuổi kịp các đối thủ là công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng như Chứng khoán Techcombank hay VPbankS, Chứng khoán Tiên Phong của Ngân hàng Tiên Phong.

Trong khi đó, những cái tên như Chứng khoán Vina, với cổ đông chi phối là start-up Finhay hay Chứng khoán CV, do ví điện tử Momo nắm 49% vẫn còn rất mờ nhạt về hoạt động cũng như chưa đạt được thành tích gì qua con số doanh thu và lợi nhuận công bố.

Để đánh giá về độ khó “lấy nét” hậu M&A công ty chứng khoán, giới đầu tư đang quan sát trường hợp một công ty chứng khoán niêm yết vừa đón nhận thêm các cổ đông lớn. Các cổ đông lớn muốn rót thêm vốn nâng vốn điều lệ công ty này. Đáng chú ý, nổi bật trong nhóm cổ đông mới này là một tên tuổi nước ngoài, có tiềm lực tài chính mạnh. Việc mua một công ty niêm yết giúp các cổ đông mới nhanh chóng vận hành phát triển công ty trên một quy mô vốn lớn hơn. Tuy nhiên, sau M&A, kế hoạch tiếp theo này mới chỉ ở mức thông qua trên văn bản và bàn thảo giữa các cổ đông. Ít nhất mất thêm nhiều tháng nữa, kế hoạch tăng vốn mới thành hiện thực để giới đầu tư nhìn nhận hậu M&A, các cổ đông mới có “lấy nét” được cho công ty chứng khoán này.

Thu Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục